Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tín hiệu vui từ mai Tết

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đến thăm vườn mai kiểng vào những ngày cận Tết, không khí lao động và giao dịch mua bán bên cạnh những chậu mai lá xanh tươi tốt bắt đầu nhú nụ cũng sôi động hơn vì chỉ còn vài tuần nữa là sản phẩm của người nông dân sẽ được “xuất xưởng”.

Vườn mai của anh Chung Hoàng Quân, P.Thạnh Lộc đang chờ ngày đâm nụ trổ bông  

Mai kiểng trong giai đoạn “chạy nước rút”

Nằm nép mình bên những con đường đi vào các khu phố, từng vườn mai kiểng thuộc P.Thạnh Xuân, Thạnh Lộc, Q.12 lặng lẽ khoác màu áo xanh bám đầy bụi đất sau một ngày nắng gió. Tuy nhiên chỉ cần bước qua hàng rào để vào tận bên trong “thủ phủ” các vườn mai kiểng vào thời điểm cuối tháng 11 âm lịch mới thấy không khí lao động nơi đây thật sự sôi nổi và gấp gáp.

Tại vườn cây kiểng của hộ nông dân Lê Văn Nhị thuộc KP1, P.Thạnh Xuân, gần 800 chậu mai đang độ sung sức cành lá sum suê từ sáng đến tối lúc nào cũng có người đi dạo một vòng để “khám tổng quát và chăm sóc sức khỏe”. Anh Lê Văn Hùng, con trai ông Nhị cho biết, vườn mai  năm nay chủ yếu là 2 loại chậu trung và chậu đại. Ngày nào 2 cha con sau khi thức dậy cũng đi một vòng quanh vườn mai để xem xét tình hình. “Sáng hôm qua tôi thật sự vui mừng khi thấy một vài gốc mai lên nụ rất đẹp hy vọng năm nay mai nở đúng ngày chứ không còn chuyện trồi sụt như mấy năm trước” – anh Hùng cười tươi. Đó cũng là niềm vui của cả gia đình anh Chung Hoàng Quân – chủ vườn mai Dũng Loan ngụ ở KP3 B, P.Thạnh Lộc. Theo lời kể của người đàn ông 50 tuổi, hiện tại trong vườn mai có 700 chậu, so với vườn mai cũ ở KP4 thì giảm 1/3 số lượng. Tuy nhiên chỉ cuối tuần này sẽ có thêm 300 chậu mai được chở từ Bình Định và Phú Yên vào mới có đủ số lượng cho đầu ra. Dù diện tích nhỏ hẹp và số lượng có “co” lại nhưng chất lượng mai chậu vẫn là mai “rin” và theo giải thích của anh Quân, mai “rin” có nghĩa là mai nguyên liệu không ghép cành như các nhà vườn khác. Theo anh Quân, mai ghép cành dù chăm sóc dễ nhưng giá cả lại thấp hơn và thường bị khách hàng chê ỏng chê eo.

Cách đó không xa, vườn mai của ông Nguyễn Phương Hải, Phạm Thanh Hòa cũng đang phát triển hết tốc lực ở giai đoạn nước rút để chờ ngày đơm bông kết trái phục vụ Tết ta. Khi lấy dao chặt nhỏ mấy cây chuối để lót vào đáy chậu mai, ông Hải giải thích: “Thân cây chuối mềm chứa nhiều nước nên lót dưới đáy chậu để giữ ẩm và dưỡng chất cho gốc”. Vì ở sát bên đường vườn mai có trên 1.000 gốc nên nhà ông Lê Chí Hùng lại gắn rất nhiều bóng đèn trên cao với mục đích chống trộm. Theo lời kể chủ nhân, có năm chỉ trong 1 đêm mất cả chục chậu mai quý mà không ai hay biết do gia đình hồi đó còn quá chủ quan. Vườn mai nhà ông Hòa ở KP3A lại được giăng lưới bên trên để tránh mưa tránh nắng. Theo lời người đàn ông trung niên, dù là cây cối vô tri vô giác nhưng nếu con người quan tâm và biết chăm sóc thì sức khỏe của cây cũng tốt hơn và ra hoa trổ nụ để đền đáp những giọt mồ hôi vất vả của con người bỏ ra quanh năm.

“Cánh tay nối dài” của người nông dân

Theo anh Quân, ngoài chuyên cần và chăm chỉ, người trồng mai cần có nhiều kiến thức chăm sóc mai kiểng: “Mưa nhiều nắng lắm thì cũng đáng lo nhưng quan trọng là các chủ mai phải biết tính toán thời điểm lặt lá cho nở đúng dịp Tết. Nếu chủ quan cứ lặt mai theo kinh nghiệm mà không phụ thuộc vào thời tiết thì chắc chắn bông sẽ không nở theo ý mình. Tình trạng mai nở không đúng dịp của những năm trước là do nhà vườn chủ quan” – anh Quân lý giải. Một yếu tố không kém phần quan trọng mà hộ nông dân nào cũng đúc kết được là sự hỗ trợ của chính quyền địa phương mà trong đó vai trò không thể thiếu của Hội Nông dân thuộc các phường/xã.

Theo báo cáo của Hội Nông dân P.Thạnh Lộc, năm 2018 toàn phường có 63,69ha đất vườn mai kiểng của 146 hộ. Như vậy so với năm 2017 có tăng 5 hộ với lý do đầu tư có hiệu quả. Nói là hộ nông dân nhưng thực ra cũng là những đại gia miệt vườn do có thực lực về đất, vốn và cộng thêm sự đam mê với thú điền viên. Anh Lê Thành Hiếu – một thanh niên trẻ là Chủ tịch Hội Nông dân P.Thạnh Lộc phấn khởi khoe: “Năm nay các chủ vườn mai thuận lợi do thời tiết ổn định, nhiều gốc mai đã ra nụ tốt, đa số nông dân yên tâm đang dồn công thay phân sửa cành”.

Có thể coi sự hỗ trợ của UBND phường và Hội Nông dân chính là cánh tay nối dài cho sự đầu tư bền vững và ổn định vào các vườn kiểng của các hộ nông dân. Trong 1 năm các phường đều có 4 đến 5 lớp tập huấn cho hàng trăm hộ nông dân về kỹ thuật trồng, chọn giống, bón phân bằng các loại thuốc chăm sóc cắt tỉa cành mai kiểng trước và sau Tết. Riêng năm 2017 đã có 2 tỷ 9 quỹ hỗ trợ nông dân cấp TP cho 78 hộ nông dân thuộc P.Thạnh Lộc và 14 tỷ 3 là số tiền vay vốn hỗ trợ lãi thuộc 9 dự án. “Cùng với 329 hộ được vay hơn 9 tỷ đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm, toàn phường đã có 422 hộ được vay vốn với số tiền 26 tỷ 500 triệu đồng để làm vườn”. Không phải lo lắng về đầu ra, Công ty Phát Minh Kháng cũng đã bắt tay hợp tác để giúp các hộ nông dân các địa chỉ có nhu cầu mua mai kiểng vào dịp Tết. “Đến thời điểm này đã có 71 hộ đăng ký tham gia vào 100 gian hàng để đưa mai kiểng đến gần với người tiêu dùng” – anh Hiếu đưa ra con số rất lạc quan.

Bài, ảnh: Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)