Y tế - Văn hóaThư giãn

Tin vào mấy tập sách này thà không mua còn hơn!

Tạp Chí Giáo Dục

Sách từ điển, sách giải đáp kiến thức cũng có không ít những cái sai, làm người đọc rất khó chịu vì tốn tiền mua sách mà lại phải đọc sách sai.

Tin vào mấy tập sách này thà không mua còn hơn!
6 cuốn sách sai kiến thức

Là một người hay đọc sách, tôi đọc khá nhiều loại sách nên cũng phát hiện khá nhiều “sạn” trong những cuốn sách mình đọc. Ở bài viết nhỏ này xin được chỉ ra một số lỗi khá lớn về kiến thức trong một số cuốn sách nổi tiếng.

1. Cuốn sách Nguyễn Thái Học (1902-1930)của tác giả Nhượng Tống do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Nhã Nam phối hợp ấn hành năm 2014 đã không viết thống nhất năm sinh của Nguyễn Thái Học.

Bốn bìa (hai bìa ngoài và hai bìa lót) và cả trong lời giới thiệu của nhà sử học Dương Trung Quốc đều viết Nguyễn Thái Học (1902-1930), tức mặc nhiên khẳng định Nguyễn Thái Học sinh năm 1902.

Tuy nhiên trong chương I, trang 11, cuốn sách trên lại viết “Cũng vì lẽ đó mà theo giấy tờ của nhà trường thì Nguyễn Thái Học sinh ngày mồng 1 tháng mười hai năm 1904. Kỳ thực thì anh tuổi Quý Mão (1903). Ngày sinh tháng đẻ hiện còn chưa được hỏi rõ”.

Vậy là bìa một đằng, ruột một nẻo. Không hiểu vì sao tác giả Nhượng Tống đã biết “Kỳ thực thì anh (Nguyễn Thái Học – NV) tuổi Quý Mão (1903)” mà lại còn lấy tên cuốn sách là Nguyễn Thái Học (1902-1930).

Và kỳ lạ hơn là người biên tập cuốn sách này, nhà văn Tạ Duy Anh, lại không phát hiện chi tiết trên. Nếu người biên tập muốn giữ nguyên văn của tác giả thì cũng cần phải có chú thích ở chân trang đó chứ?

2. Cuốn sách khá nổi tiếng Thuật tư tưởng của tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 1999, trang 60 có câu “Thuốc này cứu được 200 bệnh nhân, mà là 200 phần trăm (200/200)…”.

Không biết lỗi này của học giả Nguyễn Duy Cần hay do lỗi biên tập, lỗi đánh máy, chứ mấy ai mà không biết 200 phần trăm (400/200) còn 200/200 chỉ là 100 phần trăm.

3. Cuốn Từ điển Tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1977) có cách giải nghĩa từ xối xả rất lạ: “Xối xả – Nói ăn tiêu rộng rãi”.

Ăn tiêu rộng rãi phải là hào phóng chứ sao lại là xối xả?

Thật ra xối xả có nghĩa là “rất nhiều và với cường độ mạnh” (trang 1474, Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2010) mới đúng.

4. Cuốn Từ điển từ ngữ tầm nguyên rất nổi tiếng của tác giả Bửu Kế (Nhà xuất bản Trẻ, 2000), trong mục từ Thương Quân, trang 701 có câu “Về sau Ưởng bị ám sát”.

Bị ám sát là bị giết một cách bí mật, còn Thương Ưởng (Thương Quân) đâu có bị giết một cách bí mật.

Chúng ta hãy đọc lại một đoạn Sử ký của Tư Mã Thiên mô tả cái chết của Thương Quân:

 “Thương Quân sau khi trở lại nước Tần chạy về ấp Thương cùng bọn tôi tớ đem binh về hướng bắc đánh đất Trịnh. Tần đem binh đánh Thương Quân, giết y ở đất Trịnh. Tần Huệ Vương lấy xe xé xác Thương Quân để thị uy” (trang 338, Sử ký, Phan Ngọc dịch, Nhà xuất bản Văn Học, 2003).

Vậy là Thương Quân bị giết một cách công khai chứ đâu phải là bị ám sát như tác giả Bửu Kế viết. Chỉ tiếc rằng người biên tập không để ý và chú thích chi tiết này.

