Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tình ảo trên phây

Tạp Chí Giáo Dục

Chưa bao giờ mạng xã hội lại được thiên hạ sử dụng nhiều như hiện nay. Thôi không nói đến công dụng của nó, báo chí đã đề cập nhiều rồi.

Chỉ biết rằng sự giao tiếp qua mạng xã hội đã cho hiệu quả và cả… hậu quả đa chiều với nhiều người cười đồng thời cũng có vô số người ôm hận.

Tình ảo trên phây

Được bạn, được vợ nhờ “phây”
Người viết có anh bạn là giám đốc một công ty du lịch tư nhân ở TP.HCM. Anh này vui tính, muốn biết anh ta đang ở đâu trên thế gian này, chỉ cần lên Facebook bởi anh có thói quen đi tour đến bất cứ nơi nào, nội địa hay hải ngoại, cũng đều “thảy” hình lên Facebook. Trước hết là để cho vợ con biết mình đã đến nơi an toàn, sau nữa là khỏi tốn tiền gọi điện thoại và cũng thay thế cho cả email. Hình thức giao lưu trên mạng như thế này nhanh như tên lửa, rất thú vị. Bạn bè thấy vậy cũng “nhào vô” viết ngắn gọn những lời chúc mừng, vui vẻ cả làng. Nhờ Facebook, bạn tôi có thêm nhiều “chiến hữu” tâm đầu ý hợp.
Không chỉ kết bạn, nhờ Facebook mà thậm chí có người còn tìm được “một nửa kia” của mình. Một đồng nghiệp là biên tập viên của một tờ báo lớn ở VN, cách đây nhiều năm, cô này cũng “chơi” Facebook và quen anh chàng nọ cùng trang lứa. Không vội tin vào dung nhan và “những lời có cánh” trên thế giới ảo, cô biên tập viên gợi ý hai đứa nên face to face (mặt đối mặt) ở thế giới thực. Cô này vốn có tính cẩn trọng. Thế là hai người gặp nhau. Không chỉ một lần mà nhiều lần sau đó, cả hai rủ nhau đi cà phê, ăn uống, xem ca nhạc… và dắt về nhà giới thiệu với bố mẹ hai gia đình. Một ngày đẹp trời nọ, họ mời tôi dự đám cưới.
Từ lúc quen nhau trên mạng đến khi nên duyên vợ chồng, thời gian tìm hiểu kéo dài 5 năm. Chẳng có “ông mai bà mối” nào cả, chính Facebook đã tác hợp cho họ đến giờ đã có 2 cháu nhỏ.
Vỡ mộng cuộc tình
Nên duyên vợ chồng như câu chuyện vừa kể chắc không hiếm. Tuy nhiên, cũng tin vào Facebook, có người lại ôm hận suốt đời.
Chị này mang một cái tên gợi nhớ xứ Huế mộng mơ: Hương Giang, có thâm niên trong ngành du lịch. Hương Giang đã có gia đình và 1 đứa con. Do cuộc sống hôn nhân trục trặc, hai vợ chồng đành phải ly dị, bán căn nhà đâu được 3 tỉ đồng, chia hai, mỗi người tự lo cuộc sống riêng, Hương Giang nhận nuôi con.
Cũng thông qua Facebook, Hương Giang làm quen với một gã tự xưng là Robert, người Mỹ, độc thân, đang làm việc cho một công ty đa quốc gia ở Singapore, muốn cưới vợ VN. Đây có lẽ là “thiên định”, Hương Giang nghĩ vậy, thế là hai người liên tục trao đổi thông tin, hứa hẹn kết hôn và nhìn thấy mặt nhau qua… máy tính. Một ngày nọ, Robert cho biết mẹ mình đang ốm nặng mà nhà thì không đủ tiền chi viện phí, nên nhờ Hương Giang giúp đỡ. Không ngần ngại giúp “gia đình chồng tương lai”, Hương Giang mang tiền đi đổi sang ngoại tệ rồi gửi vào tài khoản cho gã lạ mặt kia, lần đầu vài ngàn USD. Vẫn với điệp khúc “mẹ anh ốm nặng”, Robert kêu gào thảm thiết và Hương Giang tiếp tục gửi tiền sang. Đến khi số tiền 1,5 tỉ đồng (từ cuộc ly hôn) gần cạn mà thủ tục kết hôn và bảo lãnh qua Mỹ chưa có dấu hiệu gì tiến triển, Hương Giang linh cảm điều gì đó bất ổn nên bộc bạch cho bạn bè biết, nhờ tư vấn.
