Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tìm lại giọng nói “chính chủ”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Điều dưỡng viên Bùi Thị Duyên cùng các dụng cụ âm ngữ trị liệu tại Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM

Giọng nói là công cụ giao tiếp của con người trong xã hội. Tuy nhiên, với một số người, giọng nói lại trở thành nỗi ám ảnh thực sự.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM thì với những người có tổn thương ở dây thanh như hạt dây thanh, polyp dây thanh, người cắt bỏ thanh quản bán phần hay toàn phần, những người nói ngọng, nói lắp, rối loạn giọng nói tuổi dậy thì, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ… đều gọi chung là mắc chứng rối loạn về giọng nói (chức năng và thực thể). Người mắc chứng bệnh này, đặc biệt là chứng rối loạn giọng nói tuổi dậy thì thường thiếu tự tin và hòa nhập kém với cuộc sống do mặc cảm về giọng nói của mình.
Già trẻ đều… luyện giọng như “ca sĩ”
Cả tháng nay, mỗi tuần một lần Hải Yến (23 tuổi, SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đều đặn đi luyện giọng tại phòng luyện giọng… của Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM. Mặc dù là nữ nhưng do “sở hữu” giọng nói khàn khàn ầm ầm, ai nghe qua điện thoại cũng “chào anh” nên Hải Yến rất mặc cảm. Cô giáo tương lai này chia sẻ “Thực sự mình rất ngại giao tiếp với mọi người. Học sư phạm lại sắp ra trường rồi, nghĩ đến công việc mình không hề có chút tự tin nào. Mình chỉ mong muốn có được giọng nói bình thường như bao người phụ nữ khác…”.
Cùng cảnh ngộ, Lê Tuấn (21 tuổi, SV ngành quản trị kinh doanh), cũng đã phải “khổ sở” với giọng nói “thánh thót” của mình. Bạn bè thường trêu con trai gì mà giọng éo éo như con gái. Đến hẹn lại lên, vài tuần nay, Tuấn đến luyện giọng, thu âm tại Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM với khát khao có “một giọng nói nam tính” để tự tin trong cuộc sống.
Không chỉ người trưởng thành, giọng nói cũng khiến không ít trẻ nhỏ nhiều phen khóc “hết nước mắt”. Chị Thu Hương (Q.3) đã đưa con trai 4 tuổi của mình đến Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM để luyện giọng vì chứng nói ngọng. Chị chia sẻ “Nhiều hôm đón cháu ở lớp mẫu giáo, thấy mẹ, cháu khóc ầm lên nói con không đi học nữa đâu vì bạn bè trêu nói ngọng, nhại lại giọng nói. Là một người mẹ, tôi thấy rất đau lòng. Gần tháng nay, tuần nào tôi cũng đưa con đến phòng bệnh viện để luyện giọng cho con với hy vọng con nói giọng bình thường như bao bạn bè khác…”.
Đặc biệt, ở tuổi 65, do phẫu thuật cắt bỏ thanh quản bán phần, giọng nói trở nên yếu và khó khăn nên cụ Phạm Văn Ngà vẫn là “học viên” thường trực của phòng luyện giọng. Với cụ, tìm lại giọng nói là để cảm thấy cuộc sống được trở lại bình thường. Theo BS. Ngọc Dung, chứng rối loạn giọng nói không phân biệt lứa tuổi nào, bất kỳ ai cũng có thể mắc phải. Đa phần bệnh nhân tìm đến phòng luyện giọng tại Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM đều tìm lại được giọng nói của mình sau một thời gian điều trị thường xuyên, liên tục, kiên trì và hợp tác tích cực với BS.
Dễ dàng “trả lại giọng cho em”
Phòng luyện giọng tại Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM đã tồn tại hơn 10 năm nay, giúp rất nhiều người tìm lại giọng nói “chính chủ” của mình và tự tin trong cuộc sống. Bệnh nhân mắc chứng rối loạn giọng nói sẽ được khám, chẩn đoán bằng ống soi hoạt nghiệm dây thanh (hình được ghi vào băng video) và ghi âm giọng nói vào băng cassette. Sau đó, sẽ được tiến hành luyện giọng theo phác đồ: Thư giãn; tập thở bụng, đằng hắng, phát âm; tập đọc nhỏ to, thấp cao, chậm nhanh… Tùy từng bệnh nhân mà có cách điều trị linh hoạt cho phù hợp. Bên cạnh đó, còn có những dụng cụ hỗ trợ quá trình điều trị như các trò chơi, ghép hình, đọc số, hát theo nhạc…
Chị Bùi Thị Duyên, điều dưỡng viên, nhân viên âm ngữ trị liệu Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, người trực tiếp luyện giọng cho các bệnh nhân cho biết “Mỗi buổi điều trị là một bệnh nhân, thời gian dài hay ngắn phụ thuộc rất nhiều vào từng chứng rối loạn giọng nói. Với người mắc rối loạn giọng nói tuổi dậy thì có khi chỉ cần một ngày là đã có thể tập luyện ổn định nhưng với trẻ nói ngọng hay chậm phát triển ngôn ngữ, người cắt bỏ thanh quản toàn phần hay bán phần thì thời gian dài hơn. Trung bình một tháng bệnh nhân có thể tìm lại được giọng của mình, chỉ cần chăm chỉ luyện tập và trên hết phải có niềm tin…”.
Điều dưỡng Duyên cũng lưu ý các bậc phụ huynh rằng, ở một lứa tuổi nào đó, do chưa hình thành cấu âm chuẩn nên cho phép trẻ phát âm sai một số âm (thường là phụ âm). Nhưng nếu việc này kéo dài thì rất có thể trẻ đã mắc chứng nói ngọng. Cha mẹ nên đưa con đi khám để kịp thời chữa trị, tránh để trẻ phải chịu những tổn thương non nớt và tránh những biến chứng về sau.
Ngoài ra, với những người do giọng vùng miền, địa phương mà phát âm lẫn lộn một số âm (như l và n, iu và iêu…) cũng sẽ khắc phục được bằng phương pháp điều trị tại phòng luyện giọng Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM.
Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)