Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Tìm về ký ức tuổi thơ của giáo sư Mỹ gốc Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo sư Chung Hoàng Chương

Về nước đến nay được 6 tháng, dài hơn so với những lần về nước trước đây, và lần này GS. Chung Hoàng Chương – người Mỹ gốc Việt – quyết định không xa quê hương lần nữa. Ông xem đây là cơ hội dành trọn thời gian về già để đi được nhiều vùng miền, tìm hiểu đa dạng hơn về văn hóa, môi trường, cuộc sống người dân quê hương. Một phần hy vọng có thể đóng góp ý kiến cho sự thay đổi, một phần để tìm cho mình ký ức tuổi thơ ông.

Sinh năm 1947, tại Cai Lậy, Tiền Giang nhưng ông lớn lên ở Sài Gòn. Năm 1968, gia đình cho ông sang Mỹ du học, làm việc. Hơn 40 năm sinh sống, công tác tại đây với vai trò giảng viên Khoa Á Mỹ học, Trường ĐH Tiểu ban San Francisco, không lúc nào ông thôi hướng về Tổ quốc.

Đau đáu về quê hương, xứ sở

Không phải đến khi về hưu ông Chương mới dành trọn tâm huyết tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa, môi trường, cuộc sống của người dân quê nhà mà trước đó, công việc chính ở nơi cách quê nhà nửa vòng trái đất khiến ông chỉ tranh thủ làm qua những chuyến về thăm người thân, chuyến công tác.

Năm 2008, trong chuyến thăm quê gần nửa năm, ông nghiên cứu về nguồn nước Mekong, đời sống, kinh tế con người quanh dòng sông này. Bởi ông lo ngại biến đổi khí hậu, tình trạng lạm dụng khai thác dòng nước có thể dẫn đến hạn hán, mặn xâm lấn như đã xảy ra tại Sri Lanka, Ấn Độ, Hà Lan… Tại tọa đàm khoa học “Hạn mặn ở ĐBSCL: Thực trạng và giải pháp” do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu Biển đảo tổ chức tại TP.HCM gần đây, ông đã phân tích sâu thực trạng và đề xuất các giải pháp.

Ông cho rằng, dưới tác động của hiện tượng El Nino mạnh khiến các sông ngòi tại khu vực ĐBSCL đã mất đi 4,7 tỷ m3 nước để đẩy mặn. Đáng lo ngại hơn khi con người lạm dụng khai thác tiềm năng thủy điện trên dòng Mekong khu vực thượng nguồn, dẫn đến mất cân đối dòng nước, khiến mặn xâm lấn. Chỉ tính riêng khu vực Lào, Campuchia cũng có đến trên dưới 10 con đập đã và đang được xây dựng, sẽ phá hủy hệ thống sinh thái, đẩy hạn mặn ở ĐBSCL lên mức ngày càng trầm trọng. “Vì thế chống ngập mặn ở ĐBSCL đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Việt Nam cần chủ động, không thể trông chờ hoàn toàn vào việc xả nước rửa mặn của các nước thuộc khu vực thượng nguồn. Thông qua bảo tồn nguồn nước, cần nuôi tôm, trồng lúa chịu mặn; trồng lại các cây bần, đước, mắm để chống nhiễm mặn. Đồng thời thành lập một trung tâm lưu trữ dữ liệu biến đổi khí hậu và hạn mặn tư vấn cho nông dân. Mặt khác, tận dụng công nghệ để giáo dục, truyền thông đến từng người dân”, giáo sư Chương đề xuất.

Buôn bán ven sông ở tỉnh Tiền Giang – nơi giáo sư Chương đã rời xa cách đây 40 năm (ảnh do nhân vật cung cấp)

Còn nhớ dịp về thăm quê năm 1991, vấn đề giáo sư Chương quan tâm, tìm hiểu lúc bấy giờ là nền giáo dục. Qua sự nhìn nhận, đánh giá so sánh giáo dục giữa đất nước ông sinh sống, cùng các nước khu vực châu Á như Singapore, Hàn Quốc với lối dạy thầy đọc trò chép tại Việt Nam, ông nhận ra HS chúng ta sẽ mất đi cơ hội chủ động sáng tạo. Mặt khác, chương trình chưa phù hợp, HS học nhiều, tư duy độc lập thấp. Qua đây ông đã góp ý, cần có sự thay đổi về phương pháp, giáo trình và thay đổi cả cách nhìn của người dạy. Người dạy phải được trang bị kỹ năng soạn giáo án, giáo trình; kỹ năng áp dụng để thẩm định được mức độ tiếp thu của người học, từ đó có những điều chỉnh phương pháp phù hợp hơn… Đến bây giờ, tất cả những vấn đề này, ngành giáo dục đào tạo chúng ta vẫn đang từng ngày điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với xu thế phát triển thời đại.

