Y tế - Văn hóaThư giãn

Tìm về nghệ thuật truyền thống Nam bộ

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ sách Lục tỉnh cầm ca (NXB Văn hóa – Văn nghệ) cũng là tên của một nhóm bạn trẻ, đã tái hiện nguồn tư liệu về các loại hình diễn xướng của Nam bộ, xứng đáng trở thành câu trả lời cho câu hỏi: Giới trẻ ngày nay có còn quan tâm đến nghệ thuật truyền thống hay không?

Các nghệ nhân biểu diễn trong chương trình ra mắt bộ sách Lục tỉnh cầm ca. Ảnh: My Đặng

Sau rất nhiều nỗ lực, bộ sách Lục tỉnh cầm ca đã được giới thiệu trọn bộ đến độc giả vào một ngày cuối tháng 10-2020 tại Đường sách TPHCM. Ngoài Đường vào hát bội (xuất bản vào cuối năm 2019) thì 3 cuốn còn lại, gồm: Đường vào diễn xướng dân gian Nam bộ, Đường vào đờn ca tài tử và Đường vào cải lương mới được ra mắt. Để hoàn thành bộ sách này, nhóm tác giả mất 3 năm vì công đoạn xử lý nguồn tư liệu, ghi âm khá nhiều và phức tạp. Cũng may, nhóm nhận được sự cố vấn và hỗ trợ của các nhà nghiên cứu như: Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Đức Hiệp, Nguyễn Lê Tuyên, Vương Hoài Lâm…; đặc biệt là sự hỗ trợ về kinh phí từ Quỹ Phim, Nhạc và Lưu trữ của Hội đồng Anh.

Theo anh Phan Khắc Huy, Trưởng nhóm Lục tỉnh cầm ca, một số loại hình khác của nghệ thuật truyền thống như hát bội, đờn ca tài tử, các hoại hình diễn xướng dân gian: múa bóng rỗi, hát sắc bùa… ít được biết đến, thậm chí có nhiều bạn trẻ còn không biết sự tồn tại của các loại hình này. “Dựa trên mặt bằng chung của độc giả mà nhóm quan sát được, chúng tôi thực hiện bộ sách Lục tỉnh cầm ca, giống như một giáo trình dẫn nhập, mang đến những thông tin và kiến thức cơ bản dành cho những độc giả bắt đầu tìm hiểu các loại hình này”, Phan Khắc Huy chia sẻ.

Bộ sách Lục tỉnh cầm ca còn “ghi điểm” bởi hướng tiếp cận gần gũi, cách trình bày hiện đại, phù hợp với thị hiếu giới trẻ. Đặc biệt, ngoài những khái niệm, chỉ dẫn cơ bản về lịch sử hình thành, đặc điểm nghệ thuật của từng loại hình, sách còn tích hợp công cụ QR code để độc giả có thể vừa đọc vừa xem những video biểu diễn của các nghệ nhân. Đây cũng là một nỗ lực khác của nhóm nhằm bắt kịp xu hướng tất yếu hiện nay, khi mà công nghệ ngày càng phổ biến.

Ngoài anh Phan Khắc Huy (33 tuổi), Lục tỉnh cầm ca còn có 3 thành viên khác là Đặng Thị Ngọc Tú (33 tuổi), Nguyễn Tấn Khiêm (29 tuổi) và Lục Phạm Quỳnh Nhi (23 tuổi). Họ là những người trẻ, vì vậy kiến thức về các loại hình nghệ thuật truyền thống là cả một vấn đề lớn. Anh Phan Khắc Huy thừa nhận: “Chúng tôi chỉ sợ không đủ kiến thức để làm, vì những loại hình nghệ thuật này có tuổi đời lớn, đã bị xói mòn hoặc bị sai lệch ít nhiều. Mặc dù vẫn có những công trình nghiên cứu, nhưng không phải đọc là hiểu hết được; chưa kể mỗi nhà nghiên cứu lại có cách tiếp cận, nghiên cứu riêng biệt. Điều mà chúng tôi sợ nhất là làm không đúng, khiến người ta hiểu sai, càng nguy hiểm hơn. Chính vì vậy, chúng tôi chọn góc tiếp cận trung dung, để khán giả dễ tiếp nhận nhất”.

Lục tỉnh cầm ca được tách ra từ dự án Đối thoại văn hóa cộng đồng (CCD), ra đời từ năm 2017, là nơi đối thoại giữa công chúng và các nhà nghiên cứu. Khi thực hiện chuỗi chương trình Diễn xướng Nam bộ thì có thêm một đối tượng nữa là các nghệ nhân, từ đó hình thành nên 3 đối tượng: nhà nghiên cứu – nghệ nhân và công chúng. Sau một thời gian hoạt động, vì có quá nhiều nội dung nên phải tách ra thành Lục tỉnh cầm ca. Trên thực tế, CCD và Lục tỉnh cầm ca đều là dự án con của Cội Việt được ra đời hơn 10 năm trước, là nơi cung cấp cho các bạn trẻ phương pháp tiếp cận lịch sử, văn hóa và các tài liệu có liên quan.

Mục tiêu lâu dài của chúng tôi là tạo dựng một thế hệ khán giả mới. Một khi các bạn đã biết, có kiến thức về nghệ thuật truyền thống thì các bạn sẽ thưởng thức nhiều hơn. Điều quan trọng là tạo ra một cộng đồng khán giả mới để họ có thể tiếp tục nuôi dưỡng và duy trì loại hình này trong tương lai
Trưởng nhóm Lục tỉnh cầm ca Phan Khắc Huy

Điều khiến anh Phan Khắc Huy và các thành viên trong nhóm trăn trở nhất chính là trong hơn chục loại hình diễn xướng Nam bộ, nhóm chỉ thực hiện được với một số lượng hạn chế do không tìm được nghệ nhân. Huy kể: “Chuyến điền dã ở Bến Tre, chúng tôi tìm gặp một nghệ nhân, lúc đó đang bị ung thư giai đoạn cuối. Chúng tôi tranh thủ về thăm ông, đồng thời nhờ hát những bài mà ông đã sưu tầm được để ghi hình. Đó là lần cuối cùng chúng tôi được gặp ông, vì gần một năm sau thì ông mất”. Chính câu chuyện trên đặt ra một thực tế: Các loại hình nghệ thuật dân gian đang đứng trước nguy cơ thất truyền; khi mà các nghệ nhân đã lớn tuổi hoặc đã mất, còn thế hệ kế cận thì thiếu vắng. “Việc của chúng tôi là cố gắng và nỗ lực kể lại những gì mà mình biết, rồi tùy theo sức sống của chính loại hình nghệ thuật đó. Bởi vì, bất kỳ một loại hình nghệ thuật nào, muốn sống được còn phải tùy thuộc vào không gian mà nó sinh ra. Khi không gian đó mất đi thì khả năng tồn tại rất khó”, anh Phan Khắc Huy nói.

Theo Quỳnh Yên/SGGPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)