Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tìm thị trường mới cho lúa gạo

Tạp Chí Giáo Dục

Sau gần 9 tháng năm 2015, xuất khẩu lúa gạo cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam vẫn đang dậm chân tại chỗ, kim ngạch xuất khẩu liên tục sụt giảm so với năm trước (tháng 8-2015 giảm 13,1%), trong khi sản xuất trong nước vẫn đang nỗ lực đảm bảo ổn định và tăng trưởng dù thời tiết, thiên tai khốc liệt. Trong các nhóm nông sản xuất khẩu “tỷ đô”, lúa gạo và thủy sản vốn được kỳ vọng nhiều nhất thì hiện lại ảm đạm nhất.

Từ đầu năm đến nay, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và các hiệp hội, ngành có liên quan đã tổ chức nhiều hội thảo để mổ xẻ nguyên nhân cũng như tìm kế sách phục hồi xuất khẩu nông sản và lúa gạo gặp nhiều khó khăn. Trong đó, có một sự thật mà nhiều chuyên gia nhìn nhận, đó là lúa gạo và thủy sản Việt Nam đang dần bị thay thế bởi nông sản của các quốc gia khác như Thái Lan, Ấn Độ và trong tương lai có thể sẽ là Malaysia, Campuchia, Myanmar…; còn thực tế nhu cầu của thị trường thế giới vẫn không thay đổi nhiều. Lúa gạo Việt Nam đang đánh mất nhiều thị trường truyền thống lớn. Thực tế trong thời gian qua, hoạt động xuất khẩu lúa gạo của chúng ta phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc (trong 7 tháng của năm 2015, thị trường Trung Quốc chiếm 37,6% tổng giá trị xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam), nhưng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc cũng chỉ là theo tiểu ngạch, không bền vững và ổn định.

Trong hội thảo tìm hướng đi mới cho ngành lúa gạo Việt Nam tổ chức ngày 22-9, các chuyên gia về nông nghiệp đã cùng ngồi lại và “hiến kế”: một mặt chúng ta cần phải khẩn trương xúc tiến xuất khẩu lúa gạo theo đường chính ngạch vào Trung Quốc nhưng cũng cần nhanh chóng có các hợp đồng xuất khẩu sang Indonesia, Philippines và Malaysia ngay trong năm 2015 – 2016. Nhưng về trung và dài hạn, nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Theo các chuyên gia, những thị trường mới như Bờ Biển Ngà, Ghana, Mỹ, Malaysia, UAE… là cánh cửa rộng để đẩy mạnh kim ngạch cho lúa gạo Việt Nam. Tuy nhiên, tìm kiếm và khai thác những thị trường mới cũng chưa đủ là giải pháp bền vững cho mục tiêu xuất khẩu lúa gạo của nước ta nếu như không hướng đến một thương hiệu và sản phẩm chất lượng cao để lột xác hoàn toàn ngành sản xuất lúa gạo xuất khẩu. 

Mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đề án xây dựng thương hiệu quốc gia cho lúa gạo Việt Nam và coi đây là một trong những đòn bẩy để nâng tính cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu. Điều này thể hiện quyết tâm và quan điểm rõ ràng của Chính phủ về vị trí của nông nghiệp và nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu, nhất quán với mục tiêu bảo vệ 3,8 triệu ha đất trồng lúa. Để đa dạng hóa thị trường, xây dựng thương hiệu quốc gia, sản xuất lúa gạo của Việt Nam cần phải thực hiện được hai giải pháp quan trọng: chuyển sang những giống lúa chất lượng cao (lúa thơm) và trồng tập trung theo dòng để gạo loại nào ra gạo loại nấy, bán với giá cao. Đây là điều kiện cốt lõi để đảm bảo khả năng cạnh tranh. 

Lâu nay, chúng ta tự hào vì lúa gạo xuất khẩu đứng nhất, nhì nhưng vẫn chỉ là loại gạo kém chất lượng, hỗn tạp nhiều loại giống nên bán giá thấp (giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn của Thái Lan từ 10 – 15 USD) và chỉ xâm nhập được những thị trường dễ tính. Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, cần phải có một sự đột phá về giống theo hướng đưa những giống chất lượng cao và không cần chạy theo năng suất để nâng cao tính cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đồng thời, phải chuyển mạnh sang tư duy nông nghiệp hàng hóa, bỏ hẳn thói quen sản xuất tự cung – tự cấp. Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, bây giờ là lúc phải triển khai sản xuất nông nghiệp theo quy mô hàng hóa, trồng cây gì – nuôi con gì cũng phải tính đến thị trường, bán ở đâu và cho ai. Nuôi – trồng tập trung và quy mô lớn theo nhu cầu của thị trường, gắn với sản xuất bền vững, không phải làm nông nghiệp bằng mọi giá, đảm bảo là “nông sản sạch” để đủ điều kiện xuất khẩu.

Theo Phúc Hậu/ SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)