Các nhà thiên văn học phát hiện 5 xung vô tuyến tốc độ cao (FRB) phát ra từ nơi xa xôi trong vũ trụ, bao gồm một xung kép chưa từng được bắt gặp trước đây.
|
Kính viễn vọng vô tuyến Parkes ở Australia.
IFL Science hôm 26/11 đưa tin, xung kép trái với nhiều giả thuyết mà các nhà khoa học đưa ra để giải thích các sự kiện, cho thấy nguồn gốc của chúng có thể kỳ lạ hơn tưởng tượng của con người. "Chúng tôi không biết điều gì đang xảy ra, nhưng chắc chắn nó rất thú vị", Emily Petroff, nhà khoa học từ Đại học Swinburne, một trong những người phát hiện ra xung vô tuyến thông qua kính viễn vọng Parkes ở Australia, chia sẻ.
FRB được phát hiện lần đầu từ các dữ liệu năm 2007 và các nhà khoa học đã trực tiếp chứng kiến hiện tượng này vào cuối năm ngoái. Đúng như tên gọi, FRB là những đợt bùng phát sóng vô tuyến rất nhanh, bắt nguồn từ nơi xa xôi trong vũ trụ và mang theo rất nhiều năng lượng. Giới nghiên cứu chưa biết nguồn gốc thực sự của hiện tượng này.
Các nhà thiên văn học đang bổ sung thêm dữ liệu về FRB, vốn chỉ có 11 lần được ghi nhận trong lịch sử. Do đó, thông tin về 5 xung vô tuyến mới, bao gồm xung kép, thu hút nhiều sự chú ý từ giới nghiên cứu.
Xung kép mang tên FRB 121002 gồm hai phần khác biệt rõ ràng, mỗi phần tương tự lần phát FRB đơn và chỉ cách nhau 2,4 mili giây. Nhiều giả thuyết trước đây cho rằng FRB là các sự kiện đơn lẻ với mức năng lượng cao, liên quan tới những vật thể nhỏ và đặc (như sự hợp nhất của một cặp sao neutron). Tuy nhiên, những giả thuyết này không giúp giải thích hiện tượng xung kép.
Phát hiện về FRB 121002 được công bố chỉ vài ngày sau một tài liệu cho rằng FRB là kết quả của việc hợp nhất giữa hố đen và sao neutron. Tài liệu này kết luận một đợt FRB khác sẽ nhanh chóng xuất hiện sau đợt đầu tiên. Nhưng theo tiến sĩ Ewan Barr ở Đại học Swinburne, đồng tác giả bài viết công bố phát hiện mới, điều này chỉ ứng với 1 trong 1.000 trường hợp và không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn tới các xung kép.
FRB 121002 cho thấy độ trễ lớn nhất từ trước tới nay, chỉ ra nơi phát xung kép này ở rất xa, có thể cách Trái Đất hàng tỷ năm ánh sáng. Ngoài giả thuyết về sự hợp nhất của hố đen và sao neutron, các nhà nghiên cứu còn nêu ra những nguyên nhân giả định như hố đen bốc hơi hay tia chớp từ các ngôi sao ẩn khổng lồ. Tuy nhiên, nguồn gốc thực sự của xung kép FRB 121002 vẫn còn là một bí ẩn.
Hoàng Linh (theo vnexpress)
Bình luận (0)