Có người “tham mưu” là hãy nói với Robert rằng con của mình chuẩn bị vào năm học mới mà nhà thì hết tiền, Robert có thể cho Hương Giang mượn lại chút ít tiền được không? Bên kia im lặng. Bạn khác thì mách cho Hương Giang thử lòng anh chàng kia bằng cách mời anh ta sang VN chơi ít hôm, làm quen với họ hàng, người thân và cũng nhằm face to face. Từ Singapore qua Sài Gòn chẳng xa xôi gì, ngồi máy bay khoảng tiếng rưỡi là đến. Hôn nhân là chuyện hệ trọng, sá gì một chuyến bay ngắn! Bên kia im lặng. Một bạn khác nhắn với Hương Giang rằng hãy lên Google gõ chữ “Lừa tình qua mạng”, đọc xem người ta viết cái gì, để nhìn nhận một cách nghiêm túc chuyện đang diễn ra của bản thân mình. Kể từ dạo đó, Hương Giang cũng… im lặng như gã Robert ảo kia, không muốn giao du với ai nữa, nỗi sầu chồng chất. Tiền đã ném qua cửa sổ mà tình thì vĩnh viễn không bao giờ có thực trong quãng đời khổ đau còn lại, đó cũng từ Facebook mà ra.
Anh chàng Robert đã đánh trúng tâm lý “giấc mơ Mỹ” của một số người nhẹ dạ, cả tin. Nếu đọc báo bạn sẽ thấy trường hợp bị lừa tình như Hương Giang nhiều vô số kể. Nhưng lừa tình chưa phải là duy nhất, lừa tiền trên Facebook cũng nhiều như cỏ dại.
Món quà hậu hĩnh
Không “keo kiệt” như gã Robert vừa nêu, một anh chàng có tên Dragan Covic quen biết chị Phùng Lan Hương (ngụ Hà Nội) cũng qua Facebook. Sau thời gian ngắn làm quen, Dragan nhờ Hương nhận khoản tiền 600.000 USD cất trong kiện hàng gửi tặng cho riêng chị. Tháng 5.2015, chị Hương nhận được cú điện thoại của một phụ nữ tự xưng là nhân viên hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất yêu cầu nộp tiền để nhận kiện hàng do trong thùng có lượng lớn ngoại tệ không khai báo. Tin lời, chị Hương 2 lần chuyển vào tài khoản của Ellina Maulad Mahather, quốc tịch Malaysia, mở tại Ngân hàng A., tổng số tiền 168 triệu đồng. So với 600.000 USD (tương đương 13 tỉ đồng vào thời điểm tháng 5.2015) thì số tiền mà chị Hương chuyển cho tài khoản nọ chẳng thấm vào đâu so với “món quà tặng” quá sức hấp dẫn mình sắp nhận. Trên thực tế, đó là một thùng hàng ảo, không hiện hữu trên thế gian này.
Đọc đến đây chắc nhiều người trách cho sự nhẹ dạ, cả tin của chị Hương. Nhưng thật đáng tiếc, chị Hương chưa phải là “con mồi” duy nhất. Cũng với thủ đoạn thùng hàng ảo giá trị lớn gửi tặng những người bạn quen biết trên Facebook, gã Dragan đã lừa thêm nhiều người nữa ở VN, với tổng số tiền gần 2 tỉ đồng trong thời gian từ 19.3 – 12.6.2015. Cơ quan chức năng VN đã tiến hành xác minh và cho biết tất cả số tiền chuyển vào tài khoản nói trên đều đã được ai đó rút sạch tại các trụ ATM ở Malaysia.
Ông bà ta có câu “chọn mặt gửi vàng”. Câu này luôn đúng theo mọi thời. Với hai mặt của mạng xã hội, chúng ta cần tỉnh táo để “gửi vàng” cho gương mặt đáng tin cậy đồng thời tránh phải trả giá cho sự cả tin, ấu trĩ, thiếu hiểu biết. Mặt đối mặt còn chưa chắc tin, huống hồ gì đó là những gương mặt ảo!

Đoàn Xuân Hải (TNO)

 

Bình luận (0)