Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tín dụng cho học sinh, sinh viên: Chưa thể tăng mức cho vay

Tạp Chí Giáo Dục

Trường ĐH Nông lâm TP.HCM hướng dẫn cho phụ huynh và sinh viên vay vốn học tập. Ảnh: T.L

Nguồn vốn tín dụng cho học sinh, sinh viên (HSSV) vay ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước còn có nguồn vốn huy động ngoài thị trường và vốn trả nợ của những SV ra trường đã đến hạn. Năm học này, tuy lúc đầu có khó khăn nhưng hiện giờ đã hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của người học. Và phương châm của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính đó là không để HSSV nghỉ học vì thiếu tiền.
Giãn thời gian nộp học phí cho HSSV
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho biết để cân đối cho chương trình HSSV vay vốn này, theo tính toán ban đầu cho chu kỳ tối đa 5 năm, cần nguồn vốn quay vòng từ  45.000-50.000 tỷ đồng. Về cơ cấu, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng nguồn vốn cho cả chu kỳ quay vòng. Bộ Tài chính đã xây dựng cơ cấu để đảm bảo ổn định, Nhà nước bố trí khoảng 1/3, NHCSXH huy động 2/3 từ thị trường để đảm bảo nguồn vốn cho HSSV. Trong thời gian qua, do khó khăn nhất định từ thị trường tài chính, có lúc NHCSXH cũng chưa huy động kịp thời nguồn vốn từ thị trường, nhưng Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các bộ, ngành cũng như Chính phủ đã chỉ đạo rõ không để khó khăn ảnh hưởng tới nguồn vốn NHCSXH cho HSSV. Bộ Tài chính, NHNN tạo  nguồn vốn tạm thời để đảm bảo nguồn vốn cho NHCSXH cho vay từng kỳ. Giai đoạn trước là khoảng 3.500-4.000 tỷ đồng, giai đoạn này từ khoảng 2.500-3.000 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng sau khi báo cáo UBTVQH đã ký quyết định dành 2.500 tỷ đồng từ nguồn vốn giảm nghèo của WB để NHCSXH giải ngân cho HSSV. Cộng với nguồn thu nợ rất tốt từ chương trình cho vay trong các kỳ vừa qua, nếu nhu cầu cho vay từ khoảng 2.500-3.000 tỷ đồng trong học kỳ này thì đã đủ nguồn.
Hiện nay, Thanh Hóa là địa phương có số dư nợ cao nhất cả nước. Tính tổng cộng trong 5 năm qua dư nợ đạt trên 2.700 tỷ đồng, riêng trong năm học 2012-2013 tỉnh đã giải ngân trên 400 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tiến Trứ, Phó giám đốc NHCS Thanh Hóa khẳng định 100% HSSV nghèo ở Thanh Hóa được tiếp cận vay vốn. Về thông tin năm 2012 có một số HSSV phải nghỉ học do không vay được vốn thì NHCS đã xác minh và các SV này nghỉ học là do các lý do khác chứ không phải là do thiếu tiền, không được vay vốn để đóng học phí.
Tuy nhiên, vào đầu năm học mới, các HSSV thường chậm nhận được tiền vay. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cho biết đã chỉ đạo các trường có chính sách giãn thu cho các em. Các em thuộc diện cho vay theo quyết định 157 sẽ được đóng tiền sau. Bộ đã đề nghị các trường cùng chia sẻ khó khăn với Nhà nước, không bắt các em phải nộp ngay. Các em thuộc diện gia đình nghèo, chưa có điều kiện đóng thì cho  đóng sau. Các em bị trường thúc ép thì hãy phản ánh với Bộ GD-ĐT.
Bao nhiêu thì đủ?
Nhiều ý kiến cho rằng mức vay 1.000.000đ/tháng/HSSV không còn phù hợp với nhu cầu thực tế. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý khẳng định: Nếu HSSV được vay nhiều thì càng phấn khởi. Nhưng chúng ta phải tính chung, cân đối nguồn vốn vay. Nếu đưa ra cao quá thì không khả thi. 5 năm nay chúng ta thực hiện vay vốn theo quyết định 157, đã 4 lần Chính phủ điều chỉnh mức cho vay. Ông Quý cũng phân tích như bên NHCSXH Thanh Hóa đề nghị, tăng lên 1,5 triệu đồng. Tất nhiên đối với các em HS ở Hà Nội, TP.HCM thì vẫn là vất vả, vẫn mới chỉ đáp ứng được 1/2 nhu cầu chi tiêu. Nhưng hiện nay, số HSSV vay vẫn giữ  nguyên thì mỗi năm đã phải tìm nguồn khoảng 5.000 tỷ đồng. Mà chúng ta biết để có 2.500 tỷ đồng cho HSSV vay trong học kỳ I của năm học này, NHCSXH đã phải đi tìm mãi. Còn học kỳ 2 chưa biết nguồn ở đâu. Sự ưu đãi của Nhà nước như hiện nay là chính sách rất mới. Vừa qua, để giải quyết khó khăn cho các em, Thủ tướng đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố nhất là Hà Nội, TP.HCM yêu cầu vận động các hộ gia đình cho các em trọ không tăng tiền nhà trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta cũng cần tăng cường tuyên truyền để có sự chia sẻ của nhân dân, nhất là người dân đang có nhà trọ cho các em ở, không tăng giá nhà, còn điện nước thì có chính sách chung rồi. Như vậy sẽ giảm bớt khó khăn cho các em.
Ông Nguyễn Ngọc Anh cũng cho biết thêm kể cả với mức 1,5 triệu đồng đối với 1 SV học ở Hà Nội hay TP.HCM thì cũng vẫn là mức thấp. Nhưng rõ ràng, nếu tính toán lên tới 1 triệu đồng thì con số đã là 45.000-50.000 tỷ đồng cho cả chương trình. Nếu lên tới 1,5 triệu đồng, con số sẽ tăng vọt lên nhưng không đến mức gấp rưỡi, cùng với việc thu nợ rất tốt, nhưng cũng không thể lên tầm 55.000 tỷ đồng được, đây là con số rất lớn, Bộ Tài chính cũng như NHCSXH chưa thể cân đối nguồn vốn để đảm bảo cho nhu cầu này. Mục tiêu của chương trình này là đảm bảo nguồn vốn an toàn và lâu dài.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)