Góc sách Tao Đàn với những ấn phẩm “vàng son” tại tiệm sách Kafka, Q.1, TP.HCM – Ảnh: L.Điền |
Mới đây, một công ty sách tại Hà Nội cho biết vừa phát hiện Nhượng Tống từng dịch truyện Liêu trai từ trước năm 1945 và dự định sẽ tái bản quyển sách thú vị này. Đây là chỉ dấu cho thấy cuộc “tìm về” những danh tác xưa vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Việc tiếp nhận các sách hay được tái bản như vừa qua là một tín hiệu về xu thế đáng mừng, chứng tỏ trình độ dân trí đang nâng lên, người ta không chỉ đọc sách để giải trí mà còn nạp năng lượng về kiến thức. Các công ty sách cũng nhạy bén khi nắm được điều này |
Một phần của văn học sử
Thi sĩ Đông Hồ từng dùng hai từ “vàng, ngọc” để nói những áng văn thơ danh tiếng một thời bị khuất lấp bởi thời gian và những biến động lịch sử: Dâu chìm bể nổi đã bao phen/Ngọc sót vàng rơi giở trước đèn. Nay có những nhà làm sách tâm huyết muốn xới dậy từ những khuất lấp ấy, để mang đến cho bạn đọc của thế kỷ 21 những vàng ngọc của thế kỷ 20 và trước nữa.
Nhã Nam là một trong những nơi đầu tiên mạnh dạn “khai quật” những ấn phẩm nổi tiếng đã tuyệt bản để hình thành tủ sách danh tác với chủ yếu là hai mảng văn, thơ ra đời từ thời tiền chiến (trước năm 1945).
Thương hiệu sách Khai Tâm vốn chuyên về mảng sách giáo dục dạo gần đây cũng tham gia làm dòng sách này với ba đầu sách nặng ký: Việt sử diễn nghĩa của Tôn Thất Hân, Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn và Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm.
Và chuyên chú vào mảng sách “ngọc sót vàng rơi” một cách có chủ đích là Tao Đàn – thương hiệu sách chọn hướng chủ yếu là khai thác dòng sách tạm gọi là “kinh điển” bao gồm danh tác cả trong và ngoài nước.
Bắt đầu từ hai tác phẩm Các hung thần lên cơn khát và Thiên thần nổi loạn của Anatole France – nhà văn Pháp đoạt giải Nobel văn học năm 1921, Tao Đàn đến nay đã có khoảng 20 đầu sách loại này, từ Lao động biển cả của Victor Hugo, Chiến trận của Patrick Rambaud, Andromaque của Racine đến Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, Lan Hữu của Nhượng Tống, Mộng kinh sư của Phan Du và mới đây là Đôi bạn của Nhất Linh…
Ở mảng sách khảo cứu, đáng kể nhất là việc Tao Đàn đầu tư tái bản quyển Vương Dương Minh thân thế và học thuyết của tác giả Phan Văn Hùm, bản in của nhà Tân Việt từ năm 1944. Đây là quyển sách quan trọng giới thiệu từ rất sớm tư tưởng cấp tiến của Vương Dương Minh – người khởi xướng cách học canh tân giúp đời khác hẳn kiểu học Nho gia cổ hủ của Trình, Chu.
Việc Tao Đàn tái bản một cuốn sách đã từ lâu tuyệt bản, đồng thời có bổ sung chú thích cho quyển sách trên được xem như một cách cung cấp sách công cụ cho các thế hệ học giới ngày nay dễ dàng tiếp cận dòng tư liệu có từ nhiều thập niên trước.
