Giáo viên đang tham vấn tâm lý cho học sinh (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh
|
Hàng trăm cử nhân tâm lý ra trường mỗi năm nhưng số tìm được việc làm đúng chuyên ngành rất thấp. Trong khi nhu cầu tuyển dụng là liên tục thì số cử nhân thất nghiệp vẫn không ngừng gia tăng…
Tại hội thảo khoa học – thực tiễn “Đào tạo và sử dụng cử nhân trị liệu tâm lý” do Trường ĐH Văn Hiến phối hợp Bệnh viện Tâm thần TP.HCM tổ chức vừa qua, rất nhiều ý kiến đề cập việc nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân tâm lý nhằm tìm lối ra cho người học lĩnh vực này.
Học nhiều – hành ít
Trên thế giới, để trở thành nhà trị liệu tâm lý, một người cần tiếp tục học ít nhất 5 năm sau ĐH (các ngành tâm lý học, tham vấn hoặc công tác xã hội) và thực hành, thực tập nội trú dưới sự giám sát chặt chẽ để tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng. Đơn cử như Hoa Kỳ, bằng tiến sĩ tâm lý học lâm sàng hay tham vấn thường được đánh giá dựa trên công việc thực hành hơn là một luận văn, bao gồm ít nhất một năm thực tập nội trú và từ một đến hai năm kinh nghiệm chuyên môn. Bằng thạc sĩ yêu cầu tối thiểu ba năm sau ĐH và một năm thực tập nội trú. Ở Pháp, tâm lý học được nhắc đến như một nghề mà người theo học chuyên ngành này phải rất xuất sắc trong suốt thời gian học ĐH. Nhà tâm lý học buộc phải được đào tạo bằng những đợt thực hành ở các trường học, trung tâm hoặc bệnh viện.
Tại nước ta, ngành tâm lý học được đào tạo hàng chục năm nay. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Trung Tần (Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang), số môn thuộc lĩnh vực tâm lý học đáp ứng được lượng kiến thức, kỹ năng cho công việc tham vấn và trị liệu không nhiều. Nhiều môn học nhỏ lẻ, mang tính đại cương. Thời gian đào tạo cho người làm tâm lý thực hành quá ngắn.
“Hiện nay, chỉ với tấm bằng ĐH bốn năm, các cử nhân tâm lý học đã có thể được nhận vào làm việc tại các trung tâm tư vấn, bệnh viện, trường học hoặc hành nghề độc lập. Trong khi ở các nước, để hành nghề tư vấn hay trị liệu tâm lý, một người ít nhất phải có bằng thạc sĩ và thực hành nội trú có giám sát”, ông Tần so sánh. Cũng theo ông Tần, chính cách đào tạo này làm cho nhiều sinh viên tốt nghiệp lúng túng khi tiếp xúc với thân chủ.
Nếu như ở các nước khác, đào tạo nghề tâm lý học gắn chặt với thực hành (gồm các hình thức thực tập bán thời gian với thời lượng 10 giờ/tuần suốt hai học kỳ của năm thứ 4 và thực hành toàn thời gian suốt một năm tại các cơ sở nội trú trực tiếp với các thân chủ có sự giám sát chặt chẽ) thì ở Việt Nam, việc thực tập chỉ gói gọn hai đến ba lần trong suốt bốn năm ĐH (mỗi lần kéo dài khoảng một tuần). “Với nhiều cơ sở đào tạo, thực tập của sinh viên gần như được coi là “kỳ nghỉ mát”, hầu như thiếu giám sát chuyên môn hoặc chỉ giám sát một cách hình thức, không theo quy trình nâng dần tay nghề cho người học” – một đại biểu nêu thực trạng.
Cho sinh viên “lăn” vào thực tế
Từ thực trạng đào tạo dẫn đến hậu quả các nhà tâm lý học trẻ có quá ít kỹ năng thực hành như hỏi chuyện lâm sàng, quan sát… và lúng túng trước thân chủ. Ông Nguyễn Trung Nguyên (Giám đốc điều hành Viện Tâm lý thực hành TP.HCM) đánh giá: Những cử nhân đến xin việc tại viện thường nắm rất tốt kiến thức lý thuyết, liệu pháp nhưng lại hạn chế kinh nghiệm thực hành. Trong khi đó, yêu cầu không thể thiếu đối với cử nhân tâm lý trị liệu hay kỹ thuật viên tâm lý liệu pháp là phải vững kỹ năng thực hành. “Việc giỏi lý thuyết hơn thực hành chỉ hợp lý đối với công tác nghiên cứu, giảng dạy nhưng gây khó khăn cho việc hành nghề thực tế, bởi người bệnh không cần nghe lý luận, giảng giải chuyên sâu mà chỉ quan trọng liệu pháp để mau hết bệnh”, ông Nguyên nhận định.
Chưa nói, tình trạng hoạt động trị liệu tâm lý thiếu sự kiểm soát về mặt bằng cấp trong xã hội hiện nay khiến nảy sinh tư tưởng ai cũng có thể trị liệu tâm lý nếu có giọng nói ấm áp, kinh nghiệm sống và biết đưa ra lời khuyên. Nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ tham vấn đã tuyển dụng nhiều cán bộ làm tham vấn không có nền tảng tri thức liên quan đến tâm lý học mà chủ yếu tốt nghiệp từ các ngành báo chí, ngữ văn, luật… Những cán bộ tư vấn mới được tập huấn bởi các “đồng nghiệp” đi trước (cũng tự học, tự rút kinh nghiệm). Thậm chí có cơ sở thiếu hẳn việc tập huấn, giám sát cho cán bộ mới vào nghề dẫn đến chất lượng dịch vụ ngày càng bị thả nổi.
Lối ra cho hoạt động đào tạo cử nhân trị liệu tâm lý, theo các đơn vị sử dụng và đào tạo, phụ thuộc rất nhiều vào sự đổi mới chương trình giảng dạy, sao cho tính cọ xát, thực hành của người học được nâng lên, để các em được “lăn” vào thực tế. Khi đó, các tân sinh viên có đủ tự tin vào nghề và đủ tay nghề để đáp ứng yêu cầu rất cao của thị trường lao động.
M.Tâm
TS. Nguyễn Thị Bích Hồng (Khoa Tâm lý – Giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đánh giá rằng chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc vừa học hỏi vừa đào tạo, chương trình chưa thật sự chuẩn. Vì vậy không thể xem sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH Văn Hiến, ĐH Sư phạm TP.HCM hay trường khác là những nhà trị liệu. Thay vào đó, chỉ nên xem như những người làm công tác tham vấn, nhà tâm lý, chỉ mang tính chất “xoa dầu cạo gió” thôi… |
Bình luận (0)