Sau hàng loạt lần rải hồ sơ xin học bổng bị rớt, nhiều bạn trẻ đã có được bí kíp thành công với những học bổng đáng giá.
Kinh nghiệm “đau thương”
Nguyễn Văn Quang, tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đang có ý định du học lấy bằng thạc sĩ nên thời gian qua đã tìm hiểu khá nhiều thông tin về các loại học bổng thạc sĩ ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, Quang “rải hồ sơ chi chít” nhưng cái thì không có hồi âm, cái thì trượt vòng phỏng vấn… Rồi thì Quang rút ra kết luận: “Xin học bổng của Anh rất khó, dù tiếng Anh của bạn thuộc dạng cực giỏi. Các trường của Pháp và Đức thì có khả năng trúng tuyển cao hơn”.
Trần Duy Long (trái) đã nhận được học bổng du học Úc nhờ kinh nghiệm từ việc bị rớt 2 lần trước đó – Ảnh: D.L |
Theo Quang, không nên nghĩ học bổng nào có số lượng nhiều thì dễ trúng và số lượng ít thì khó đậu, quan trọng là ngành học phù hợp, hồ sơ đáp ứng mọi điều kiện và thông minh khi trả lời phỏng vấn. Quang cho biết sở dĩ có lần mình vào được đến vòng phỏng vấn rồi mà bị rớt vì không trả lời ngắn gọn, trực tiếp vào vấn đề mà cứ dẫn dắt vòng vòng xong mới đi vào trọng tâm.
“Dù tiếng Anh của bạn tốt thì việc nói dài, nói vòng vo không cẩn thận sẽ khiến người phỏng vấn hiểu sai lệch ý ban đầu. Cho nên, nếu họ hỏi: Học xong bạn có về Việt Nam không, thì cần trả lời dứt khoát là “chắc chắn rồi” chứ không nên nói là “bố mẹ tôi ở Việt Nam, tôi sẽ trở về. Tôi sẽ tranh thủ thời gian du học để học hỏi kinh nghiệm để có thể xây dựng quê hương đất nước…”, Quang chia sẻ sau khi đã xin thành công học bổng du học Eiffel (Pháp) ngành kinh doanh và quản lý.
Trong khi đó, Hoàng Nhật Đông, tốt nghiệp Trường ĐH Tài chính – Marketing, lần đầu tiên gửi hồ sơ xin học bổng ADS (học bổng Phát triển Úc) thì bị trượt ngay vì không đọc kỹ yêu cầu của hồ sơ. “Họ yêu cầu có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm việc, trong khi mình mới đi làm được nửa năm”, Đông cho biết.
Không nên thổi phồng thành tích
Kể về lần xin học bổng học thạc sĩ quản trị khách sạn và du lịch quốc tế của Trường ĐH Cardiff Metropolitan (Anh), Nguyễn Lê Trân (TP.HCM) cho biết: “Trong hồ sơ, mình có ghi là đã từng làm trưởng phòng thiết kế tour của một công ty lữ hành, từng đi dạy tại các trường có đào tạo về du lịch, khách sạn”. Trân cho rằng có thể vì những thành tích ấy khá ấn tượng nên Trân được gọi đi phỏng vấn. Tuy nhiên, Trân kể: “Khi được hỏi cụ thể về quá trình làm trưởng phòng và giảng viên, thì mình trả lời không tốt lắm. Vì trên thực tế mình chỉ làm trợ lý cho trưởng phòng và đi dạy rất ít. Mình lại cứ nghĩ hồn nhiên rằng họ sẽ không hỏi sâu về những điều đó”.
Trần Duy Long (Hà Nội), người từng 2 lần bị rớt trước khi nhận được học bổng ACIAR (chuyên về nông nghiệp của chính phủ Úc) đưa ra lời khuyên: “Không được ghi vào hồ sơ những công việc, dự án mà mình chưa từng làm hoặc nếu có thì không được thổi phồng. Vì khi bạn có hồ sơ đẹp, bạn sẽ được lựa chọn nhưng sẽ trượt ở vòng phỏng vấn nếu đó không phải thành tích của mình”.
Long cho biết vòng phỏng vấn chủ yếu nhằm loại bỏ những người nhờ người khác viết hộ hồ sơ, hoặc không làm thực mà dựa trên các kết quả của người khác. Họ sẽ hỏi về công việc mình đã làm và được nêu trong hồ sơ, đặc biệt họ hay hỏi về hiệu quả. Nhiều ứng viên từng rải đơn xin học bổng khắp nơi đều cho rằng hồ sơ xin học bổng cũng giống hồ sơ xin việc, cần trung thực và tập trung vào những điểm mạnh, những kinh nghiệm mình đã làm, để khẳng định bản thân. “Việc rớt một, hai lần là chuyện bình thường, không nên mất niềm tin. Chỉ cần bạn biết rút kinh nghiệm từ những lần rớt ấy, chắc chắn cơ hội luôn ở phía trước”, Nguyễn Văn Quang nhắn nhủ.
Nói những suy nghĩ của riêng mình
Khi vào vòng phỏng vấn, mình được trò chuyện với một chị điều phối chương trình học bổng, một anh bên Bộ GD-ĐT và một chị là thư ký thứ nhất của Đại sứ quán New Zealand tại VN. Cuộc phỏng vấn kéo dài 30 – 45 phút bằng tiếng Anh với nội dung xoay quanh đề tài nghiên cứu mà mình theo đuổi, tại sao lại chọn học ở nước này, hy vọng học được gì ở đây và khi về nước định làm gì?…
Các bạn nên nắm 2 nguyên tắc sau: Dự đoán các câu hỏi có thể được đặt ra bằng cách đặt mình vào vị trí người tuyển thì các bạn muốn biết gì về ứng viên? Ứng phó tình huống thật linh động. Các bạn thể hiện chính con người các bạn, không cần phô trương, cần nói những suy nghĩ của riêng mình. Nên nhớ, quan trọng không hẳn là việc bạn nói cái gì mà là cách bạn tiếp cận vấn đề, và việc bạn bảo vệ ý kiến của mình ra sao cho có lý. Từ đó, bạn thể hiện những giá trị mà bạn theo đuổi, đam mê và con đường bạn đang và sẽ đi.
Bạn nên duy trì việc giao tiếp bằng ánh mắt với ít nhất 1 trong 3 người, đôi khi phải giao tiếp với cả ba. Điều này rất quan trọng. Nó thể hiện sự tự tin và tương tác với người nghe.
Trần Ngọc Diệp
(nhận học bổng ASEAN của New Zealand chương trình tiến sĩ) |
Theo Thanh Niên
Bình luận (0)