Bên cạnh chất lượng thì việc ứng dụng công nghệ số sẽ là cách đưa tác phẩm văn học nghệ thuật đến gần công chúng. Như vậy, tác phẩm mới tiếp cận nhiều đối tượng độc giả, vượt qua rào cản không gian và thời gian, xây dựng cộng đồng độc giả trung thành cho tác giả và nghệ sĩ.
Nhiều bất cập
PGS.TS Trần Luân Kim (Trưởng ban Lý luận phê bình, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM) cho biết, văn học nghệ thuật chịu tác động trực tiếp từ chính trị, kinh tế, xã hội bởi những đối tượng phản ánh của nó là hiện thực trong mọi thời gian, không gian. Đến nay, đa số văn nghệ sĩ nước ta vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, trưởng thành qua các giai đoạn phát triển của đất nước, sáng tạo nên không ít tác phẩm. Bên cạnh thành tựu, văn học nghệ thuật còn tồn tại nhiều bất cập.
Nghệ sĩ Lê Nguyên Hiều (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TP.HCM) cho hay, các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp, các chương trình lễ hội ngày càng thu hút các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ trên lĩnh vực ca múa nhạc của TP tham gia và số lượng “cơn mưa” các huy chương trong các cuộc thi, liên hoan này càng nhiều vô kể. Thế nhưng một thực tế đáng buồn, đó là tỷ lệ nghịch của số lượng các tác phẩm đạt huy chương càng nhiều thì số lượng khán giả đến với các nhà hát để xem các tác phẩm đạt huy chương ngày càng ít. Thậm chí có chương trình, tác phẩm đạt rất nhiều huy chương trong các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp của quốc gia nhưng khi công diễn thì khó thu hút khán giả đến xem, ít có chương trình nào để lại những ấn tượng khó phai trong lòng công chúng.
Nhà lý luận phê bình phim Nguyễn Thị Thúy Nga cho rằng, chất lượng phải là yếu tố hàng đầu. Một bộ phim hấp dẫn cần được đầu tư nghiêm túc, từ tư duy đến trình độ tay nghề cao của nghệ sĩ. Khi một bộ phim đến được với đông đảo công chúng, đó mới là hành trình hoàn chỉnh của tác phẩm từ sáng tác đến thưởng thức. Mỗi bộ phim cần có công chúng riêng và sự hấp dẫn chính là thước đo giá trị, cũng như tính phổ quát của chủ đề mà tác phẩm mang lại.
Ông Nguyễn Trường Lưu (Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM) cho rằng, trong tám lĩnh vực văn học nghệ thuật thì có ba lĩnh vực gặp khó trong việc tiếp cận công chúng. Nhưng dù lĩnh vực nào, tác phẩm phải thực sự hay mới được công chúng đón nhận.
Nhà nghiên cứu lý luận phê bình – nhiếp ảnh gia Trần Quốc Dũng nhận định, bốn yếu tố quan trọng để một tác phẩm văn học nghệ thuật đến được với công chúng là đề tài, cách thực hiện sản phẩm, công tác tiêu thụ sản phẩm, tận dụng tốt nhất tiến bộ khoa học kỹ thuật. “Hiện nay các tác phẩm chưa hướng về con người, cụ thể là công nhân lao động. Nếu muốn lực lượng công nhân lao động tiếp cận tác phẩm nghệ thuật, cơ quan quản lý cần phải hướng dẫn thị hiếu tư tưởng đối với công chúng. Cụ thể, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà phát hành có thể phối hợp treo biển về tác phẩm văn học để công nhân có thể tiếp nhận được những tác phẩm ấy”, ông Dũng đề xuất.
Ứng dụng công nghệ
Để văn học nghệ thuật đến gần công chúng, ThS. Đoàn Phúc Linh Tâm (đại diện Trường Trung cấp Múa TP.HCM) đề xuất xây dựng các chương trình kết nối nghề dạy của nghệ sĩ tại trường học. Cách này không chỉ giúp học sinh tiếp cận thực tế với nghệ thuật mà còn khơi dậy niềm đam mê và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Đây là cách làm hiệu quả để tạo nên sự kế thừa và phát triển lâu dài cho văn học nghệ thuật.
TS. Hà Thanh Vân (đại diện Hội Nhà văn TP.HCM) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ số trong quảng bá tác phẩm. Việc phát hành ebook, audiobook trên các nền tảng như Kindle, Apple Books, Spotify hay Audible giúp tác phẩm tiếp cận nhiều đối tượng độc giả hơn, vượt qua rào cản không gian và thời gian. Thêm vào đó, truyền thông số và mạng xã hội sẽ là công cụ đắc lực để quảng bá, xây dựng cộng đồng độc giả trung thành cho tác giả và nghệ sĩ. Từ đó, giá trị văn hóa và tinh thần mà tác phẩm mang lại sẽ được lan tỏa sâu rộng.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho hay, những người sáng tác ít nhận được sự định hướng cũng như sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước. Thậm chí, đầu ra sản phẩm âm nhạc thiếu nhi cũng không có. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần thay đổi chiến lược, tuy con đường dài, khó thay đổi nhưng cần tích cực tiếp cận nền tảng số, tăng nguồn vốn đầu tư sáng tác và sản xuất âm nhạc thiếu nhi. Bên cạnh đó, chúng ta mở thêm nhiều cuộc vận động sáng tác nhạc thiếu nhi, nhiều chương trình về ca khúc thiếu nhi và tăng thêm các giải thưởng tôn vinh những bài hát thiếu nhi.
Thúy Kiều
Bình luận (0)