Nhằm nâng tầm cho nền toán học nước ta đang xếp từ khoảng thứ 55 hiện nay lên thứ 40 trên thế giới vào năm 2020, dự thảo "Chương trình trọng
Giờ học của sinh viên khoa Toán – Tin Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM) |
điểm quốc gia phát triển toán học" với cái nhìn tổng thể về nền toán học Việt Nam cùng các giải pháp trọng yếu đang được gấp rút hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với nhiều mặt còn khiêm tốn hiện nay, nền toán học Việt Nam liệu có đạt được mục tiêu ấy?
"Lão làng": Gian nan với nghề
Theo GS Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, thành viên Ban soạn thảo (BST) Chương trình, nền toán học của ta mới ra đời từ sau Cách mạng Tháng Tám, song hiện đã có một đội ngũ gần 1.000 nhà toán học và đã gặt hái được khá nhiều thành quả. Tuy vậy, so với yêu cầu, nền toán học Việt Nam còn nhiều hạn chế, trong đó phải kể đến nguồn nhân lực – một trong những yếu tố có vai trò quyết định đối với chất lượng đào tạo. Thống kê ở 15 trường ĐH hàng đầu của cả nước có đào tạo chuyên ngành toán, trong số 639 cán bộ giảng dạy, chỉ có 3 đơn vị có 50% số giảng viên là tiến sĩ; giảng viên là GS còn thấp hơn nhiều với 20 người (chiếm 3,1%) và chỉ tập trung ở 4 đơn vị; số PGS có tiến bộ hơn, song chỉ nằm rải rác ở 11 đơn vị với tổng số 67 người.
Số lượng giảng viên thiếu (các trường ĐH thiếu khoảng 20.000 giảng viên), tỷ lệ sinh viên/giảng viên cao nên các giảng viên phải đứng lớp quá nhiều (trung bình 15 tiết/tuần), không còn thời gian, sức lực để nghiên cứu khoa học.
Giải pháp cho tình trạng này, theo GS Nguyễn Đình Trí, ĐH Bách khoa Hà Nội, nên cho phép các trường ĐH thành lập những tổ chức chuyên nghiên cứu về toán, có biên chế, kinh phí cho hoạt động này, có thế mới mong muốn các giảng viên quan tâm tới việc nghiên cứu. Theo GS, với nhiều cán bộ trẻ, dường như cái yêu toán, tha thiết với toán không được như trước. Ông trăn trở: Liệu rằng, có lúc nào đó, chúng ta không còn giảng viên toán giỏi ở ĐH nữa?… Thực tế ấy khiến nhiều nhà khoa học đề xuất nên dành phần lớn kinh phí của chương trình đầu tư cho các trường ĐH, thay vì để xây dựng Viện Nghiên cứu toán học cao cấp như dự kiến của BST.
Thế hệ trẻ: Ít người muốn theo ngành toán
Theo thống kê của BST, nếu chia điểm xét tuyển năm 2007 của các trường ĐH theo 4 tốp (với các mức độ điểm từ 15 – 26 điểm) thì những trường có đào tạo về toán đứng ở tốp 3 (từ 18,5 – 21 điểm), song hầu hết đều là các trường đào tạo hệ sư phạm, còn khối đào tạo cử nhân toán (cả nước chỉ có 15 trường) thì đa phần đều có điểm tuyển thấp nhất. Rõ ràng, chất lượng cũng như số lượng đầu vào của sinh viên cử nhân toán rất yếu.
Chất lượng sinh viên yếu dẫn đến việc hằng năm Việt Nam không có đủ người để đào tạo tiến sĩ về toán. Viện Toán học – cơ sở lâu đời nhất trong 10 đơn vị có đào tạo tiến sĩ toán học của cả nước cũng chỉ tuyển được tối đa 5 nghiên cứu sinh/năm trong suốt 10 năm qua, bằng 1/3 chỉ tiêu được giao. Tình trạng trên cũng tương tự với hầu hết các cơ sở còn lại, bởi thế mỗi năm nước ta chỉ có chưa đầy 20 nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ về toán.
Trong khi ấy, vẫn có không ít những người giỏi, cả bậc "lão làng" và những "hậu duệ" sau khi giành vinh quang về toán đã chọn cho mình con đường lập nghiệp ở nước ngoài, tiêu biểu như GS Đàm Thanh Sơn (ĐH Washington), GS Ngô Bảo Châu (ĐH Pari), GS Lê Tự Quốc Thắng (ĐH Georgia), GS Vũ Kim Tuấn (ĐH West Georgia), GS Phạm Hữu Tiệp (ĐH Florida)…
Thực tế ấy cho thấy, con đường tới đích của nền toán học Việt Nam còn không ít gian nan…
Thống Nhất (Hà Nội mới)
Bình luận (0)