PGS.TS Trần Thành Nam và đồng nghiệp tại Trường Đại học (ĐH) Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cùng nghiên cứu đề tài về phát triển tài năng và các mô hình phát triển đào tạo tài năng trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Nghiên cứu khảo sát trên 2.000 học sinh THPT từ các trường chuyên trên khắp các tỉnh thành khác nhau, tìm ra sự liên kết giữa giáo dục chuyên biệt và nguyện vọng của học sinh.
Thí sinh dự thi lớp 10 chuyên năm học 2023 – 2024
PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ, kết quả nghiên cứu cho thấy, phần lớn học sinh lựa chọn vào học trường chuyên là vì đội ngũ giáo viên trường chuyên rất giỏi; mong muốn “phát triển tương lai bản thân” “phát triển năng lực bản thân”;“học tập tại trường danh tiếng” “môi trường học tập đa dạng”. Còn các tiêu chí như “cơ sở vật chất” “áp lực cạnh tranh; hay định hướng từ người khác… chưa được nhấn mạnh là lí do chính. Tiêu chí mong muốn được học tập theo chương trình tăng tốc, cá nhân hóa người học chưa được học sinh đánh giá cao.
“Đây cũng là một hạn chế khi học sinh tài năng chưa chú trọng đến lí do này; trong khi chương trình học theo tăng tốc, cá nhân hóa người có có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy tối đa năng lực người học”, ông Nam nói.
Cũng theo khảo sát, chất lượng đào tạo học sinh chuyên hiện nay phần lớn nhấn mạnh mô hình đào tạo học sinh chuyên, tài năng chủ yếu đáp ứng điều kiện kì thi tốt nghiệp THPT; hoàn thiện điều kiện hồ sơ để đi du học; “tiếp cận tài liệu chuyên môn” “môi trường học tập chuyên nghiệp, năng động, hình thức học tập đa dạng” song chưa đánh giá cao “áp dụng công nghệ dạy học” “cơ hội tham gia các kỳ thi, chia sẻ kiến thức” “cơ sở vật chất nhà trường”. Đặc biệt, tiêu chí “hỗ trợ, tư vấn sức khỏe, học tập (thể chất và tâm lí)” đạt đáp ứng thấp nhất.
Bộ GD&ĐT vẫn còn nợ câu trả lời
Mô hình trường chuyên được ra đời vào năm 1965, bắt đầu từ khối A0 (chuyên Toán) của Trường ĐH Tổng hợp, nay là Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội. Sau đó, các tỉnh, thành phố đều có hệ thống trường chuyên từ THCS đến THPT. Tuy nhiên, đầu những năm 2000 đến nay chỉ còn trường THPT chuyên trực thuộc các trường ĐH hoặc các Sở GD&ĐT. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020”.
Trong quãng thời gian này, nhiều lần xuất hiện ý kiến tranh luận muốn “bán” trường chuyên hoặc xóa bỏ trường chuyên. Bởi những chuyên gia này cho rằng, trường THPT chuyên không đáp ứng được mục tiêu cuối cùng là đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Phụ huynh, học sinh lựa chọn trường THPT mục tiêu là để dễ dàng vào ĐH, đi du học những ngành không phải là môn chuyên mà học sinh đã theo đuổi ở trường THPT chuyên.
Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT từng phát biểu quyết không chạy theo thành tích, ứng thí, huân huy chương; câu chuyện học thật, thi thật, nhân tài thật triển khai đầu tiên phải là ở các trường THPT chuyên. |
Trong khi đó, bậc ĐH, chỉ duy nhất trường ĐH Khoa học Tự nhiên có hệ cử nhân tài năng đón những học sinh trường chuyên hoặc thực sự tài năng các môn như Toán, Lý, Hóa, Sinh. Những môn học còn lại không có đầu ra cho hệ thống trường THPT chuyên ở bậc phổ thông.
Dư luận cũng đòi hỏi Bộ GD&ĐT phải đưa ra con số thống kê sau 10 năm thực hiện đề án, với quy mô 2,7% số học sinh THPT trên toàn quốc, trong số này bao nhiêu học sinh theo môn chuyên lên ĐH để phát triển các ngành khoa học cơ bản của Việt Nam. Câu hỏi này, đến nay, sau 3 năm tổng kết 10 năm Đề án, Bộ GD&ĐT vẫn chưa có câu trả lời cho dư luận.
Các chuyên gia cho rằng nếu sự tồn tại của trường chuyên chỉ để chuyển đổi những năm tháng tuổi thơ của trẻ thành những tấm bằng hay giải thưởng thi đua có giá trị thành tích nhất thời cùng những áp lực nặng nề, thì đề xuất đóng cửa là hoàn toàn hợp lý.
Trong nghiên cứu của mình, PGS Trần Thành Nam cũng đưa ra các thách thức trong mô hình đào tạo học sinh tài năng đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao với trường chuyên như phải học nhiều môn chuyên; phương pháp giáo dục chưa theo năng lực học sinh; cơ sở vật chất chưa đáp ứng môi trường học; hệ thống kiểm tra đánh giá chưa đa dạng.
Ngoài ra, việc thiếu sự phát triển có hệ thống về cả chính sách và thực tiễn trong lĩnh vực giáo dục năng khiếu, tài năng ở Việt Nam là một trong những vấn đề cần được xem xét để đáp ứng nhu cầu đào học tập toàn diện.
Đồng thời, mô hình đào tạo tài năng chưa có nhiều nghiên cứu nhằm nâng cao và triển khai; thiếu các chuyên gia, giáo viên và cán bộ quản lý có chuyên môn liên quan đến giáo dục năng khiếu; tài năng và không đủ kinh phí có thể cung cấp một số yếu tố quan trọng làm cơ sở cho những điểm yếu của các chính sách và thực tiễn.
Bởi vậy, để công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tài năng trẻ đạt được kết quả cao hơn trong những năm sắp tới, ông Nam đề xuất cần tập trung tạo cơ chế chính sách công bằng, thuận lợi để mọi tài năng trẻ đều nỗ lực phấn đấu trong học tập, nghiên cứu khoa học, lao động; tích cực quản lý nhà nước về công tác đào tạo bồi dưỡng tài năng trẻ.
Đặc biệt hướng đến xây dựng hệ thống chính sách tài năng trẻ, tạo khung pháp lý để đưa công tác quản lý nhà nước về vấn đề này ngày càng hiệu quả. Phát triển mạng lưới các trường, lớp bồi dưỡng năng khiếu bậc phổ thông, đặc biệt là các trường trung học phổ thông chuyên ở các địa phương và ở một số trường đại học có uy tín, chất lượng trong nước.
Bình luận (0)