Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tín dụng đen nổ rộ: Giả danh, núp bóng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhiều “cò” tín dụng giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính… lừa đảo khiến khách hàng “dở khóc dở mếu”.

Mặc dù các ngân hàng (NH) đang hạn chế cho vay, đặc biệt là vay tiêu dùng, bất động sản nhưng hàng loạt lời chào mời kiểu: Chi nhánh NH A, NH B… có nguồn vốn cần cho vay… xuất hiện hàng loạt trên mạng cũng như mục quảng cáo rao vặt của nhiều tờ báo.
“Cò” thật, “cò” giả
Trên một trang web chuyên cung cấp thông tin mua bán, chúng tôi đọc được lời chào: “NH T. chúng tôi đang có nguồn tiền cho vay, áp dụng cho khách hàng vay ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn (mua nhà, mua xe, kinh doanh hay tiêu dùng), thủ tục 7 ngày là có tiền, lãi suất ưu đãi cho tất cả khách hàng”.
Theo số điện thoại ghi trên thông báo này, chúng tôi liên lạc với một người tên L.K.V thì được anh này cho biết lãi suất vay mua nhà đất hiện tại là 21% chưa kể phí.
Chúng tôi hỏi thêm mức chi phí cụ thể thì anh này e dè: “Cái đó, để gặp chị rồi mới tính được”. Nhưng khi tôi đặt vấn đề cần biết để so sánh bởi một vài nơi khác cho biết phí dịch vụ lên tới từ 6%-7% trên tổng số tiền vay thì anh này nhanh miệng: “Em bảo đảm phí chỗ em cũng sẽ không cao hơn mức đó”. Anh ta “mồi” thêm: “Làm hồ sơ vay bây giờ không dễ ăn đâu chị ơi, chị cứ quyết định, nếu vay, em dẫn đến trụ sở của em ở đường Nguyễn Thị Minh Khai để làm thủ tục vay luôn”…

Minh họa: NGUYỄN TÀI
Cán bộ tín dụng của một NH thương mại cổ phần khá lớn tại TPHCM thừa nhận ngoài loại “cò” giả mạo cán bộ tín dụng NH để dễ “dụ” khách hàng vay tiền từ “chủ tiền” bên ngoài, các cán bộ tín dụng trong NH có thể cũng là “cò” để kiếm thêm thu nhập. Theo vị này, một cán bộ tín dụng có tâm khi gặp khách hàng sẽ phân tích cho họ các yếu tố lợi và hại của việc vay vốn và nguồn trả nợ để khách hàng cân nhắc nên vay nhiều hay ít, khả năng trả nợ là bao lâu…
Thế nhưng “cò” lại chỉ quan tâm có người vay, kết nối được “con nợ” với “chủ tiền” và mức phí “cò” nhận được là bao nhiêu. Nếu khách hàng không trả được nợ, phải bán nhà, bán đất hoặc “chủ tiền” gặp rắc rối khi đòi nợ thì cũng không liên quan đến “cò”. Trường hợp cán bộ tín dụng kiêm luôn vai trò “cò” tín dụng, khi gặp các hồ sơ vay vốn NH không hợp lệ, họ sẽ móc nối, thỏa thuận với khách hàng đẩy hồ sơ ra cho “chủ tiền” bên ngoài để lấy hoa hồng nếu khách đồng ý vay.
Giả nhân viên tín dụng để lừa
Không chỉ chịu lãi suất cao, phí dịch vụ trên trời mà nhiều người dù đã chấp nhận các điều khoản trên vẫn còn bị… lừa bởi các chiêu thức của “cò”. Anh N.Q.K, ngụ Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh – TPHCM, kể: Sau khi đọc tờ rơi về vay nóng, vay tín chấp (không cần thế chấp) có số điện thoại của một nữ “nhân viên tín dụng” tên Thủy, anh liền liên hệ.
Người này tự xưng là nhân viên một NH lớn và là chuyên viên tín dụng của công ty tài chính. Khi biết anh cần vay gấp 30 triệu đồng nhưng không chứng minh được mức thu nhập, Thủy khẳng định anh sẽ vay được theo lãi suất NH, khoảng 21%/năm nhưng phải chịu phí dịch vụ là 5 triệu đồng.

Cấm thu phí cho vay
Nhiều lãnh đạo NH cho biết không quá khó để nhận ra đâu là hồ sơ vay của “cò” hay của khách vay trực tiếp. Vấn đề là cán bộ tín dụng của các NH có nghiêm túc loại các hồ sơ của “cò” hay không.

Mới đây, NH Nhà nước đã ra Thông tư số 05/2011TT-NHNN về việc thu phí cho vay của các NH. Theo thông tư này, các NH không được thu các loại phí liên quan đến khoản cho vay đối với khách hàng, trừ các khoản phí phải trả trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn; phí trả cho hạn mức tín dụng dự phòng theo quy định của NH Nhà nước; phí thu xếp để thực hiện ký kết hợp đồng đồng tài trợ theo phương thức cho vay hợp vốn và các loại phí đã được quy định cụ thể liên quan đến cho vay.

“Nhân viên” này còn khoe: “Dù là người chạy xe ôm, bán cà phê dạo hay bất kỳ công việc gì khác, muốn vay tín chấp đều có thể được đáp ứng miễn thỏa thuận được phí dịch vụ…”. Anh K. bộc bạch: “Nhìn dáng vẻ tiểu thư, ăn mặc gọn gàng, gương mặt sáng sủa mà lại là nữ nên tôi không nghĩ cô ta có thể lừa tiền. Vậy là tôi đồng ý ứng trước 2 triệu đồng phí dịch vụ để cô ta lo việc (phần còn lại nhận sau). Nhưng ngày hôm sau, điện thoại tới thì máy ò í e và cô nàng lộ mặt kẻ lừa đảo chạy mất”.

Cầm tờ rơi có số điện thoại của cô nhân viên tên Thủy mà anh K. đưa cho, người viết gọi đến số 0924.008… nhưng không liên lạc được.
Cho vay nặng lãi đang là “vùng trũng”
Trao đổi về vấn nạn “cò” tín dụng, TS Lê Vũ Nam, Trưởng Khoa Luật Trường Đại học Kinh tế – Luật – ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng: Sở dĩ có sự tồn tại của hiện tượng “cò” tín dụng là xuất phát từ lợi ích của các chủ thể tham gia quan hệ này.
Về phía NH, có thể đây là một hình thức lách quy định khống chế về lãi suất; về phía người làm “cò”, đây là cơ hội có được nguồn thu, trong khi khách hàng có thể tiếp cận vốn vay nhanh hơn cách “chính thống”. Chính vì có sự “nương nhau” như vậy mà vi phạm này rất khó phát hiện. Do đó, để xử lý kiên quyết, các cơ quan quản lý cần phải đa dạng hóa các hoạt động kiểm tra, giám sát, kể cả trường hợp đóng vai khách hàng để tiếp cận “dịch vụ” này.
Cũng theo TS Lê Vũ Nam, khi các NH siết chặt tín dụng theo chủ trương của Chính phủ và NH Nhà nước như hiện nay, việc tiếp cận các nguồn vốn vay từ NH trở nên khó khăn thì tín dụng đen, những dịch vụ cầm đồ dễ tạo ra một “vùng trũng”. Tuy nhiên, không vì vậy mà tạo điều kiện để các dịch vụ này thao túng, cần phải kiên quyết xử lý theo pháp luật.
Theo Người Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)