Lặp lại kịch bản của một thời gian dài trước đây, tín dụng ngoại tệ và tín dụng VND có sự chênh lệch đáng kể trong 5 tháng đầu năm và nguyên nhân chủ yếu, theo nhiều đánh giá, xuất phát từ chênh lệch quá lớn giữa lãi vay của hai dòng vốn.
Con số được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho thấy, tính đến cuối tháng 5 vừa qua, tổng dư nợ tín dụng tăng khoảng 6,2% so với cuối năm 2010. So với hạn mức tăng trưởng 20% cho cả năm 2011, mức tăng nói trên có vẻ như hơi thấp và phần nào cho thấy tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt được NHNN thực hiện nhiều tháng qua.
Con số quy đổi cho thấy, khối lượng tín dụng tăng ròng cho nền kinh tế đạt 135.800 tỉ đồng và mức tăng này tương đương 33% khối lượng tín dụng cả năm nay. Song điều đáng lưu ý là đóng góp vào mức tăng trưởng tín dụng 5 tháng nói trên, tín dụng VND chỉ đạt được mức tăng 2,59% trong khi tín dụng ngoại tệ lại tăng tới 18,9% so với cuối năm 2010.
Trong báo cáo phục vụ cuộc họp của Hội đồng Tư vấn tiền tệ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, sự lệch pha trong tăng trưởng tín dụng nói trên giữa vốn VND và vốn ngoại tệ là kết quả của tình hình lạm phát cao và chênh lệch lãi suất quá lớn giữa hai loại vốn.
Trong khi đó, ở kênh huy động vốn cũng cũng kiến sự tăng trưởng lệch pha rất lớn giữa hai dòng vốn. Con số được NHNN đưa ra cho thấy, trong tốc độ tăng trưởng huy động vốn chung của toàn hệ thống ngân hàng đạt 1,48%, huy động ngoại tệ tăng tới 18,84% trong khi huy động vốn VND lại giảm đến 2,75% so với cuối năm 2010.
Sự sụt giảm huy động vốn VND được cho xuất phát chủ yếu từ khu vực tổ chức kinh tế, với con số hơn 156.000 tỉ đồng. Lãi suất cho vay tăng qua cao trong thời gian gần đây có thể đã buộc các DN phải rút tiền ra để sản xuất kinh doanh.
Văn Nguyễn / Lao Động
Bình luận (0)