Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tín hiệu vui từ Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

Tối 9, 11 và 14/5, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM biểu diễn vở “Chiếc áo thiên nga” tại rạp Thủ Đô.

Đây xem như là đợt diễn tập cuối trước khi nhà hát lên đường tham gia Liên hoan Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc diễn ra tại Nghệ An từ ngày 17 đến 28/5 tới.

Cũng rất lâu rồi, một cảm giác tươi mới thực sự trở lại với Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM. Sự tươi mới đó lại đến từ vị trí khó ai ngờ, đó là dàn… cung nữ và quân sĩ.

Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM biểu diễn chương trình sân khấu học đường tại Đại học Y Dược TP.HCM

Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM biểu diễn chương trình sân khấu học đường tại Đại học Y Dược TP.HCM

“Sự chuyên nghiệp của một đơn vị nghệ thuật đến từ dàn múa, dàn quân – những người đảm nhận vị trí hỗ trợ vô cùng khiêm tốn, nhưng lại không thể thiếu trong những tác phẩm quy mô, nhất là các vở diễn đề tài lịch sử. Có dàn múa đẹp, dàn quân đồng đều sẽ góp phần không nhỏ nâng tầm tác phẩm” – anh Phạm Thái Bình (Trung tâm Văn hóa TP.HCM), người am hiểu và gắn bó lâu năm với các loại hình nghệ thuật truyền thống tại thành phố, cũng là một khán giả khó tính, nhận xét.

Một thời gian dài, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM thiếu hụt trầm trọng nhân lực. Các nghệ sĩ có lúc phải diễn ba, bốn vai một lượt, vừa đóng tướng vừa phải đóng cả quân. Các cảnh dàn trận không thể tạo khí thế khi chỉ lèo tèo vài ba quân sĩ, dàn cung nữ với các điệu múa thướt tha lại khá đứng tuổi, đội hình chênh lệch thấp cao. Những cảnh diễn đáng lẽ phải hoành tráng, rầm rộ lại đâm ra chệch choạc, ảnh hưởng đến chất lượng vở diễn.

“Thực trạng trên đến từ sự hụt hẫng lực lượng kế thừa, khi quân sĩ hay cung nữ là vị trí đầu tiên để các diễn viên trẻ học nghề và tích lũy kinh nghiệm. Thời gian qua, nhà hát đã bổ sung được mười gương mặt trẻ đang tích cực rèn luyện từ những vai trò nhỏ nhất. Về mặt hình thức, dàn quân trong các đại cảnh cũng đầy đặn, khí thế hơn, tăng hiệu ứng cảm xúc cho các lớp diễn”, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM Võ Hồ Hoàng Vũ cho biết.

Hai nghệ sĩ Bảo Châu và Ngọc Giàu thuộc lứa nghệ sĩ được Nhà hát đào tạo truyền nghề đầu tiên từ khoảng năm 2001 – 2002 khi cả hai vẫn còn ở tuổi thiếu niên, nay đều là những trụ cột của Nhà hát.

Hai nghệ sĩ Bảo Châu và Ngọc Giàu thuộc lứa nghệ sĩ được Nhà hát đào tạo truyền nghề đầu tiên từ khoảng năm 2001 – 2002 khi cả hai vẫn còn ở tuổi thiếu niên, nay đều là những trụ cột của Nhà hát.

Đặc biệt, vở diễn Chiếc áo thiên nga lần này (kịch bản: Lê Duy Hạnh, chuyển thể hát bội: NSƯT Hữu Danh, đạo diễn: nghệ sĩ Đông Hồ) gần như dành trọn cơ hội cho những người trẻ, khi chỉ còn NSƯT Linh Hiền và nghệ sĩ Đông Hồ là lứa nghệ sĩ gạo cội làm điểm tựa hỗ trợ những Bảo Châu (vai Trọng Thủy), Ngọc Giàu (Mỵ Châu), Kiều My (Hoàng Dung), Hoàng Hà (Cao Thục) tỏa sáng. Cũng là sự khẳng định sự chín muồi của lớp nghệ sĩ trưởng thành từ khóa đào tạo đầu tiên của nhà hát, qua gần 20 năm rèn luyện liên tục, đã vững vàng tiếp bước người đi trước.

“Các bạn đều khẳng định được vị trí của mình, trở thành trụ cột của nhà hát. Và đã đến lúc tập trung cho đội ngũ kế thừa tiếp theo, mười gương mặt mới này vẫn đang ở ngưỡng đầu tiên của nghề nghiệp, cần một thời gian dài nỗ lực học hỏi và rèn luyện. Ngoài thực tiễn sàn diễn trong từng vở diễn cụ thể, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn để các nghệ sĩ lớn trong nhà hát trực tiếp truyền nghề, và mời cả các anh chị đã nghỉ hưu cùng truyền đạt kinh nghiệm cho các em”, ông Võ Hồ Hoàng Vũ cho biết.

Nhà hát cũng bổ sung hai nhạc công mới, chú trọng nâng cao chất lượng dàn nhạc. Anh Ngô Văn Tòng – Trưởng Ban nhạc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM – cho biết vở diễn được phối thêm nhạc nền, bổ sung thêm đờn tranh và đờn kìm. Hiện tại, dàn nhạc có mười người với đủ các âm sắc của trống, kèn, guitar, cò, tranh, kìm, bầu, sến, hồ… giúp phần âm nhạc “đầy” hơn trước nhiều. Đây là chủ trương của nhà hát trong việc bổ sung, củng cố nhân lực để giữ gìn nghệ thuật hát bội.

Dàn nhạc “đông vui” là tín hiệu thực sự đáng mừng cho Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM

Dàn nhạc “đông vui” là tín hiệu thực sự đáng mừng cho Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM

Anh trăn trở: “Thế hệ chúng tôi đều đã lớn tuổi cả rồi. Vẫn cần tìm những gương mặt mới nữa. Hiện tại thì tạm ổn nhưng vẫn cứ lo, khoảng mười năm nữa thôi, nếu không đào tạo được thêm nhạc công thì nguy cơ mai một vẫn còn. Nguồn để chúng tôi tìm đến chủ yếu học nhạc cải lương ra, hoặc tham gia các ban nhạc lễ, ngoài việc phải đào tạo lại, thì thuyết phục các em theo nghề, và giữ chân các em với thu nhập khá khiêm tốn lại càng không dễ…”.

Ông Võ Hồ Hoàng Vũ cho biết nhà hát chỉ có thể tồn tại và phát triển khi luôn bổ sung được lực lượng, vì thế luôn tạo điều kiện cho nghệ sĩ trẻ hoạt động và phát triển, cũng như nỗ lực đa dạng hoạt động, nâng cao đời sống nghệ sĩ. Trong đó, việc tìm thêm khán giả, nhất là khán giả trẻ ngày càng được chú trọng.

“Thời gian qua, nhà hát đã tổ chức các chương trình sân khấu học đường, giới thiệu nghệ thuật hát bội tại một số trường đại học của TP.HCM. Thời gian tới, chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, chủ động giới thiệu, mời gọi khán giả đến xem thông qua fanpage của nhà hát, và gửi thư mời đến các trường. Sau Chiếc áo thiên nga, nhà hát cũng sẽ dàn dựng thêm các chương trình phù hợp với tiêu chí sân khấu học đường, tiếp tục đưa hát bội đến với học sinh – sinh viên”, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM chia sẻ. 

Theo Đông A/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)