Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tín dụng đen vào trường cao đẳng

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ ở các chợ, cơn bão tín dụng đen còn tấn công vào giới công chức, cán bộ, giáo viên ở Nam Định khiến nhiều người phải bỏ việc, thậm chí bị truy nã, tự tử vì vỡ nợ…

Giáo viên Trường cao đẳng xây dựng Nam Định cũng "dính" tín dụng đen . Ảnh: H.L

Điều tra của Công an tỉnh Nam Định cho biết, tại tỉnh này đã xảy ra 134 vụ tín dụng đen với tổng số tiền vỡ nợ lên tới 742 tỉ đồng và 499 chỉ vàng. Riêng TP.Nam Định có 105 vụ với số tiền thống kê được là 731,5 tỉ đồng.

Thượng tá Vũ Đại Điền, Phó phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Nam Định cho biết, con số kể trên chỉ thống kê từ trình báo của bị hại trong các vụ việc. Thực tế thì số vụ và số tiền vỡ nợ sẽ lớn hơn nhiều nhưng nhiều nạn nhân không dám trình báo vì họ là công chức, cán bộ nhà nước. Có trường hợp cho vay hàng tỉ đồng nhưng không có căn cứ pháp lý, nên rất khó xử lý. Cách đây vài tháng, một nữ cán bộ của Ban quản lý các khu công nghiệp Nam Định có tiếng là giàu có, đã bỏ việc, bỏ trốn khỏi địa bàn cư trú. Khi có người đến văn phòng đòi nợ, lãnh đạo đơn vị mới biết nhân viên này nợ tới vài tỉ đồng. Mới đây, một cán bộ thuộc Công ty điện lực Nam Định đã treo cổ tự tử cũng vì vỡ nợ.

Trong các vụ tín dụng đen tại Nam Định, có người dùng cả uy tín nhà giáo để đi vay tiền. Cụ thể, Công an Nam Định đã khởi tố bị can, phát lệnh truy nã đối với một giáo viên của Trường cao đẳng xây dựng Nam Định là Trần Thế Tuyến, 36 tuổi, trú tại số 8/44 phố Gốc Mít, P.Vị Xuyên, TP.Nam Định. Theo điều tra, Tuyến đã dùng sổ đỏ giả để vay trên 2,5 tỉ đồng. Trong số nạn nhân của Tuyến, có nhiều người là giáo viên cùng Trường cao đẳng xây dựng Nam Định, vì ham lãi suất cao nên cho Tuyến vay hàng trăm triệu đồng.
Tương tự, Hiệu phó Trường mầm non Sao Vàng (TP.Nam Định) Hoàng Thị Nhự đã vay gần 7 tỉ đồng với lãi suất cao. Đáng nói là chỉ có 1 người trình báo đã khai cho Nhự vay số tiền 900 triệu đồng. Một số người khác đã cho cô Nhự vay nhưng không dám trình báo vì họ chính là giáo viên hoặc có vị trí trong cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, một số đối tượng lại thuê côn đồ đến phá nhà cửa, cướp tài sản và đe dọa sẽ “xử lý” cô giáo này khiến Công an tỉnh Nam Định nhiều lần phải tổ chức lực lượng đến giải cứu.
Tương tự, một vụ việc cũng gây xôn xao TP.Nam Định là vào ngày 21.7, ông Đoàn Việt Cường (ở P.Cửa Nam, TP.Nam Định) đã thuê người đến nhà của vợ chồng ông bà Nguyễn Xuân Chiến – Đoàn Thị Hường ở 40 Đò Quan, TP.Nam Định đòi món nợ 150 triệu đồng. Hai bên hỗn chiến gây thương tích cho nhiều người.
Ngoài các đường dây tín dụng đen đã vỡ, theo những nguồn tin phóng viên tiếp cận được thì ở Nam Định vẫn còn không ít đường dây đang hoạt động và chưa biết khi nào sẽ bùng nổ.
Nói về nguyên nhân vỡ nợ, ông N.V.H, một cán bộ UBND H.Nam Trực, Nam Định cho biết: Một trong những tác nhân gây vỡ nợ tín dụng đen hàng loạt, nhất là ở khối cán bộ, công chức là do giá đất hạ và thị trường cây cảnh chững lại. Theo đó, năm 2010, khi giá đất lên, nhiều cán bộ, công chức huy động tiền để đầu tư và nay gặp khó khăn. Cây cảnh cũng trong hoàn cảnh tương tự.
“Trước đây nhiều người nghĩ đất và cây cảnh đang lên nên vay lãi cao để mua cây, mua đất, định bán ngay để kiếm lời nhưng khi bong bóng cây và đất đều vỡ, lãi mẹ đẻ lãi con nên vỡ nợ”, ông H nói.
Theo Hoàng Long
Thanh Niên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)