Tuy dư nợ hàng năm của các ngân hàng tại khu vực nông nghiệp luôn từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng… nhưng về bản chất, thị trường vốn “rót” cho khu vực “Tam Nông” vẫn còn rất nhiều bất cập và vướng víu.
Tại ĐBSCL – nơi được xem là “vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản” lớn nhất cả nước, nhiều nông dân khát vốn trong việc đầu tư, cải tạo và phát triển hệ thống canh tác, vẫn không ngừng than: vay vốn ngân hàng khó vay hơn vay nóng (tín dụng đen)!
Mặc dù là vựa lúa của các nước nhưng người nông dân ĐBSCL vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng – Ảnh Lê Hoàng Vũ
1 công vườn vay được 10 triệu đồng?!
Ông Trần Văn Hùng – nông dân trồng hơn 1ha bưởi năm roi đặc sản ở xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành (Hậu Giang) cho biết: đầu năm 2010, do nhu cầu cải tạo vườn và chuyển đổi sang hệ thống tưới tự động… ông đã liên hệ một ngân hàng lớn có trụ sở tại huyện để vay vốn. Tại đây, ông Hùng cũng được tiếp nhận hồ sơ vay và tư vấn rất chu đáo (có thể coi là vậy). Tuy nhiên, 1 ngày sau khi cán bộ tín dụng này vào tham quan, nhìn ngó và thẩm định… hơn 1ha vườn cây đặc sản cùng với miếng đất thổ cư hơn 100 mét vuông và căn nhà trị giá hơn 150 triệu đồng của ông chỉ được phát vay… 100 triệu đồng.
Ông Hùng nhớ lại: “Tôi tức cái kiểu thẩm định mấy ông ngân hàng quá trời! Trong khi chỉ riêng việc thu hoạch mỗi năm 1 vụ, 1ha bưởi của tui đã mang về hơn 200 triệu đồng. Giá trị miếng đất cũng tròm trèm 500 triệu đồng… Vậy mà cho vay chỉ 100 triệu, không đủ mua phân bón thuốc trừ sâu chứ nói gì đến việc xoay sở đầu tư, nâng cấp hệ thống vườn trị giá tới vài trăm triệu?”. Ông Hùng cũng không ngần ngại tiết lộ, sau đó 2 tuần, ông đã vay được hơn 300 triệu đồng từ một “đại gia” ở thị trấn Ngã Sáu cũng từ việc cầm cố những giấy tờ nhà đất nói trên (!).
Trường hợp của ông Trần Văn Bì ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn (An Giang) còn dở khóc dở cười hơn. Gia đình ông ký hợp đồng thuê khoán vô thời hạn với Nông trường 422 (Quân khu 9) trên diện tích hơn 200 công đất chuyên canh lúa 2 vụ/năm (hơn 20ha). Trung bình mỗi vụ, gia đình ông làm ra từ 120 – 140 tấn lúa, trị giá từ 600 – 700 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Bì khẳng định, năm lần bảy lượt liên lạc với các ngân hàng thương mại để vay vốn nâng cấp hệ thống canh tác (áp dụng tia laser san phẳng mặt ruộng, xây dựng hệ thống thủy lợi khép kín, mua máy gặt đập liên hợp…), lần nào ông cũng chỉ được thẩm định và chấp thuận cho vay không quá 100 triệu đồng (!). Lý do là vì hợp đồng thuê khoán đất của ông với Nông trường thực chất gần như “vô giá trị” đối với các ngân hàng!
Ông Bì tâm sự: “Đang kẹt vốn đầu tư mình mới tìm đến ngân hàng. Mà từ mấy trăm công đất có thể đẻ ra tiền tỷ như vậy chỉ cho vay vài chục triệu, khác gì như muối bỏ bể? Cứ như chọc tức nông dân tụi tui vậy! Vay nóng bên ngoài tuy lãi cắt cổ, mà đôi khi còn dễ chịu hơn!”. Ở Tri Tôn còn có nhiều trường hợp tương tự ông Bì, ví như ông Hoàng, ông Tèo ở Ba Chúc… là những người gắn bó với ruộng đồng ven biển từ lâu trước khi có kênh rửa phèn T5.
Đó chỉ là vài trường hợp điển hình trong rất rất nhiều câu chuyện chúng tôi ghi nhận được trong quá trình thực hiện loạt bài về tín dụng nông thôn này.
80% nông dân lao đao vì thế chấp…
Một thực tế là các ngân hàng dường như lúc nào cũng “chăm chăm nắm đằng cán” trong các hợp đồng tín dụng. Vì vậy, hầu hết các ngân hàng trong nhóm được khảo sát đều khẳng định: hình thức vay thế chấp đang chiếm hầu hết dư nợ của các ngân hàng. Điều này tạo ra một thực trạng rất đáng báo động: hầu hết nông dân có “dính dáng làm ăn” với ngân hàng đều bị… “giam” sổ đỏ – sổ hồng (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở – PV).
