Hôm nọ có một sinh viên trao đổi với tôi về từ “viết lách”, vốn là từ rất hay dùng để chỉ về cách thức, kỹ thuật sử dụng chữ nghĩa, đồng thời là một công việc đã quen thuộc đối với giới bút mực, văn chương.
Theo tác giả, nhà trường phải quan tâm việc giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt, giữ được vốn tiếng Việt hay, đẹp, không bị lai căng, biến dạng (ảnh minh họa). Ảnh: A.Khôi
Nói về nghĩa, “viết” thì hẳn ai cũng rõ, vậy còn “lách” nghĩa là gì và tại sao gắn vào đây, để rồi bây giờ nhiều người “mặc định” rằng hễ “viết” thì phải “lách”, để cho hay, cho đẹp và nhất là… để an toàn? Thầy trò trao đổi và nhận thấy, vì “viết” là một động từ nên khả năng cao “lách” cũng là động từ, như là cách cấu tạo của nhiều từ khác, những từ cùng loại sẽ đi với nhau (như từng thành tố trong “xe cộ”, “gà qué”, “đất đai”… đều là danh từ; “tu sửa”, “ăn ở”, “đi lại”… đều là động từ; “mạnh dạn”, “đỏ thắm”, “trắng bệch”… đều là tính từ…). Và sau khi tìm hiểu kỹ, chúng tôi hiểu rằng ở đây “lách” mang hàm ý, khi viết người ta sẽ nghiêng cây bút thật khéo léo và di chuyển nó khắp trang giấy để tạo ra chữ. Không dừng lại ở đó, đi xa hơn, chúng tôi còn tìm thấy “lách” có thể là biến âm của “rạch” trong “rạch mặt”, “rạch vải”…, tức tạo ra các vết khắc trên một bề mặt.
Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến Đức khi định nghĩa từ “viết” cũng giảng: “viết: vạch ra chữ”. Từ đó có thể hiểu, “lách” vốn xuất phát từ “rạch”, về sau còn có thể hiểu là di chuyển bút trên giấy tạo ra chữ. Nhưng tại sao “viết” lại có liên quan đến “rạch”, chúng tôi tìm hiểu và vỡ ra một điều khá thú vị: Đây là từ có nguồn gốc từ tiếng Hán. Ban đầu, người ta viết (chữ tượng hình) trên đá, xương, đất sét, thẻ tre… hay vật cứng nào đó nên phải rạch, khắc mới tạo thành chữ được. Về sau, người ta dùng mực (có thể từ tro than hoặc nước lá cây, bột đá…) để viết lên da thú, lụa… và sau nữa thì viết trên giấy nhưng đều phải chú ý di chuyển cây bút một cách khéo léo, thận trọng để tạo ra chữ, bảo đảm các nét được đều mực mà không làm hỏng lụa, giấy… Điều này về cơ bản đã thay đổi khi ngày nay chúng ta sử dụng bút bi, bút máy có mực sẵn. Như vậy, từ chữ “viết lách” sau quá trình tra cứu, chúng tôi hiểu thêm rằng có rất nhiều điều thú vị, ý nghĩa không chỉ liên quan đến nghĩa của từ mà còn nhiều góc độ khác về sinh hoạt, văn hóa…
Trên thực tế, tiếng Việt có nhiều từ cổ hoặc gốc cổ, vốn mang nghĩa cũ (trong đó có nhiều từ gốc Hán), vẫn còn dùng được đến ngày nay, nhưng nghĩa cũ đã mờ đi hoặc không còn được nhớ đến nữa. Thành ra nhiều người không còn hiểu nghĩa đó, dẫn đến chỉ dùng như một thói quen hoặc hiểu sang một nghĩa khác, mà cách hiểu của từ “lách” trong “viết lách” hiện nay đã thể hiện điều đó. Do vậy, trong nhà trường, nếu giáo viên có điều kiện tìm hiểu, gợi ý và giúp học sinh tìm hiểu thêm về từ cổ, từ gốc cổ, có ý nghĩa cũ thì rất cần thiết và có ý nghĩa, giúp các em có thêm vốn từ và thêm yêu tiếng Việt.