Đối với ông, tìm hiểu, nghiên cứu các vấn đề tại quê hương thôi chưa đủ. Ngay trên đất nước Mỹ, làm bất cứ việc gì ông đều gắn với lợi ích, giá trị hướng về cộng đồng người Việt. Khoảng thời điểm ông bắt đầu ổn định công việc, quen với môi trường sống, việc đầu tiên ông xác định làm là giúp đỡ những di dân mới về ngôn ngữ, cách làm thủ tục pháp lý để họ tránh bỡ ngỡ, nhanh chóng hòa nhập. Thời gian sau, ông tham gia thành lập Trung tâm Nghiên cứu người Mỹ gốc Việt và đứng ra điều phối một chương trình trao đổi giữa Trường CĐ thành phố San Francisco với các tổ chức giáo dục cao cấp ở khu vực Đông Nam Á, trong đó trọng tâm là Việt Nam.

Đi tìm ký ức tuổi thơ

Hiện tại ông Chương đã bước vào tuổi 70, sinh sống một mình trong căn hộ chung cư phía quận 7. Ở độ tuổi này, lẽ ra ông nên ở lại Mỹ an hưởng tuổi già bên con cháu. Ngược lại, ông quyết định về hẳn quê hương, nếu có quay lại Mỹ chỉ khi có công việc nhất định. “Dù có đi bất cứ nơi đâu, cuộc sống có sung túc nhường nào thì nơi chôn nhau cắt rốn vẫn là chốn thiêng liêng. Ở đó có cội nguồn, có sự ấm áp của người thân ruột rà máu mủ, làng xóm nghĩa tình”, giáo sư Chương thổ lộ.

Có lẽ vì thế, hơn 40 năm sinh sống ở nước ngoài nhưng ông vẫn giữ được các nét đẹp tập tục truyền thống. Ông thường xuyên động viên con cái về thăm người thân, quê hương, tìm hiểu văn hóa vùng miền, di tích lịch sử. Bản thân ông, từ lối ăn mặc giản dị cho đến cách nói chuyện nho nhã, ôn hòa. Những vật dụng sinh hoạt trong nhà hết sức đơn giản, gọn gàng, ngăn nắp. Điều khiến chúng tôi hết sức bất ngờ khi trang thiết bị theo ông trên những chuyến đường nghiên cứu chỉ là mũ tai bèo, một cặp xách nhỏ đeo chéo người trong đó có máy ảnh kỹ thuật số, sổ tay, bút viết để ghi nhận thông tin. Căn phòng khách của ông không lớn nhưng chứa hàng ngàn cuốn sách kinh tế, văn hóa, xã hội, địa lý Việt Nam… và cả những cuốn sách mà ông viết như: Asian – American Education, The Amerasians From Vietnam: A California Study…

Chuyến “xe đò” trên sông này đã đưa giáo sư Chương xuôi ngược trong những ngày nghiên cứu về nguồn nước bị xâm mặn ở tỉnh Cà Mau (ảnh do nhân vật cung cấp)

Ông nói, tính chất giảng dạy thiên về xã hội cho ông lợi thế trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu các lĩnh vực văn hóa, môi trường, xã hội ở quê nhà. Nhưng đối với tất cả lĩnh vực công việc, kiến thức chuyên môn thôi chưa đủ mà phải đọc nhiều sách để có cái nhìn tổng thể. “Hành trang này, cộng với những chuyến đi thực tế sắp tới đây tại các tỉnh ĐBSCL sẽ được tôi tổng hợp để viết cuốn sách về sông Mekong; Sự chuyển đổi kinh tế của Việt Nam trong 40 năm qua mà tôi ấp ủ”, giáo sư Chương bộc bạch. Những chuyến đi thực tế sắp tới, đối với ông đó cũng là cơ hội tìm cho mình ký ức tuổi thơ.

“Hình ảnh cuộc sống người dân Cai Lậy, Kiên Giang, Cà Mau… mà tôi từng tìm gặp trước đây hết sức thân thiện, nhiệt tình. Những ly nước, bữa cơm đạm bạc được bà con mời ăn cứ tái hiện trong tôi mãi. Đấy chính là cuộc sống vùng quê, nơi ông bà, người thân tôi từng sinh sống nhưng thời thơ ấu tôi không may mắn có được. Việc dành trọn thời gian về già để đi, để biết nhiều thêm những gì trước đây mình không biết là điều tôi muốn”, ông cho biết.

Dù đã nghỉ hưu, có thời gian rảnh, song ông lúc nào cũng tất bật với công việc. Mới tháng trước ông tham gia thiện nguyện, dịch tài liệu cho đội ngũ y bác sĩ nước ngoài mổ thoái hóa xương miễn phí cho 50 bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện 108. Còn hiện tại, ông đang chuẩn bị thông tin về vấn đề biển Đông để tham dự một hội thảo diễn ra sắp tới tại Hà Nội, sau đó sẽ là quá trình về ĐBSCL.

Nguyễn Trinh 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)