Ông Nguyễn Văn Kiềm – một nông dân ở xã Tân Lộc, quận Thốt Nốt (TP.Cần Thơ), tâm sự: “Tụi tui cứ mỗi lần đi vay là phải thế chấp. Mà ngoài giấy tờ nhà đất thì nông dân biết thế chấp cái gì? Cho nên, cả xóm tui dường như ai cũng bị giam sổ đỏ trong ngân hàng…”. Ông Kiềm còn cho biết, có khí đến cuối vụ, nông dân “trúng mùa được giá”, tiền vay được hoàn trả đúng hạn thì sổ đỏ được lấy ra vài tuần hoặc hơn 1 tháng là cùng. Rồi sau đó, nó lại được đưa vào ngân hàng thế chấp để xoay sở vốn đầu tư tái sản xuất vụ mới.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, nhận định: Hơn 30 năm gắn bó với nông nghiệp nông thôn, từng sát cánh cùng nông dân xây dựng những mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ ha… Nhưng ông chưa từng thấy nông dân nào vay được năm bảy trăm triệu đồng/ năm để đầu tư, làm ăn lớn. Trong khi đó, theo tiến sĩ Bảnh, chỉ cần thành lập 1 cty xây dựng hay kinh doanh địa ốc… với vốn điều lệ “tự khai và tự chịu trách nhiệm” năm ba tỷ đồng, giám đốc doanh nghiệp ấy sẽ được vay tới hàng tỷ đồng để đầu tư kinh doanh (?). Tiến sĩ Bảnh khẳng định: “Đây chính là một trong những hạn chế, bất cập trong việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn mà đa số các địa phương đều vướng phải. Nguồn vốn từ trung ương đổ về nông thôn thì ngày càng nhiều lên, nhưng chúng được cung ứng đến tay nông dân một cách không đủ liều, và vì vậy nông dân cũng không đủ lực để làm ăn lớn!”. |
Nhiều nông dân ở Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… còn đưa giấy tờ, hợp đồng tín dụng với các ngân hàng và khẳng định với chúng tôi: Nhiều năm rồi, chưa bao giờ họ “thấy mặt” cái sổ đỏ của họ ra làm sao. Đơn giản vì nó cứ nằm suốt trong ngân hàng với các khoản vay thế chấp hết hạn rồi lại đáo hạn…
Ông Lê Văn Út – nông dân ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ (Hậu Giang), nói: “Có khi đến đợt nhà nước chủ trương đổi sổ cũ, làm sổ mới, chúng tôi cũng rất khó khăn để làm thủ tục mượn sổ cũ đang thế chấp trong ngân hàng ra. Chưa nói đến việc có mấy ông bạn muốn sang bán và cho tặng một phần đất… cũng hết sức khó khăn”.
Nói về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Tiếp – Phó đoàn chuyên trách, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ (nguyên Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ), cho biết: “Chưa có ai thống kê, nhưng tôi đã đi nhiều nơi và hỏi thăm nhiều nông dân… Theo phỏng đoán của tôi hiện không dưới 80% nông dân đang cầm cố sổ đỏ trong các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác… Nếu có sự cố nào đó trong hợp đồng vay vốn, họ sẽ trắng tay. Điều này không thể coi là chuyện bình thường được!”.
Nhiều cán bộ tín dụng của các ngân hàng (cả khối ngân hàng nhà nước và thương mại cổ phần) đều khẳng định và lý giải, các ngân hàng thường chọn hình thức phát vay thế chấp thay vì tín chấp là vì “sợ rủi ro”. Việc này lại không có quy định nào cấm hay hạn chế, nên hầu như bất cứ tiếp cận các khoản vay lớn nhỏ thế nào, thế chấp tài sản là con đường ngắn nhất, dễ dàng nhất để nông dân tiếp cận nguồn vốn.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng, nói: “Cũng có một số trường hợp nông hộ hoặc các hợp tác xã tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng từ chính đề án sản xuất kinh doanh của mình. Tuy nhiên, số đó là không nhiều vì có thể hầu hết nông dân Việt làm ăn rất giỏi, nhưng không phải bất cứ nông dân nào cũng có đủ “năng lực” để viết lại chuyện làm ăn của mình thành đề án khả thi để thuyết phục các ngân hàng phát vay…”.
Nguồn DĐDN
Tin liên quan
Chiều 7-1, Sở Công thương TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết ngành công thương năm 2024, triển khai chương trình công...
Sáng 7-1, UBND phường 14 quận 5 đã tổ chức Lễ ra mắt “Phố vải - Soái Kình Lâm”. Ông Lê Đăng...
Tai nạn lao động không chỉ để lại vết thương trên cơ thể mà còn khắc sâu nỗi mặc cảm trong tâm...
Ngày 18-12-2024 tại Hội trường Nhà hát Quân đội đã diễn ra lễ trao giải thưởng doanh nghiệp đạt chất lượng quốc...
Bình luận (0)