Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Tín hiệu sáng cho xuất khẩu lao động

Tạp Chí Giáo Dục

Hình ảnh lao động làm thủ tục xuất cảnh như thế này sẽ rất hiếm gặp trong năm nay

Trong khi nhiều thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam bị thu hẹp do suy thoái kinh tế thế giới thì những thoả thuận hợp tác gần đây giữa Việt Nam và một số quốc gia như Phần Lan hay Qatar lại cho thấy những tín hiệu sáng mới cho lao động xuất khẩu Việt Nam. mặc dù vào hai quốc gia nói trên không dễ.
Qatar là nước giàu số 1 trong thế giới Hồi giáo. Việc Việt Nam và Qatar đạt được thỏa thuận về việc lập    Quỹ đầu tư chung trị giá tới 1 tỷ USD phục vụ cho việc tăng cường hợp tác lao động và trao đổi thương mại… đã như một luồng gió mát thổi vào tình hình xuất khẩu lao động vốn đang rất bức bối hiện nay.
Hiện có khoảng hơn 10.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Qatar trong các ngành dầu khí, cơ khí… Đánh giá chung về tình hình xuất khẩu lao động vào Qatar trong thời gian vừa qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH) cho biết, đây là thị trường cho thu nhập cao, nhiều lao động có nghề có thể đạt được thu nhập trên 1.000 USD/tháng. Đặc biệt khi GDP bình quân đầu người của Qatar hiện đã vượt qua mốc 60.000 USD/năm thì thị trường này càng trở thành tâm điểm chú ý của rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Việc đẩy mạnh xuất khẩu lao động vào Qatar đã được khai thông mạnh mẽ từ cuối năm 2007, khi Chính phủ Qatar đồng ý tiếp nhận 25.000 lao động Việt Nam. Trong năm 2008, khoảng 3.000 lao động đã được xuất khẩu sang Qatar làm việc, đưa tổng số lao động Việt Nam tại Qatar lên hơn 10.000 người.
Đoàn 10 nghị sĩ của Phần Lan vừa tới Việt Nam đầu tháng 3/2009 cũng thông tin cho báo chí biết, Phần Lan rất có nhu cầu với lao động Việt Nam. Tuy nhiên khác với thị trường Qatar, Phần Lan cần tuyển các lao động phổ thông cho các hoạt động mang tính thời vụ với nhu cầu mỗi năm tới 10.000 lao động. Đoàn nghị sỹ Phần Lan cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp Phần Lan rất thích lao động Việt Nam bởi sự dẻo dai, chịu khó và tính thích nghi cao. Cho đến nay Việt Nam là nước đầu tiên ngoài khu vực Châu Âu  được Phần Lan chọn áp dụng thí điểm hình thức hợp tác “lao động di cư”, tức là người lao động được hưởng mọi quyền lợi về lương bổng, bảo hiểm như người Phần Lan. Những công nhân Việt Nam sang Phần Lan năm 2008 đều là công nhân có tay nghề cao trong các ngành hàn, điện và mộc và đã được chuyên gia Phần Lan trực tiếp tuyển  chọn. Việc đẩy mạnh hợp tác đưa lao động phổ thông sang Phần Lan đã mở ra cơ hội mới cho người lao động và cũng là cơ hội để mục tiêu đưa 10.000 lao động của 61 huyện nghèo ra nước ngoài làm việc trong hai năm 2009 – 2010 của ngành LĐ – TB – XH có cơ sở thực hiện được trong khi nhiều thị trường xuất khẩu lao động đang có nguy cơ đóng băng.
Khó khăn số 1 đối với ngành xuất khẩu lao động hiện nay là 115.000 lao động đang làm việc tại Malaysia. Phía Malaysia sẽ không tiếp tục gia hạn hợp đồng. Malaysia được coi là thị trường xóa đói giảm nghèo của Việt Nam và là nơi có lượng lao động Việt Nam lớn nhất do chi phí đi không lớn (dưới 20 triệu đồng/người bao gồm chi phí ăn ở, đào tạo trước khi đi). Một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu lao độngthuộc Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, kế hoạch đưa 30.000 lao động sang Đài Loan trong năm nay cũng gần như không thể thực hiện được. Tới nay hầu như các doanh nghiệp đều chưa có hợp đồng, nhiều doanh nghiệp còn tính trả lại giấy phép đã mất rất nhiều công sức mới có được. Đối với các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc… nhiều lao động đã trúng tuyển học nghề xong nhưng không thể xin được visa do các doanh nghiệp đối tác ngừng tiếp nhận lao động.
Một số thị trường mới, tiềm năng đang được mở ra trong khi những thị trường lớn và truyền thống lại bị thu hẹp, xuất khẩu lao động trong năm 2009 được xác định sẽ còn rất nhiều khó khăn – Ông Thân Thế Hà – GĐ Cty XNK lao động Vinaconex cho biết. 
Minh Giác (dddn)
 

 

Bình luận (0)