Trong cuốn Từ nguyên (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành năm 2019), học giả An Chi (tức nhà nghiên cứu Võ Thiện Hoa, 1935-2022) đã nêu nhiều trường hợp từ có nguồn gốc cổ, nếu không được tìm hiểu kỹ thì sẽ khó biết nghĩa thực sự của nó. Thí dụ, thành ngữ “đầu cua tai nheo” (nghĩa là “chỉ là những chuyện chắp nhặt, không đâu vào đâu”) có từ “tai” là một từ Việt gốc Hán đọc theo âm Hán Việt, có nghĩa là “(cái) mang cá”, nên “tai nheo” có nghĩa là “mang cá nheo”. Như vậy, thành ngữ này có 2 thành tố đẳng lập là “đầu cua” và “tai nheo”, vốn không có sự liên hệ nào đáng kể, nên nó phản ánh một nghĩa thể hiện tính chất rời rạc, không đâu vào đâu. Hay chúng ta vẫn thường nghe cụm từ “ngày tư ngày tết”, trong đó “tư” nghĩa là gì thì không phải ai cũng hiểu. Theo học giả An Chi, “tư” có nghĩa là “mùa”, “năm”. Ông dẫn câu trong Lã thị xuân thu: “Kim tư mỹ hòa, lai tư mỹ mạch” (mùa này tốt lúa gạo, mùa tới tốt lúa mì). Vì nó cùng một trường nghĩa với từ “tết” (cũng mang ý là “năm”) nên người ta đã ghép chúng lại với nhau thành “tư tết”, rồi lại xen từ “ngày” vào, thành ra “ngày tư ngày tết”. Điều đáng nói là “tư” ở đây không liên quan gì đến “tư” trong “tư bề”, “tư mùa”, vốn là một biến thể ngữ âm của “tứ” (bốn). “Tư bề” là “bốn bề”, tức là “mọi phía”; “tư mùa” là “suốt bốn mùa”, tức là “quanh năm”… Hoặc từ rất thường dùng là “tết nhất” (chỉ dùng nói về tết Nguyên đán chứ không phải các tết khác như Đoan ngọ, Trung thu…) thì “nhất” có nghĩa là “đầu tiên”. Đây là một từ ghép có hai thành tố mang nghĩa gần nhau để láy nghĩa. “Tết” ở đây là “tết Nguyên đán” nói tắt là “nguyên đán” là “buổi sáng đầu tiên” (của năm âm lịch); đồng thời, những ngày tết cũng là những ngày đầu tiên của năm mới. Cái nét nghĩa “đầu tiên” thể hiện rõ một nét nghĩa chung cho cả “tết” và “nhất”.
Như vậy, rõ ràng là có rất nhiều từ chúng ta sử dụng thường xuyên nhưng không dễ dàng hiểu đúng nghĩa (hoặc nghĩa gốc) của chúng, dẫn đến nhiều khi sử dụng không chính xác. Chính học giả An Chi đã chỉ ra trường hợp “tư niên” hiện được hiểu là “quanh năm” trong khi chữ “tư” không có nghĩa là “quanh” hay “suốt” mà cũng mang nghĩa “năm”. Hoặc trường hợp “sáp nhập” (có nghĩa là “nhập vào với nhau làm một; thường nói về các tổ chức, đơn vị hành chính”) hay bị viết nhầm thành “sát nhập” với cách hiểu là những gì sát (cạnh) nhau thì mới nhập lại với nhau. Tuy nhiên, Đại Nam Quấc âm tự điển của Huỳnh Tịnh Của giải thích: “sáp, giắt (coi chữ tháp): Sáp nhập; sáp về: Nhập lại với nhau (nói về làng xóm); phân tháp: Dời đi, không cho ở chỗ cũ, dời đi ở chỗ khác”. Như vậy, “sáp” (cũng có khi viết là “tháp”) mang ý nghĩa ghép lại, hợp lại với nhau (như ở Nam bộ hay dùng từ “tháp” để nói về việc ghép cây giống). Do đó, viết đúng phải là “sáp nhập”, dù rằng trên thực tế đôi khi vẫn chấp nhận cách viết “sát nhập”, coi như từ sai dùng lâu ngày cũng thành đúng!
Từ những tìm hiểu ở trên, chúng ta thấy rằng, tiếng Việt vô cùng phong phú và cũng có những phức tạp nhất định. Khi tìm hiểu được thêm nhiều tầng nghĩa, thêm nhiều từ, thêm nhiều cách sử dụng, thêm nhiều cách cấu tạo, thêm nhiều cách hình thành…, chúng ta càng thấy tiếng Việt càng đẹp, càng đặc sắc. Do đó, trong nhà trường, giáo viên phải thực sự nghiêm túc trong việc nghiên cứu, tìm hiểu, sử dụng và hướng dẫn học sinh sử dụng tiếng Việt, dù là giáo viên ở bộ môn nào đi nữa. Đương nhiên, trước hết, giáo viên phải nêu gương trong việc dùng đúng, dùng hay tiếng Việt cũng như phải gợi mở, định hướng, dẫn dắt điều đó đến với học sinh; bên cạnh đó, giáo viên uốn nắn, phải tạo điều kiện để học sinh dùng đúng, dùng hay tiếng Việt và từ đó thêm yêu tiếng Việt.
Hiện nay, với sự tác động của nhiều nguồn, việc hiểu đúng, dùng đúng tiếng Việt của một bộ phận thanh thiếu niên có nhiều điều để nói. Đó là chưa kể những lý do tiêu cực có thể làm tiếng Việt ít nhiều bị méo mó, mất sự trong sáng. Vậy nên nhà trường phải thực sự quan tâm vấn đề giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt, nhất là tác động đến học sinh để khi các em lớn lên vẫn còn giữ được vốn tiếng Việt hay, đẹp chứ không phải lại có thêm một loại tiếng Việt khác lai căng, biến dạng!
Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)