Ông Trần Vũ Linh bên cây dó bonsai đã có đoạn tạo trầm. Ảnh: Khải Phong. |
Ông Trần Vũ Linh, một nông dân ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, đã bán cho một đối tác ở Malaysia 40.000 cây giống và 500.000 hạt giống cây dó bầu. Ông vừa kết thúc chuyến đi hai tháng để gieo ươm và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây dó bầu tại Malaysia. Đồng thời ông Linh cũng đang tìm cách tạo dáng bonsai cho loại cây này.
Ông Linh bắt đầu bán cây dó bầu giống qua Malaysia từ tháng 5-2009, thông qua một công ty có chức năng xuất nhập khẩu cây trồng tại TPHCM. Do nhiều trở ngại trong khâu kiểm dịch cây trồng xuất khẩu, đối tác đã yêu cầu ông đưa hạt giống qua và tổ chức ươm trồng ngay bên đó. Vì lẽ đó mà ông đã có chuyến xuất ngoại dài ngày đầu tiên trong đời, được làm việc, ăn ở, đưa đón như một chuyên gia.
Ông Linh là một nhà vườn chuyên cung cấp các loại giống cây trồng “đặc sản” Quảng Nam như quế, tiêu, bòn bon, huỳnh đàn, cau, dó bầu… thuộc loại lớn nhất tỉnh. Trong bảy năm, từ năm 2000-2007, mỗi năm ông cung cấp khoảng nửa triệu cây giống các loại, mà nhiều nhất là dó bầu, cho nhiều địa phương trong cả nước, kéo dài từ miền Đông Nam bộ đến Tây Nguyên, khu vực Bắc Trung bộ và cả miền Bắc.
Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, việc bán cây giống gặp nhiều khó khăn. Hàng loạt nhà vườn ở Quảng Nam lâm vào cảnh sa sút. Có loại cây giống từng có giá 30.000 đồng/cây rớt còn vài ngàn đồng. Dó bầu từ 7.000 đồng/cây rớt xuống 2.000 đồng/cây. Một số loại cây như cau, quế… thậm chí không còn giá trị vì không ai mua nữa.
Trong lúc bế tắc như vậy, ông Linh đã âm thầm tìm cách đưa cây giống của mình xuất ngoại. Và Malaysia đang là một thị trường giúp ông tìm ra lối thoát. Mới “đánh” ba chuyến hàng đầu tiên (hai đợt cây và một đợt hạt giống), nhưng chắc chắn, ông đã bỏ túi được vài trăm triệu đồng. Và theo ông Linh, đây mới chỉ là khởi đầu cho một mối quan hệ làm ăn lâu dài và tiềm năng.
Tại Malaysia, ông được đưa đi tham quan một số nơi. Ông nhận thấy dó bầu tự nhiên còn rất nhiều ở đây. Người Việt qua đây buôn trầm không hiếm. Tuy nhiên, đi bán cây dó bầu giống thì chỉ có mình ông. Sở dĩ Malaysia nhập dó bầu Việt Nam (đặc biệt là dó bầu hương Quảng Nam và Hà Tĩnh) vì dó bầu của ta cho trầm có giá trị cao hơn dó bầu Malaysia. Một cây dó bầu tại Việt Nam có giá 10.000 đồng, còn ở Malaysia giá trên 50.000 đồng. Trong đó chi phí vận chuyển một cây dó bầu đã là 1 đô la. Để giảm giá thành, đối tác chọn cách nhập hạt giống và gieo ươm tại chỗ. Về kỹ thuật này, ông Linh được xem là “bậc thầy” trong các nhà vườn ở Việt Nam.
Ông Linh cho biết thổ nhưỡng, khí hậu… của Malaysia phù hợp với cây dó bầu. Nông dân ở đây có nhiều điều kiện để phát triển loại cây này vì họ có đất đai rộng lớn. Ở đây nông dân chưa có thói quen thu hoạch hạt giống, cũng chưa ai biết chuyện gieo ươm cũng như cấy tạo trầm nhân tạo. Lô hạt giống đầu tiên ông Linh gieo trồng có tỷ lệ nảy mầm trên 90% nên được đối tác tin tưởng “tay nghề”. Ông được ký hợp đồng theo dõi suốt vòng đời của cây. Đến năm thứ 7, ông sẽ chịu trách nhiệm cấy tạo trầm trên rừng dó của mình. Khi về lại Việt Nam, ông thường xuyên được đối tác cung cấp thông tin về tình trạng cây trồng qua điện thoại, Internet để có cách hướng dẫn, xử lý.
Công nghệ tạo trầm ở Việt Nam dù chỉ mới tạo được trầm loại 5 và 6, thỉnh thoảng mới được loại 4, nhưng ông Linh vẫn cho rằng không có loại cây trồng nào mang lại hiệu quả kinh tế cao như cây dó bầu, với mỗi cây cho tối thiểu 5 triệu đồng trong thời gian chín năm. Trong vườn nhà ông Linh luôn có vài ngàn cây dó bầu. Trong đó, số dó bầu đang cấy trầm là 700 cây.
Ông Linh cho biết một vẻ đẹp khác của dó là bonsai. Hai năm trở lại đây, ông âm thầm làm dó bầu bonsai. Do là loại cây thân mềm, khi được tạo dáng, cây dó bầu cảnh trông rất sinh động.
Từng là dân săn trầm rục, ông nhận thấy những cây dó (rừng) sống nơi khô cằn, đá sỏi nhiều, thân cây bị dây leo chằng chịt… là những cây có nhiều trầm và là loại trầm tốt. Vì thế ông đã “hành hạ” dó bầu khi cây còn nhỏ. Ông để cây thiếu nước, thiếu dưỡng chất, cắt, vặn, xoắn để tạo dáng, cũng đồng thời tạo trầm cho cây. Những cây trầm bonsai của ông dù chỉ mới vài năm tuổi nhưng nhiều đoạn trên thân đã thâm đen, cắt ra đốt lên đã nghe có mùi thơm của trầm. Ông Linh cho biết đã có nhiều người hỏi mua loại sản phẩm mới này. Và ông tin mình đã chọn thêm được một lối đi đúng cho cây dó bầu.
Theo TBKTSG
Bình luận (0)