Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tìm kiếm cơ hội làm phim với Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Đi lại nhiều nước như con thoi để tuyển chọn phim và tham gia các dự án hợp tác làm phim, Pock Rey Cho (Hàn Quốc) được biết đến như một nhân vật giàu kinh nghiệm, chuyên tổ chức các liên hoan phim (LHP) quốc tế ở khu vực châu Á.

Bà Pock Rey Cho (trái) với nữ diễn viên Như Quỳnh tại Hà Nội (năm 2006) – Ảnh do nhân vật cung cấp

Đến Hà Nội với tư cách thành viên ban giám khảo chấm giải phim tài liệu châu Á (từ ngày 25 đến 31-10), bà đã dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trao đổi.

* Đây là lần thứ sáu tới VN, bà có cảm nhận gì cho lần chấm giải này?

– Đúng là tôi từng sang VN nhiều lần, cả Hà Nội và TP.HCM, phần lớn là đi chuẩn bị Tuần lễ phim Hàn Quốc tại VN và chọn phim VN sang Hàn tham dự LHP quốc tế. Chỉ riêng lần này đặc biệt hơn là được mời với tư cách giám khảo cuộc thi phim tài liệu châu Á. Trong số hơn 100 bộ phim được gửi tới từ nhiều nước châu Á, chúng tôi đã chọn ra 22 bộ phim vào vòng trong và ngày 31-10 sẽ chính thức công bố tên các phim đoạt giải.

Nội dung liên quan đến giải này hiện xin giữ bí mật, nhưng thú thật có nhiều phim rất khá làm tôi bất ngờ. Qua phim tài liệu của VN, tôi nhận thấy văn hóa hai nước Hàn – Việt cũng khá tương đồng như cách ứng xử, giáo dục trong gia đình, tư duy của con người…

* Là một người rất nỗ lực giới thiệu phim VN sang Hàn Quốc, bà có cảm nhận gì về sự thay đổi của điện ảnh VN trong vài năm trở lại đây?

– Tôi thấy điện ảnh VN ngày càng phát triển hơn. Trong LHP Busan lần 15 vừa qua có hai phim VN tham gia. Cá nhân tôi nhận thấy đây là hai phim khá, đặc biệt phim Cánh đồng bất tận thu hút rất đông khán giả. Rất tiếc là có quá ít phim VN tại Hàn Quốc, trong khi các nước khác thường xuyên tổ chức các tuần lễ phim của nước mình tại Hàn Quốc. Và tôi rất muốn tự tổ chức tuần lễ phim VN tại Hàn Quốc để giới thiệu thêm về nền điện ảnh của các bạn.

* Còn chất lượng điện ảnh Hàn Quốc thời gian qua ra sao?

– Hai năm trước điện ảnh và kinh tế Hàn Quốc có liên quan với nhau rất chặt chẽ. Các tập đoàn lớn như Samsung đều đầu tư vào điện ảnh, nhưng sau này do họ gặp phải những vấn đề về kinh tế, nguồn đầu tư của họ vào điện ảnh cũng ít dần. Chất lượng phim Hàn Quốc cũng giảm sút. Khán giả không hài lòng do nội dung, đề tài các phim tương tự nhau. Các công ty điện ảnh ở nước tôi phải liên kết với nhau mới đủ sức làm phim.

Năm 2009 có 138 phim truyện nội địa, chủ yếu là các thể loại: phim hành động, phim khủng bố, phim bảo vệ môi trường, đã bớt dần các phim tình yêu lãng mạn do khán giả quá nhàm chán.

* Khán giả Hàn Quốc có thích phim nước mình không, thưa bà?

– Từ năm 2007 trở về trước, tỉ lệ khán giả Hàn Quốc xem phim nội địa đạt 63%. Nhưng nay đã sụt giảm, chỉ còn 49%, còn lại 51% xem phim nước ngoài. Tại sao ư? Vì khán giả thấy phim Hàn Quốc không còn hấp dẫn nữa, yêu cầu của khán giả rất khắt khe, đòi hỏi rất cao và xem phim là một thói quen rất bình thường của họ trong cuộc sống.

Chính vì vậy những người làm phim chúng tôi phải chịu áp lực rất lớn. Tuy nhiên việc phát hành phim Hàn Quốc ra bên ngoài lại phát triển rất tốt. Chỉ riêng năm 2009 đã có 279 bộ phim Hàn Quốc được bán ra nước ngoài, trong đó 70% là thị trường châu Á, 30% là thị trường châu Âu và Mỹ.

* Bà có dự định gì cho lần quay lại VN tiếp theo?

– Một cơ hội hợp tác làm phim với VN. Có rất nhiều đề tài hay và thú vị mà hai nước có thể cùng làm. Đây là ý tưởng tôi đã nung nấu nhiều năm qua. Hi vọng lần sau tới VN tôi sẽ đưa các nhà sản xuất phim và đạo diễn Hàn Quốc tới đây cùng các dự án hợp tác làm phim.

NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG (Theo TTO)

Bình luận (0)