Kinh doanh khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp niêm yết (các ngành sản xuất) lỗ thật, lãi tượng trưng. Các chuyên gia cho rằng, cần có những ưu đãi hơn nữa để tạo lối thoát cho các doanh nghiệp.
Lao động làm việc tại Cty May 40 Hà Nội Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Liên doanh khiến thua lỗ thật
Được xếp trong danh sách những doanh nghiệp (DN) có tên tuổi trên sàn và hoạt động trong nhiều lĩnh vực, nhưng Cty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Long (mã HLG) cho biết trong quý II lỗ hợp nhất 16,4 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2013, Cty này đạt 537,7 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 48% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế âm hơn 61 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm trước lãi ròng 22,3 tỷ đồng).
Theo giải trình của HLG, nguyên nhân thua lỗ là do nhu cầu của thị trường châu Âu giảm sút, giá cả nguyên vật liệu sản xuất thức ăn thủy sản cao, trong khi giá xuất khẩu không tăng làm lợi nhuận ngành thủy sản sụt giảm. Mặt khác, hoạt động vận tải hành khách taxi cũng làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
Thị trường bất động sản đóng băng kéo dài tiếp tục khiến nhiều DN ngành xây dựng điêu đứng. Tuy nhiên, mổ xẻ báo cáo tài chính của các DN bất động sản cho thấy nhiều chi tiết đáng chú ý. Nhiều đơn vị bị thua lỗ không vì vấn đề thị trường khó khăn mà do góp vốn vào các đơn vị khác. Điển hình trong số này phải kể đến trường hợp của Cty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai khi bị lỗ sau thuế 11,8 tỷ đồng trong quý II.
Dù chi phí tài chính và chi phí bán hàng giảm mạnh, nhưng doanh thu ít ỏi không đủ bù đắp chi phí khiến DN bị lỗ gần 4,2 tỷ đồng. Gộp chung, Cty bị lỗ sau thuế 11,8 tỷ đồng. Theo đại diện Cty, gánh nặng lỗ lớn nhất vẫn là do 3 đơn vị thành viên là Cty CP Bê tông Vinaconex Phan Vũ, Cty CP Đầu tư và Xây dựng số 45 và Cty CP Vinaconex Xuân Mai Đà Nẵng hoạt động không hiệu quả.
Cùng có mặt trong danh sách những DN bị lỗ vì liên doanh liên kết phải kể đến trường hợp của Cty CP Licogi16 (LCG) với mức lỗ 27 tỷ đồng trong quý II và 60 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Ngoài khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh chính là bất động sản, phần lỗ đến từ Cty liên doanh, liên kết cũng khiến “két” của đơn vị bị hụt tới 18,35 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng, hoạt động liên doanh liên kết làm Cty này hụt vốn tổng cộng 33 tỷ đồng.
Lãi tượng trưng
Dù không bị lỗ, nhưng lãnh đạo nhiều DN đã bỏ vốn đầu tư cả nghìn tỷ đồng vào lĩnh vực được đánh giá là “ngon ăn” như kinh doanh vàng, thực phẩm… không lấy làm mừng, khi lơi nhuận thu về quá “hẻo”.
Cty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, đến hết quý II/2013, doanh thu tăng 26%, đạt 2.050 tỷ đồng, nhưng mức lãi chỉ 27,6 tỷ đồng. Nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận do Cty này áp dụng các chính sách khuyến mại giảm giá, kích cầu trong tình hình sức mua sụt giảm. “Lãi hợp nhất dành cho cổ đông Cty mẹ trong quý II là 23,6 tỷ đồng, giảm 40,8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, PNJ lãi ròng 89,6 tỷ đồng, giảm 32,8%. Với kết quả này, sau nửa năm PNJ mới chỉ hoàn thành 37,12% kế hoạch lợi nhuận cả năm đã được đại hội cổ đông giao phó”, đại diện DN nói.
So với các ngành, lĩnh vực khác, nhiều DN ngành thực phẩm được đánh giá có cơ hội kiếm lời nhiều hơn. Tuy nhiên, bức tranh tài chính, lợi nhuận không phải lúc nào cũng màu hồng. Theo Cty Cổ phần Bibica, trong quý II lãi sau thuế tổng cộng 483 triệu đồng. Tuy nhiên, bên cạnh khoản lợi nhuận “hẻo” (so quy mô và chi phí bỏ ra-PV), Cty vẫn còn “treo” khoản phải thu lên tới 145 tỷ đồng do chờ PVI bồi thường sau vụ cháy dây chuyền sản xuất.
Lối thoát nào?
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo ngành tài chính cho rằng, cũng khó có thể xác định chính xác DN đang gặp khó khăn vì cái gì. Như với DN xuất khẩu, các số liệu cho thấy, giá xuất khẩu nhiều mặt hàng vẫn tăng trưởng tới 18% trong nửa đầu năm.
“Có thể đẩy nhanh giải ngân từ quỹ bảo lãnh tín dụng DN về các địa phương để hỗ trợ một phần vốn cho DN. Chúng ta mới đang quy định trần lãi suất huy động, còn cho vay thì không áp trần. Giữ quy định như hiện nay đồng nghĩa bảo hộ “lợi nhuận” cho ngân hàng, trong khi DN gặp nhiều khó khăn. Với DN có dự án hiệu quả nhưng không còn tài sản thế chấp, nhà nước nên mạnh dạn đứng ra bảo lãnh vay để vượt qua khó khăn”, vị này đề xuất.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ, TS Cao Sỹ Kiêm cho biết, theo số liệu cập nhật mới nhất, hiện có khoảng 35% số DN vừa và nhỏ trên toàn quốc đang trong tình trạng hết sức khó khăn. Với tình hình kinh tế như hiện nay và các biện pháp xử lý nợ xấu không được thực hiện nhanh, trong thời gian tới, số DN đóng cửa, ngừng hoạt động sẽ còn tiếp tục tăng.Theo TS Cao Sỹ Kiêm, để gỡ khó cho DN, bên cạnh việc cần có thêm các giải pháp về thuế, hạ lãi suất; cơ quan quản lý nhà nước cần đặc biệt chú ý tới tính liên kết của các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường được đưa ra trong thời gian qua.
theo TPO
Bình luận (0)