Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tín hiệu vui của điện ảnh Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Chất liệu lịch sử, văn hóa đang được nhiều nhà làm phim tập trung khai thác. Đây là nguồn chất liệu vô cùng phong phú, dễ tạo sự gần gũi, cảm xúc cho khán giả Việt

Phim "Vầng trăng thơ ấu" do Đặng Thị Thanh Bình viết kịch bản, NSƯT Hồ Ngọc Xum đạo diễn, kể lại thời niên thiếu của Bác Hồ, dự kiến ra rạp từ ngày 17-5.

Những dự án tâm huyết

Phim "Vầng trăng thơ ấu" được Công ty CP Phim Giải Phóng sản xuất nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2024); 134 năm ngày sinh Bác Hồ (19.5.1890 – 19.5.2024) và 113 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911 – 5.6.2024). Phim quy tụ dàn diễn viên: Trần Việt Bắc, Ngô Lệ Quyên, Phạm Hữu Đại, Lưu Văn An, Bạch Công Khanh, Nguyễn Ngọc Kim Ngân… Lấy bối cảnh từ năm 1895 đến 1901, phim kể câu chuyện Bác Hồ (tên thời thơ ấu là Nguyễn Sinh Cung) cùng cha mẹ là ông Nguyễn Sinh Sắc, bà Hoàng Thị Loan và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm di chuyển đến sống ở Huế. Phim có phần kịch bản từng thắng giải ba cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh do Cục Điện ảnh tổ chức năm 2020.

Phim “Vầng trăng thơ ấu” sẽ ra rạp từ ngày 17-5. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Phim “Vầng trăng thơ ấu” sẽ ra rạp từ ngày 17-5. Ảnh do nhà phát hành cung cấp

Trước đó, phim "Đào, phở và piano" của NSƯT – đạo diễn Phi Tiến Sơn thực hiện, thuộc thể loại phim tuyên truyền khuynh hướng lãng mạn, sử thi, đã từng tạo được hiệu ứng tích cực với khán giả trẻ. Phim khai thác lịch sử ở góc nhìn 24 giờ cuối cùng của trận Hà Nội năm 1946, trước khi quân Việt Minh rút lên Việt Bắc chuẩn bị cho giai đoạn trường kỳ kháng chiến. Phim đi sâu vào tâm lý các nhân vật bám trụ lại Hà Nội tới những giây phút cuối.

"Vầng trăng thơ ấu" với việc kể lại giai đoạn niên thiếu trong cuộc đời Bác Hồ cũng được kỳ vọng sẽ tạo được sức hút với khán giả trẻ. NSƯT – đạo diễn Hồ Ngọc Xum cho biết phim không "thần thánh hóa" cuộc đời của Bác Hồ. Có thể nói, giai đoạn sống ở Huế với biến cố gia đình, biến thiên của lịch sử, xã hội đã giúp Nguyễn Sinh Cung trưởng thành về tư duy, nhận thức và là tiền đề cho những quyết định đúng về sau.

Bên cạnh "Vầng trăng thơ ấu", phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên hiện trong quá trình thực hiện. Địa đạo Củ Chi được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử quân sự trên thế giới đánh giá là công trình quân sự khoa học và kỳ vĩ, đã giúp một lực lượng mỏng cả về số lượng lẫn khí tài có thể đứng vững trước đối thủ mạnh.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ấp ủ suốt 10 năm để chuẩn bị cho phim điện ảnh, nhằm mang câu chuyện huyền thoại về trí thông minh, tinh thần yêu nước ngoan cường của nhân dân miền Nam lên màn ảnh rộng. Phim lấy bối cảnh những năm 1967, khi chiến tranh Việt Nam ngày càng khốc liệt, phim là những câu chuyện đan xen giữa tình đồng đội, tình yêu và khát khao sống của những người lính nhưng trên hết vẫn là nghĩa vụ và sự hy sinh vì Tổ quốc. Ngoài Thái Hòa, phim còn có các diễn viên: Cao Minh, Quang Tuấn, Hồ Thu Anh, Hằng Lamoon, Hoàng Minh Triết, Nhật Ý,… Tác phẩm dự kiến ra rạp ngày 30-4-2025.

Hướng đến chất riêng

Ngoài các tác phẩm khai thác chất liệu lịch sử, điện ảnh Việt Nam cũng có những dự án phim đang chờ ra rạp đậm nét văn hóa bản địa. Đó là phim "Ngày xưa có một chuyện tình" do Trịnh Đình Lê Minh đạo diễn, chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Phim dự kiến khởi chiếu vào tháng 10, quy tụ dàn diễn viên: Avin Lu, Ngọc Xuân, Đỗ Nhật Hoàng, Thanh Tú, Bảo Tiên, Hạo Khang… Phim kinh dị "Con Cám" do Trần Hữu Tấn đạo diễn, kể về một nhân vật cổ tích rất nổi tiếng của Việt Nam với góc nhìn mới mẻ. Phim xoay quanh các nhân vật trung tâm là nàng Cám, nàng Tấm, hoàng tử, thằng Bờm. "Con Cám" cũng dự kiến ra rạp trong tháng 10.

Phim "Công tử Bạc Liêu" do Lý Minh Thắng thực hiện, lấy cảm hứng từ cuộc đời nhiều thăng trầm của nhân vật Công tử Bạc Liêu, cũng như những giai thoại thú vị, gắn liền với ông và những bóng hồng trong đời.

Phim "Linh Miêu" do đạo diễn Lưu Thành Luân thực hiện, khai thác truyền thuyết linh dị dân gian Việt Nam. Phim chỉ mượn hình tượng linh miêu cùng quan niệm liên quan đến quỷ nhập tràng, còn lại câu chuyện sẽ được phát triển theo hướng bi kịch của một gia đình sinh sống tại Huế vào những năm 1960. Cả 2 phim dự kiến ra rạp trong tháng 12. 

"Đây là một tín hiệu vui cho khán giả cũng như thị trường điện ảnh Việt Nam. Khán giả có thể thưởng thức nhiều hơn những phim lấy cảm hứng từ lịch sử, dã sử, chuyển thể văn học, khai thác chất liệu văn hóa dân gian… Dù nhiều thử thách nhưng nếu nhà làm phim có thể tạo ra tác phẩm chất lượng thì không chỉ khán giả hưởng lợi mà cũng góp phần tạo thêm các hướng khai thác mới cho phía sản xuất" – nhà biên kịch Đông Hoa nhìn nhận.

Theo Minh Khuê/NLĐO

 

 

Bình luận (0)