Tòa soạnThư đi – tin lại

Tín hiệu không vui từ chương trình thu hút nhân tài

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Năm 2011, tôi được xét duyệt và nhận được số tiền hỗ trợ đào tạo sau ĐH của một địa phương, nhưng tôi cũng đã nhanh chóng hoàn lại số tiền bởi một số lí do, trong đó có lí do rất quan trọng là tôi có ý định chuyển công tác khỏi địa phương đó. Bạn bè, đồng nghiệp cho rằng tôi “dại”, vì theo họ “tiền đó là tiền của Nhà nước chứ có phải tiền ai đâu, dại gì mà không nhận”. Tôi có giải thích rằng: Nếu mình học xong mà không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng thì sẽ dẫn đến những rắc rối về mặt pháp lí. “Ông cứ lo xa, đầy người dùng tiền của tỉnh đi học nhưng có về phục vụ đâu!” – một số người nhắc nhở. Mặc dù hợp đồng kí kết giữa cơ quan chủ quản nguồn vốn với người xin vốn đi học rất chi tiết, rõ ràng nhưng những gì mà bạn bè tôi nói không phải là không có cơ sở, bởi ngay trong lớp học của tôi, nhiều địa phương cũng dành kinh phí để hỗ trợ các đối tượng học sau ĐH và một số người cũng bày tỏ nguyện vọng “sau khi học xong sẽ ở lại thành phố”…
Mới đây, qua báo chí, tôi được biết phần lớn quán quân của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia đều định cư ở nước ngoài. Đối với những người mới đoạt giải, tương lai của họ đang được định hình nhưng trước mắt là cố gắng để học tốt, còn đối với những người đã thành đạt mà không về nước phục vụ thì cũng cần phải xem lại theo hướng tạo cơ chế, chính sách để thu hút các đối tượng này nói riêng, đội ngũ trí thức nói chung. 
Dẫu biết rằng, người lao động có quyền lựa chọn môi trường làm việc tốt hơn phù hợp với năng lực, chuyên môn đã được đào tạo để họ có cơ hội cống hiến, cơ hội để khẳng định mình, có thu nhập cao để đảm bảo cuộc sống. Và việc đưa cán bộ, người lao động ra nước ngoài để đào tạo về phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Một mặt, nó tạo cơ hội cho người lao động được học tập, đào tạo trong những môi trường giáo dục tốt nhất, mặt khác là để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, tiếp cận công nghệ tiên tiến của các nước phát triển phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, một số du học sinh sau khi tốt nghiệp về nước đã không toàn tâm, toàn ý đem những kiến thức đã được học phục vụ cho nơi đã cấp kinh phí cho mình đi học mà suốt ngày “than” chuyện lương thấp, cơ chế, chế độ ưu đãi thiếu hấp dẫn, bố trí không đúng chuyên môn… Đồng ý rằng thu nhập cho đội ngũ lao động chất lượng cao còn hạn chế, chính sách ưu đãi chưa đủ sức hút người lao động nhưng trong điều kiện chung thì vấn đề chia sẻ khó khăn, sẵn sàng đóng góp công sức cho đất nước là điều nên làm, đặc biệt là những người lao động đã được thụ hưởng chính sách ưu đãi lớn trong giáo dục, đào tạo.
Việc một số nhà khoa học Việt Nam từ chối những cơ hội làm việc với thu nhập rất cao ở nước ngoài để về nước phục vụ đã thể hiện tình cảm, lòng yêu nước cũng như trách nhiệm của mọi công dân đối với Tổ quốc. Điều đó đã làm nức lòng biết bao người dân nhưng tiếc rằng, những thông tin như vậy trên các báo đài có vẻ “lép vế” so với các thông tin về việc chảy máu chất xám mà đất nước ta đang phải gánh chịu.
Nguyễn Quế Diệu (Gò Vấp, TP.HCM)

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)