Học sinh Trường THPT Ngũ Hành Sơn tham quan phòng trưng bày trong giờ giải lao
|
Trong khi học sinh ở nhiều địa phương tỏ ra “sợ” môn lịch sử thì ở Đà Nẵng, có một ngôi trường cả thầy lẫn trò đều hào hứng tham gia tìm hiểu, sưu tầm các tư liệu về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là Trường THPT Ngũ Hành Sơn (Q.Ngũ Hành Sơn).
Sau đợt triển lãm tư liệu toàn trường (tranh, ảnh) cùng với chuyến tham quan Bảo tàng Thành phố, các em học sinh trong trường đã tham gia viết bài thu hoạch về chủ quyền biển đảo và thầy cô lấy điểm của bài thu hoạch này vào một cột điểm của môn lịch sử. Đây được xem là điểm nhấn trong hoạt động ngoại khóa về môn lịch sử của thầy và trò Trường THPT Ngũ Hành Sơn. “Để làm được điều đó, người thầy đóng vai trò tiên phong trong việc nêu gương, hướng dẫn các em tiếp cận với các nguồn tư liệu chính thống”, thầy Nguyễn Đạt – Phó hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh.
Sau hơn 3 tháng tìm hiểu, thu thập và biên soạn, thầy và trò Trường THPT Ngũ Hành Sơn đã thành lập hẳn một phòng trưng bày với nhiều mảng như tranh, ảnh, các bài báo, sách, các mô hình… phản ánh về đời sống, sinh hoạt của quân và dân trên đảo. Dẫn chúng tôi tham quan phòng trưng bày, thầy Nguyễn Đạt không giấu được niềm vui: “Thực ra, không phải học sinh lười học lịch sử mà cái chính là chúng ta phải biết khơi mào, tạo niềm đam mê cho các em”. Chúng tôi để ý thấy phòng trưng bày dành một góc treo trang trọng bộ ảnh, những bài báo sâu sắc do chính thầy Hiệu trưởng nhà trường sưu tầm minh chứng Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Phòng trưng bày còn có nhiều điểm nhấn đặc biệt khác như mô hình “Chủ quyền về Hoàng Sa và Trường Sa” của học sinh lớp 12/6, được các em đầu tư thể hiện đẹp và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Em Hoài Nhớ (học sinh lớp 12 – một trong những thành viên tham gia vẽ bản đồ Việt Nam với các hòn đá biểu tượng biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa) bộc bạch: “Quả thật khi được tiếp nhận kiến thức về vấn đề này, em và các bạn đã hiểu được chủ quyền về biển đảo. Những giờ học ngoại khóa như thế thực sự rất bổ ích và dễ tiếp thu hơn nhiều lần so với học lý thuyết trong sách. Bây giờ đứng trước tấm bản đồ, tụi em đã tự tin để biết vị trí của các tỉnh cũng như các quần đảo thuộc chủ quyền đất nước mình trên biển Đông”.
Theo thống kê sơ bộ của thầy Nguyễn Đạt, hiện phòng trưng bày của nhà trường có gần 1.000 tranh, ảnh, bài viết, sách… về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Để thành lập được phòng truyền thống, thu hút sự quan tâm của học sinh, nhà trường đã thành lập tổ hướng dẫn gồm các giáo viên bộ môn lịch sử cùng với Ban giám hiệu và Đoàn trường tổ chức cho các em đi tham quan các bảo tàng trong thành phố, gặp các cựu chiến binh từng chiến đấu ở Hoàng Sa và Trường Sa; chiếu các bộ phim liên quan đến biển đảo… để khơi gợi hứng thú cũng như việc ham tìm tòi của các em.
Thầy Nguyễn Đạt cho biết thêm, không chỉ riêng đợt triển lãm này, ngay từ đầu năm học, giáo viên dạy môn lịch sử, địa lý nhà trường được tập huấn kiến thức biển đảo. Ở các buổi chào cờ đầu tuần, nhà trường đều tuyên truyền về chủ quyền biển đảo cho học sinh. Đây là cách làm giúp học sinh khắc sâu kiến thức về chủ quyền biển đảo, từ đó có ý thức bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc. Và ngay sau đợt triển lãm này, nhà trường sẽ cho các em viết bài thu hoạch về kiến thức, ý thức của các em trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và lấy con điểm này vào cột điểm trong môn lịch sử.
Đánh giá về hoạt động này, ông Nguyễn Lâm, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Ngũ Hành Sơn, cho biết mô hình phòng trưng bày về chủ quyền biển đảo của Trường THPT Ngũ Hành Sơn là mô hình hay, cần được phát huy và nhân rộng.
Không riêng Q.Ngũ Hành Sơn, để giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo cho thế hệ trẻ, trong năm học 2012-2013, ngành GD-ĐT một số quận/huyện như: Sơn Trà, Thanh Khê cũng đã có kế hoạch phối hợp với Vùng 3 Hải quân tổ chức trưng bày triển lãm tranh ảnh, các bài viết liên quan đến Trường Sa và Hoàng Sa cho học sinh khối THCS và tiểu học.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
“Triển lãm tranh, ảnh, các bài báo, sách, các mô hình… phản ánh về đời sống, sinh hoạt của quân và dân trên đảo góp phần giúp học sinh nhận thức sâu sắc hơn kiến thức về chủ quyền biển đảo và bồi đắp tình yêu, trách nhiệm của mình đối với biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”, thầy Nguyễn Đạt – Phó hiệu trưởng Trường THPT Ngũ Hành Sơn – cho biết. |
Bình luận (0)