Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tìm sự mới lạ cho sàn diễn với kịch phi lý

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều kịch bản của thể loại kịch phi lý đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa nhiều đạo diễn Việt Nam dàn dựng những tác phẩm này

Tối nay, 11-8, vở kịch phi lý "Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn" do nghệ sĩ Chinh Ba dàn dựng sẽ diễn ra tại Phim trường 204 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh (TP HCM), khởi động cho tour lưu diễn toàn quốc năm 2023.

Phá vỡ nguyên tắc cũ

Năm 2019, NSƯT Trần Lực đã khởi động dòng kịch phi lý với vở "Nữ ca sĩ hói đầu", để từ đó manh nha tìm kiếm khán giả cho thể loại kịch kén khách này. Và mãi đến hôm nay, nghệ sĩ Chinh Ba – một gương mặt quen thuộc của nhiều dự án sân khấu đến từ Hội An – đã tìm sự đồng cảm của khán giả qua vở diễn mà anh đã ấp ủ sáng tạo với tên gọi khá dài "Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn".

Tìm sự mới lạ cho sàn diễn với kịch phi lý - Ảnh 1.

Một cảnh trong vở “Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn”. Ảnh: HAT ARTS

Nghệ sĩ Chinh Ba đã phá vỡ nguyên tắc cũ để đưa vào câu chuyện sự phi xung đột, phi cốt truyện và phi tính cách, với mong muốn càng tạo sự "bối rối," dè dặt, khán giả sẽ càng tìm thấy sự thú vị của dòng kịch phi lý. Chính vì thế, vở kịch của Chinh Ba là sự xâu chuỗi hội thoại được lặp lại với nhiều tần suất khác nhau. Đồng thời, trình tự thời gian sẽ tác động đến không gian được mở rộng tại một phim trường lâu nay chưa bao giờ là điểm diễn của kịch.

Lấy ý tưởng từ Truyện Kiều và vở kịch "Furtive Love" (tạm dịch: "Mối tình vụng trộm") của Brian E. Turner, nghệ sĩ Chinh Ba đã để cho các diễn viên quăng bắt những lời thoại nhằm khai thác mọi ngóc ngách sâu thẳm trong bản ngã của từng nhân vật, khai thác không gian mở nhằm xóa đi khoảng cách giữa khán giả với diễn viên. Chinh Ba đã kể một câu chuyện hòa trộn các yếu tố sân khấu để đánh thức thị giác người xem, tiếp cận câu chuyện theo góc nhìn của mình.

Mời khán giả tập với diễn viên

Nghệ sĩ Chinh Ba đã làm một việc cực kỳ thú vị, đó là mời khán giả tham gia tập với diễn viên của vở diễn. Trước khi tập khán giả đã có cuộc trò chuyện với các nghệ sĩ để hiểu hơn về quá trình xây dựng một vở kịch. Theo nghệ sĩ Chinh Ba việc thực hiện vở kịch phi lý này không chỉ làm mới cách tiếp cận công chúng mà còn kỳ vọng sẽ kích cầu thị phần mới cho sân khấu.

Theo chia sẻ của đạo diễn vở kịch phi lý này, khán giả được tham gia một cách thoải mái nhất, họ có thể chọn góc nhìn, tự do đi lại, di chuyển. Diễn viên tham gia vào dự án đều là những diễn viên không chuyên, đang làm việc thuộc các lĩnh vực như nhiếp ảnh, phim, xiếc, hài, nghiên cứu về giới… Chính sự không phụ thuộc vào không gian diễn xuất, sự tương tác giữa diễn viên với khán giả sẽ lôi kéo họ cùng tưởng tượng, hòa mình vào diễn biến vở kịch.

Nghệ sĩ Chinh Ba tự tin rằng việc đưa vở kịch phi lý vào diễn tại TP HCM như một "món lạ" bổ sung cho đời sống sân khấu kịch ở một thành phố năng động, hứa hẹn là một nguồn cảm hứng mới để có thể đến gần hơn với khán giả trẻ.

Theo các nhà chuyên môn do khác biệt với thói quen thưởng thức các vở kịch truyền thống, chắc chắn dòng kịch phi lý sẽ có nhiều tranh luận trái chiều. Bao giờ cũng vậy một xu hướng mới thường phải chịu nhiều thử thách.
Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)