Quyến rũ và thách thức
Sức quyến rũ của dòng sách “vang bóng một thời” đã làm chuyển hướng cả một thương hiệu sách. Đó là trường hợp Công ty sách Dân Trí (Dtbooks) sau nhiều năm nổi tiếng với những đầu sách về kỹ năng quản trị và kinh doanh…, gần đây rẽ ngoặt sang làm các sách “kinh điển” với hai đầu sách ấn tượng khởi đầu cho tủ sách Biên khảo – sử liệu là La Sơn phu tử của GS Hoàng Xuân Hãn và Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài của Alexandre de Rhodes do Nguyễn Khắc Xuyên dịch.
Nói về lý do của sự “chuyển hướng” này, ông Nguyễn Quang Diệu – đại diện Dtbooks – cho rằng: “Việc quay trở lại với những giá trị căn bản, những giá trị thực, giá trị kinh điển là xu hướng tất yếu, không sớm thì muộn”.
“Một quá khứ được mô tả và trình bày trung thực sẽ giúp mỗi người trong chúng ta hiểu đúng về hiện tại, xác định được lộ trình và đích đến cho tương lai” – ông Diệu tâm sự về khả năng những bản sách kinh điển tác động đến công chúng.
Dù vậy, công việc này còn là một thách thức lớn. Một người trong giới làm sách tại TP.HCM khi thấy Tao Đàn làm sách kinh điển, Dân Trí ra sách của Alexandre de Rhodes, rồi Khai Tâm in lại quyển Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm… đã thốt lên: Trời ơi, in các sách đó làm sao bán được!
Từ phía người đọc phổ thông, sự ngạc nhiên ấy hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế thị trường, đại diện Công ty Tao Đàn cho rằng các tác phẩm kinh điển vẫn được tái bản liên tục và đều đặn, chứng tỏ sức sống của các tác phẩm này.
“Sự chuẩn mực và cái đẹp của văn chương kinh điển luôn chiếm một phần quan trọng trong cái thú thưởng thức sách của người đọc. Đây chính là mảnh đất sống của dòng sách này” – chị Phương Thanh, phụ trách khai thác bản quyền ở Tao Đàn, nói.
Vượt qua thách thức, chăm chút cẩn thận khi làm bản thảo cũng là một cách mang lại sự quyến rũ cho sách tái bản.
Cứ hình dung quyển Vương Dương Minh tái bản có in kèm bức thư của tác giả Phan Văn Hùm gửi Nhượng Tống, quyển Đôi bạn có in thủ bút bức thư của Nhất Linh, quyển Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài có in thêm phụ lục hình ảnh kinh thành Thăng Long hồi thế kỷ 17, bức tranh năm 1685 vẽ buổi thiết triều của Chúa Trịnh, hay quyển Mộng kinh sư của Phan Du trong lần in lại có kèm thủ bút câu thơ của cụ Giản Chi: Hai trăm năm xót cơ đồ/không bằng giấc mộng thầy chùa trên non... ; hẳn bạn đọc ngày nay có thêm cái thú mà người xưa không có dù đọc cùng một quyển sách.
Không chỉ sách, mới đây tạp chí Xưa & Nay đã tiến hành tái bản một loạt năm đầu sách vốn là các số chuyên đề của Tập san Sử Địa từ trước năm 1975: Phong tục tết Việt Nam và các lân bang; Quang Trung Nguyễn Huệ; Nguyễn Trung Trực; Trương Công Định; Phan Thanh Giản. Ông Nguyễn Hạnh – phó tổng biên tập Xưa & Nay – cho biết đây là chủ trương giới thiệu lại toàn văn các công trình đặc khảo có giá trị học thuật, đến nay vẫn còn có ích cho sinh viên, học sinh và giới nghiên cứu. TS Quách Thu Nguyệt – thành viên ban điều hành Đường sách TP.HCM – cho biết sắp tới ban điều hành đường sách sẽ bàn với nhau tổ chức một tọa đàm với chủ đề "Đưa sử liệu đến người đọc" – cũng nằm trong khuôn khổ khai thác các tài liệu có giá trị từ trong lịch sử. |
LAM ĐIỀN (TTO)
Bình luận (0)