Năm 2020, nhiều trường THPT ngoài công lập và trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn TP.HCM được mùa tuyển sinh khi có rất đông học sinh đăng ký học. Không chỉ góp phần thực hiện tốt đề án phân luồng học sinh sau THCS, hai hệ thống giáo dục này đã làm thay đổi quan điểm của phụ huynh và học sinh về trường công, trường tư, GDTX.
Phụ huynh và học sinh đến tìm hiểu thông tin về Trường TH-THCS-THPT Tân Phú
Trường ngoài công lập… chuyển mình
Chỉ còn hơn tuần nữa là bắt đầu năm học mới nhưng thời điểm này, bộ phận tuyển sinh Trường TH-THCS-THPT Tân Phú (Q.Tân Phú) vẫn đang làm việc hết công suất, thậm chí làm cả ngày thứ bảy và chủ nhật để kịp thời giải đáp những thắc mắc, đăng ký học lớp 10 của học sinh và phụ huynh. Cô Trương Hoàng Kim Đức (Phó Hiệu trưởng nhà trường) phấn khởi nói: “Dù thời gian tuyển sinh khá ngắn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng kết quả tuyển sinh lại “nóng” hơn mọi năm. Hiện trường đã tuyển đủ chỉ tiêu đề ra là 7 lớp 10, căn cứ vào tình hình hiện tại, dự kiến trường sẽ mở thêm 1 lớp nữa để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Yêu cầu đầu vào lớp 10 của trường là học sinh phải đạt học lực từ trung bình khá, hạnh kiểm từ khá trở lên. Riêng với 2 môn văn, toán thì điểm tổng kết phải đạt từ 5,5 trở lên. Việc quy định đầu vào cũng góp phần từng bước nâng cao chất lượng của trường”.
Ngoài việc “siết” đầu vào, để thu hút học sinh và kéo gần khoảng cách với các trường công lập, cô Kim Đức cho hay, chương trình đào tạo của trường tiệm cận với hướng mở, hội nhập, chú trọng đến nghiên cứu khoa học, học tập trải nghiệm. Tiếng Anh được tăng cường với thời lượng 8-9 tiết/tuần, học với giáo viên bản xứ. Đặc biệt, trường xây dựng hẳn chương trình kỹ năng sống đưa vào giảng dạy chính khóa với thời lượng 1 tiết/tuần theo tâm sinh lý, lứa tuổi học sinh từng bậc học. Từ những đổi mới này, hàng năm tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT của trường luôn đạt 100%, đậu ĐH ở ngưỡng 90-95%; trong đó 50% đậu vào những trường ĐH top 1, top 2. Hai năm nay, đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh trường luôn đạt giải nhất cấp quốc gia. “Chính việc kéo gần khoảng cách với các trường THPT công lập trong đào tạo đã từng bước thay đổi được tư duy, quan điểm của học sinh và phụ huynh. Hiện trường ngoài công lập không còn là nơi “chứa” học sinh rớt lớp 10 công lập; vài năm nay, nhiều phụ huynh đã chủ động cho con em đăng ký học tại trường, không tham gia thi tuyển sinh 10, dù năng lực các em thuộc loại khá, giỏi. Có học sinh đậu trường THPT công lập, sau một thời gian đã xin qua trường học vì thích môi trường học tập tại trường”, cô Kim Đức chia sẻ.
Tương tự, Trường THCS-THPT Hồng Đức cũng có mùa tuyển sinh 10 đầy khởi sắc với tổng số 12 lớp, tăng hơn so với năm trước. Trong bối cảnh dịch bệnh, thời gian tuyển sinh cập rập, việc khởi sắc trong tuyển sinh là tín hiệu rất đáng mừng. Thầy Hoàng Gia Thành (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, xuất phát điểm của trường chỉ là đối tượng học sinh trung bình khá nên chiến lược đào tạo được trường xây dựng bám sát năng lực của từng em. Học sinh được khảo sát năng lực đầu vào để xếp lớp theo đúng trình độ. Đối tượng học sinh yếu sẽ được xếp lớp với thầy cô nhiều kinh nghiệm đồng thời sĩ số lớp cũng giảm, chỉ dao động trên dưới 30 em/lớp để giáo viên có nhiều thời gian sâu sát hơn. “Kéo gần khoảng cách giữa trường công và tư là điều mà trường đặc biệt lưu ý. Ngoài trang bị về cơ sở vật chất, trường còn chú trọng tạo nhiều sân chơi mang tính tương tác để học sinh trải nghiệm, sáng tạo, tăng niềm yêu thích việc học, khám phá kiến thức. Trường lấy việc giáo dục tiếng Anh để hội nhập làm mũi nhọn với thời lượng 10 tiết/tuần”, thầy Thành nói. Từ những đổi mới, chuyển mình trong đào tạo, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT của trường luôn đạt 100%, tỷ lệ đậu ĐH ở ngưỡng 90%…
Giáo dục thường xuyên chủ động đổi mới
Góp phần hiệu quả trong công tác phân luồng học sinh sau THCS còn phải kể đến sự “chung tay” của các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX. Chủ động, mạnh dạn đổi mới về phương pháp giảng dạy, rèn luyện học sinh đã làm mới “bộ mặt” của các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX, thay đổi được cái nhìn của xã hội với hệ đào tạo này.