5. Trong cuốn sách rất nổi tiếng Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm của tác giả Huệ Thiên, do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2004 cũng có một lỗi sai khá lớn về kiến thức địa lý.

Trang 149 của cuốn sách trên có câu “Thí dụ: Núc không chỉ là âm xưa của Nậu trong Canh Nậu, Dị Nậu, nay thuộc ngoại thành Hà Nội, mà còn là âm xưa của cả Nậu trong tên của xã Dị Nậu, ở gần Tam Đảo, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay”.

Thực ra hiện nay không có xã Dị Nậu ở gần Tam Đảo, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, mà chỉ có xã Dị Nậu thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

Nghe nói cuốn sách này sắp được Nhà xuất bản Tổng Hợp TPHCM tái bản, hi vọng chi tiết sai này sẽ được sửa lại cho đúng.

6. Cuốn sách Almanac Kiến thức văn hóa – giáo dục của tác giả Trần Mạnh Thường, do Nhà xuất bản Văn Hóa – Thông Tin ấn hành năm 2005 cũng là cuốn sách có những sai sót trầm trọng về kiến thức.

Trang 589 của cuốn sách trên, tác giả có viết: “Chuông nguyện hồn ai, tiểu thuyết của A.N. Tolstoi (Tônxtôi), Liên Xô”.

Thực ra rất nhiều người biết Chuông nguyện hồn ai là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Ernest Hemingway (Mỹ), tác giả đã giành giải Nobel văn học với tác phẩm Ông già và biển cả.

Thật không thể ngờ rằng tác giả viết sách lại nhầm lẫn kiến thức lớn như vậy.

Trang 599 của cuốn sách này có viết: “Tam quốc chí của La Quán Trung, Trung Quốc (thế kỷ IV)”. Đây là một sự nhầm lẫn rất nghiêm trọng vì Tam quốc chí là tác phẩm của Trần Thọ (thế kỷ thứ III), còn Tam quốc diễn nghĩamới là tác phẩm của La Quán Trung (thế kỷ thứ XIII).

Đối với mỗi nhà xuất bản, việc làm sách kỹ lưỡng, có chất lượng cao cả về nội dung và hình thức chính cách tạo thương hiệu cho mình và cũng là cách tôn trọng độc giả.

Đối với độc giả khi đọc sách hãy nhớ câu “Tận tín thư bất như vô thư – Tin tất cả vào sách chẳng thà không có sách còn hơn – mà Mạnh Tử đã cảnh báo từ hơn 2.000 năm trước.

Một điều đáng nói là ngày nay, việc xuất bản sách rất thuận lợi vì kỹ thuật hiện đại nhưng lại rất hay mắc sai sót, đặc biệt là rất ít sách có bản đính chính những sai sót kèm theo.

Phải chăng công nghệ làm sách phát triển nhưng không ít người làm sách thiếu năng lực và trách nhiệm nên sách còn sai sót nhiều?

Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần rà soát, chấn chỉnh và xử lý (nếu vi phạm nghiêm trọng) các nhà xuất bản để việc xuất bản sách trở nên lành mạnh và ít sai sót.

Đồng thời yêu cầu các nhà xuất bản bắt buộc phải có bản đính chính sách khi phát hiện sai sót sau khi in rồi mới cho phát hành.

Tin vào mấy tập sách này thà không mua còn hơn!
200 phần trăm là 200 trên 200
Tin vào mấy tập sách này thà không mua còn hơn!
Chuông nguyện hồn ai của A.N.Tolstoi
Tin vào mấy tập sách này thà không mua còn hơn!
Dị Nậu ở gần Tam Đảo (Vĩnh Phúc)
Tin vào mấy tập sách này thà không mua còn hơn!
Nguyễn Thái Học sinh năm 1903
Tin vào mấy tập sách này thà không mua còn hơn!
Tam quốc chí của La Quán Trung
Tin vào mấy tập sách này thà không mua còn hơn!
Vệ Ưởng bị ám sát
Tin vào mấy tập sách này thà không mua còn hơn!
Xối xả là ăn tiêu rộng rãi
 

TRẦN SƠN/TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)