Từ ngày 12/10, chương trình Hội ngộ tài tử phương Nam do Đài Tiếng nói nhân dân (TNND) TP.HCM tổ chức sẽ khai mạc vòng bán kết với sự tham gia của 32 đội đờn ca tài tử (ĐCTT) và hơn 200 tài tử đờn ca.
Không chỉ là cuộc thi ĐCTT đầu tiên do Đài TNND TP.HCM tổ chức, Hội ngộ tài tử phương Nam còn có rất nhiều sự khác biệt từ cách tổ chức, điều lệ thi và các đối tượng dự thi…
Nếu đa phần những cuộc liên hoan ĐCTT được tổ chức trước đây thường là cuộc chơi của các CLB thuộc các trung tâm văn hóa thì Hội ngộ tài tử phương Nam đã mở rộng đối tượng dự thi đến các lò đào tạo, các nhóm ĐCTT hoạt động tự phát. Để tuyển chọn được đối tượng dự thi theo đúng yêu cầu, trong tháng Chín vừa qua, ban tổ chức đã mở đợt sơ tuyển ở ba khu vực đồng bằng sông Cửu Long (Vĩnh Long), miền Đông Nam bộ (Bình Dương) và TP.HCM. Dựa trên tính chất của các lò đào tạo, Hội ngộ tài tử phương Nam cũng có nhiều điểm mới trong cách tổ chức và quy định về các tiết mục dự thi. Thay vì mỗi đơn vị sẽ dàn dựng một chương trình với nội dung xuyên suốt theo chủ đề riêng, ở cuộc thi này, mỗi buổi thi được xây dựng theo hình thức giao lưu, đối đáp giữa hai đội. Sự tương tác qua lại giữa hai đội thi sẽ giúp chương trình thêm hấp dẫn, đồng thời mỗi đội phải nỗ lực để khán giả nhớ hình ảnh của đội mình với những nét đặc trưng riêng biệt.
“Lò đào tạo” ĐCTT gia đình ở Bạc Liêu, nơi ươm mầm những tài tử đờn ca trong cộng đồng – Ảnh: T.V.
Không bó buộc trong 20 bài bản Tổ, nhóm dự thi có thể chọn những bài bản mới đang được sử dụng khá phổ biến trong cộng đồng hiện nay như: Chiêu Quân, Tây Thi Trường, Kim Tiền Bản… Ngoài các loại nhạc cụ cơ bản của ĐCTT là kìm, cò, tranh, bầu, ghi ta, ban nhạc ĐCTT cũng có thể sử dụng thêm những loại nhạc cụ khác vốn từng biểu diễn trước công chúng để tạo sự tươi mới. Ngoài các tiết mục ĐCTT, ở vòng chung kết xếp hạng sẽ có thêm phần thi trích đoạn cải lương với các đề tài chính sử, dã sử, dân gian, hiện đại…
Điều khiến các nhóm ĐCTT và cả ban giám khảo gặp nhiều lúng túng, thậm chí bất đồng quan điểm trong cách chấm giải ở những cuộc thi ĐCTT trước đây là đờn vô trước hay ca vô trước cũng sẽ được “hóa giải” bằng tiêu chí “mềm” hơn trong cuộc thi này. Điểm cao sẽ thuộc về thí sinh có cách ca phóng khoáng, thuyết phục người nghe mà không nhất thiết phải đờn trước hay ca trước.
Các buổi thi từ vòng bán kết, chung kết sẽ diễn ra lúc 14g Chủ nhật hàng tuần tại Đài TNND TP.HCM, bắt đầu từ 12/10 đến hết 28/12. Các buổi thi được phát trực tiếp trên sóng AM 610Khz và truyền hình trực tiếp trên HTV1. Đêm chung kết xếp hạng và trao giải dự kiến sẽ diễn ra lúc 20g ngày 7/1/2015 tại Nhà hát TP.
Thành phần ban giám khảo gồm soạn giả Ngô Hồng Khanh, nhạc sĩ Huỳnh Khải, nghệ nhân Tấn Nhì, TS Mai Mỹ Duyên, NSƯT Ba Tu và nghệ nhân Cao Thị Thắng.
Theo PNO
Bình luận (0)