Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tin mình có… bệnh!

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Minh H., 34 tuổi, giáo viên một trường trung học phổ thông tại Bình Dương, đến khám bệnh và than phiền bị đau đầu, chóng mặt, các triệu chứng khởi phát cách đây hơn một năm và ngày càng trầm trọng.
Bà chắc chắn mình bị một bệnh lý nào đó về thần kinh mà các bác sĩ đa khoa không phát hiện được. Bà đã đi khám tại một vài bệnh viện, tuy nhiên các bác sĩ không phát hiện bệnh lý gì đặc biệt. Điều đó càng làm bà lo lắng hơn và tinh thần ngày càng suy sụp, bà cho rằng mình bị bệnh rất trầm trọng.
Trao đổi với nhà trị liệu, bà cho biết các dấu hiệu bệnh lý xuất hiện cách đây một năm khi bà sinh cháu gái thứ hai. Bên cạnh, thời gian đó trong gia đình xuất hiện một sự kiện gây ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý của bà. Đó là việc bố ruột bà mất do ung thư. Các yếu tố stress từ việc mới sinh em bé đến việc bố mất làm bà suy sụp. Các dấu hiệu lo âu cường độ ngày càng tăng và xuất hiện bệnh lý đau đầu, mất ngủ khiến bà nghĩ mình mắc một bệnh lý thần kinh nào đó, mặc dù các bác sĩ đa khoa đã cho làm các xét nghiệm cận lâm sàng mà không phát hiện dấu hiệu đặc biệt.
"Bệnh lý này chiếm khoảng 5% ở các phòng khám đa khoa"
Khó thuyết phục
Bà Minh H. và nhiều bệnh nhân khác có triệu chứng tương tự được xác định là rối loạn nghi bệnh – một bệnh lý của rối loạn dạng cơ thể xuất hiện sau một sang chấn, một sự kiện và stress kéo dài bởi một cá nhân có nét nhân cách dễ bị tổn thương như tính lo lắng, chi li, dễ xúc động, dễ bị kích thích hay ngờ vực… Bệnh lý này chiếm khoảng 5% ở các phòng khám đa khoa. Bệnh thường xuất hiện ở lứa tuổi 20-30 và nhiều trường hợp ghi nhận ở lứa tuổi lớn hơn.
Bệnh nhân bận tâm dai dẳng vào khả năng mắc phải một hoặc nhiều bệnh cơ thể nặng, đang tiến triển. Người bệnh thường xuyên phàn nàn về cơ thể hoặc hình dạng bên ngoài của mình mặc dù họ không có một bệnh thực thể nào.
Bệnh nhân lo sợ dai dẳng mình bị bệnh hoặc tin là mình đang bị bệnh gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của bản thân.  Bên cạnh đó thường than phiền nhiều triệu chứng liên quan đến một hoặc hai cơ quan, hệ thống cơ thể, nhưng hay gặp nhất là đau và các triệu chứng về tiêu hóa và tim mạch. Các triệu chứng thường thay đổi giữa các lần bệnh nhân đến khám.
Người bệnh tin tưởng là mắc một bệnh nặng nhưng chưa tìm ra hoặc khó thuyết phục được họ không bệnh, mặc dù các xét nghiệm cận lâm sàng đều âm tính và được trấn an nhiều lần bởi thầy thuốc. Song sự tin tưởng đó của người bệnh vẫn chưa đạt đến mức hoang tưởng. Chính vì thế sự bận tâm đó là nguồn gốc của sự đau khổ, sự suy giảm hoạt động xã hội nghề nghiệp hay các lĩnh vực quan trọng khác. Bệnh nhân thường có kèm theo các dấu hiệu trầm cảm và lo âu, rối loạn kéo dài trong sáu tháng.
Khó chữa
Rối loạn nghi bệnh thường khó điều trị, bệnh nhân thường từ chối nguồn gốc tâm lý là căn nguyên gây ra các triệu chứng bởi họ luôn tin mình mắc phải một bệnh lý nguy kịch nào đó. Việc phát hiện và điều trị phải do các nhà chuyên môn trong lĩnh vực tâm thần.
Liệu pháp tâm lý nhằm giúp bệnh nhân giải quyết các xung đột nội tâm hoặc tạo cảm giác thư giãn giúp kiểm soát các triệu chứng đau cũng như tình trạng lo âu. Các nhà tâm lý lâm sàng có thể triển khai liệu pháp nhận thức hành vi, thư giãn luyện tập với đối tượng bệnh nhân này và mang lại hiệu quả rõ rệt.
Việc điều trị bằng các thuốc giải lo âu và chống trầm cảm của các bác sĩ tâm thần tỏ ra có hiệu quả. Tuy nhiên mục đích của thầy thuốc là tạo sự hợp tác tốt với người bệnh. Tránh tình trạng đi khám quá nhiều nơi. Các xét nghiệm cần hạn chế, tránh gây hoang mang cho bệnh nhân và tránh các can thiệp khác.
Theo Lê Minh Công / Tuổi Trẻ
(BV Tâm thần T.Ư 2)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)