Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tín dụng tiền đồng khó tăng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nếu không hoàn thành đúng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay thì tăng trưởng lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận định sau khi than phiền việc tăng tín dụng của ngân hàng ông đang cực kỳ khó khăn.

Đẩy mạnh cho vay

Trong sáu tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt 10,52%, nhưng trong đó tăng trưởng tín dụng bằng tiền đồng chỉ đạt 4,6% trong khi bằng ngoại tệ lại tăng đến 27% so với cuối năm 2009.

Tuy nhiên, tăng trưởng huy động bằng ngoại tệ các tháng qua luôn thấp hơn so với tốc độ tăng dư nợ ngoại tệ. “Như vậy cơ bản khả năng tăng tín dụng bằng đô la Mỹ không còn nữa trong những tháng cuối năm, vì vậy ngân hàng sẽ phải tập trung cho vay tiền đồng”, ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nói trong một buổi hội thảo tại TPHCM tuần trước.
Vì thế không hẹn mà gặp, đồng loạt các ngân hàng trong tháng 7 đã đưa ra hàng loạt chương trình với rất nhiều tên gọi nhưng đều nhằm mục đích là tăng dư nợ bằng tiền đồng cho khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu.
Các ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc tăng tín dụng bằng tiền đồng.
Một thực tế cho thấy là tăng trưởng dư nợ bằng tiền đồng của các ngân hàng sáu tháng đầu năm không được như mong muốn vì rất nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất là do người đi vay không chấp nhận mức lãi suất vẫn còn khá cao.
Chính vì vậy các ngân hàng đang nỗ lực đẩy nhanh việc giải ngân vốn cho khu vực sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm khi công bố khá nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn.
Ngân hàng Công Thương Việt Nam đã công bố sẽ dành từ 20.000 – 30.000 tỉ đồng cho vay đối với khu vực nông nghiệp và khoảng 30.000 tỉ đồng cho vay đối với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xuất khẩu trong nửa cuối năm. Eximbank cũng cho biết sẽ dành 2.000 tỉ đồng cho chương trình tài trợ xuất khẩu với lãi suất 12%/năm.
Mới đây nhất, Ngân hàng ACB đã cho ra mắt hai sản phẩm mới nhắm trực tiếp vào doanh nghiệp xuất khẩu, đó là cho vay bảo đảm bằng khoản phải thu từ bộ chứng từ hàng xuất khẩu thanh toán theo phương thức chuyển tiền bằng điện (T/T) và chương trình “Tài trợ xuất khẩu lãi suất siêu ưu đãi”.

Bài toán lãi suất

Thế nhưng những chương trình như của ACB chỉ có thể đến với các doanh nghiệp đã ký được hợp đồng rồi, trong khi những doanh nghiệp khác vẫn còn khó khăn để tiếp cận vốn ngân hàng.

Ông Lê Đức Thúy cho rằng hiện lãi suất trung bình cho các doanh nghiệp vay là 14-16%/năm. Nhiều ngân hàng công bố cho vay lãi suất 12,5-13% nhưng doanh nghiệp cực kỳ khó tiếp cận hoặc mức lãi suất thấp sẽ kèm theo rất nhiều điều kiện.
Ông Thúy cho rằng chính sách tiền tệ đã bị thắt chặt quá mức cần thiết thời gian vừa qua khiến tăng trưởng tín dụng bằng tiền đồng gặp khó khăn. Ông nói nếu tình hình lãi suất không khả quan thì tăng trưởng tín dụng cả năm nay sẽ khó đạt 25% như mục tiêu đã đề ra.
Theo ông Thúy, khả năng tăng tín dụng bằng tiền đồng đang bị hạn chế bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất, lãi suất huy động bị cạnh tranh bởi các kênh đầu tư khác và sự lo ngại lạm phát vẫn còn khiến cho vốn huy động tăng chậm. Thứ hai, lãi suất cho vay hiện đang quá cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân.
Bà Đàm Bích Thủy, Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam, cho biết Chính phủ muốn các ngân hàng giảm lãi suất cho vay trên cơ sở giảm lãi suất huy động, tuy nhiên những quy định gần đây đã khiến việc giảm lãi suất không dễ dàng.
Quy định về việc không cho các ngân hàng huy động trên thị trường liên ngân hàng quá 20% vốn huy động từ dân cư cũng như quy định tối thiểu tiền gửi/tiền vay có thể ảnh hưởng đến mục tiêu giảm lãi suất và tăng trưởng tín dụng.
Ông Thúy cho rằng thị trường liên ngân hàng là nơi để các ngân hàng điều tiết vốn nhưng Ngân hàng Nhà nước lại khống chế các ngân hàng không được vay trên thị trường liên ngân hàng quá 20% đã khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh, thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động của các ngân hàng.
Các ngân hàng nhỏ không vay được từ thị trường liên ngân hàng nên buộc phải vay từ dân cư, mà công cụ hữu hiệu nhất để thu hút vốn từ dân cư là tăng lãi suất. Bà Thủy cho rằng nếu ngân hàng nhỏ giữ lãi suất cao thì các ngân hàng lớn có dư vốn cũng không thể giảm lãi suất được, dẫn đến cả lãi suất huy động và cho vay khó lòng giảm nhanh được.
Do vậy, đại diện của ANZ cho rằng nếu tình hình vẫn như hiện nay thì lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn sẽ không có gì thay đổi trong vòng 2-3 tháng tới. Ông Thúy cho rằng nếu Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh những chính sách tiền tệ không phù hợp thì mới giúp tín dụng tăng trưởng nhanh hơn trong những tháng cuối năm.
THỦY TRIỀU – TBKTSG

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)