“Khi các trường THPT ngoài công lập đã chuyển mình, nếu GDTX không chủ động đổi mới, “phô” hết thế mạnh của mình thì sẽ tụt hậu, không thể thu hút học sinh”, thầy Trương Bá Hải (Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Q.10) nói. |
Thời điểm này, Trung tâm GDNN-GDTX Q.10 đã tuyển sinh được 3 lớp 10 và vẫn tiếp tục nhận học sinh. Trong đó có nhiều em là học sinh khá, giỏi ở bậc THCS chủ động không thi tuyển sinh 10 mà rẽ sang học hệ này. “Cơ sở vật chất của trung tâm được đầu tư, tất cả các phòng học đều được trang bị máy lạnh, máy chiếu. Chương trình giảng dạy cũng được chú trọng, bắt kịp với các trường THPT công lập với nhiều chuyên đề, câu lạc bộ, hoạt động ngoài giờ lên lớp… đã tạo nhiều sân chơi cho học sinh. Các chương trình ngoại khóa được tăng cường, đa dạng như tham quan bảo tàng, tư vấn hướng nghiệp…”, thầy Trương Bá Hải (Giám đốc trung tâm) cho hay.
Theo thầy Hải, ngoài học 7 môn bắt buộc (toán, lý, hóa, sinh, văn, sử, địa), trung tâm đã chủ động đưa tiếng Anh (IELTS), GDCD, tin học vào giảng dạy với mong muốn hướng tới giáo dục toàn diện cho học sinh. Việc thiết kế dạy học theo chủ đề cũng được trung tâm xây dựng để chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Song song với dạy văn hóa, trung tâm còn liên kết với các trường TC đào tạo nghề chất lượng cao miễn phí cho học sinh như điện lạnh, sửa chữa ô tô, kỹ thuật nấu ăn, làm bánh. Học sinh tốt nghiệp vừa có bằng văn hóa, vừa có bằng TC nghề, hoàn toàn có thể làm nghề ngay khi ra trường. “Khi các trường THPT ngoài công lập đã chuyển mình, nếu GDTX không chủ động đổi mới, “phô” hết thế mạnh của mình thì sẽ tụt hậu, không thể thu hút học sinh. Vì vậy, việc đổi mới luôn được trung tâm ưu tiên hàng đầu, để làm sao bước vào môi trường học tập này, học sinh không cảm thấy có sự cách biệt giữa các môi trường học”, thầy Hải bày tỏ.
Tương tự, chỉ trong một thời gian ngắn, Trung tâm GDNN-GDTX Tân Phú đã nhận được khoảng 500 hồ sơ nhập học lớp 10. Đứng trước thực tế cạnh tranh với hệ thống trường ngoài công lập, việc ổn định được sĩ số tuyển sinh của hệ GDTX là điều không dễ dàng. Thầy Lưu Thanh Tòng (Giám đốc trung tâm) cho hay, bên cạnh cơ sở vật chất phục vụ dạy học theo yêu cầu của đổi mới thì việc duy trì, nâng cao chất lượng đào tạo, tạo môi trường giáo dục với kỷ cương, nề nếp, giáo dục văn hóa, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh luôn là những mục tiêu được trung tâm hướng đến để thu hút học sinh. Tất cả các phòng học đều có ti vi nối mạng, điều hòa. Tiếng Anh với giáo viên bản ngữ được đưa vào giảng dạy. “Tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT của trung tâm hàng năm ở mức 95-98%, không thua kém các trường THPT công lập. Tỷ lệ học sinh giỏi cũng ở ngưỡng cao. Những con số “biết nói” này chính là thương hiệu để trung tâm ghi điểm trong lòng phụ huynh và học sinh, thay đổi quan điểm của phụ huynh và học sinh về hệ GDTX”, thầy Tòng nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)