Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tình bạn lớn dần thành tình yêu

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là câu chuyện tình dễ thương lãng mạn của thầy giáo trẻ  Đỗ Vũ Ngọc Trung, Tổ trưởng Tổ vật lý của Trường THPT Thủ Đức (Q.Thủ Đức, TP.HCM) với bà xã vốn là cô bạn hàng xóm.

Vợ chồng thầy Trung mừng sinh nhật một tuổi của con trai

Thầy giáo trẻ và cô bạn hàng xóm

Thầy giáo Đỗ Vũ Ngọc Trung sinh ra trong gia đình quê gốc ở Tiền Giang lớn lên tại TP.HCM. Cảm nhận được hoàn cảnh gia đình khó khăn nên thầy Trung luôn cố gắng đạt thành tích cao trong học tập để không phụ lòng mong đợi của ba mẹ. Thầy Trung thi đậu vào Khoa Vật lý Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Ra trường, thầy Trung về giảng dạy tại ngôi trường THPT Thủ Đức. Bên cạnh việc dạy lý thuyết, trong những buổi học thực hành, thầy Trung còn hướng dẫn cho học sinh của mình làm các mô hình để ứng dụng bài đã học như xe chuyển động bằng phản lực, con lật đật, tha kim nổi trên mặt nước… Trong quá trình dạy, thầy đã có 2 đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng: “Ứng dụng đường tròn lượng giác nâng cao hiệu quả giải các bài toán dao động điều hòa môn vật lý 12” và “Sử dụng máy tính Casio nâng cao kết quả học tập môn vật lý 12” đạt hiệu quả cao.

Ngay từ nhỏ, thầy Trung chơi rất thân với cô bạn Nguyễn Hà Thanh Hằng hàng xóm gần nhà. Năm 2008, hai người chính thức hẹn hò.

Sau ba năm du học, năm 2012 cô Hằng về nước, một năm sau đó, hai người quyết định đi đến hôn nhân trong sự chúc phúc của người thân và bạn bè. Năm 2014, họ đón cậu quý tử đầu lòng Đỗ Minh Khoa.

Khi nhắc tới vợ mình, thầy Trung tâm sự: “Cô ấy là người rất chung thủy, mới quen nhau chưa đến hai tháng là đi du học, mặc dù gia đình có định hướng cho cô ở lại nước Úc vì có tương lai hơn, nhưng cô vẫn quyết tâm trở về với tôi”.

Cùng nhau xây dựng mái ấm hạnh phúc

Thầy Trung nhận giấy khen của Thành đoàn TP.HCM dành cho “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” 2 năm liên tục 2011 và 2012

Vì là một thầy giáo và cũng là một người cha nên thầy Trung cũng chia sẻ với nhiều bậc phụ huynh khác về cách dạy con của mình: “Trẻ em như trang giấy trắng, đó là điều ông bà hay nói xưa kia, nhưng ngày nay khoa học cũng chỉ ra rằng trang giấy ấy có cảm xúc, có nhận thức rất tốt ngay từ những năm tháng đầu đời. Vì vậy, quan niệm của tôi là cho bé sự trải nghiệm nhiều nhất với thế giới “vật chất” khi còn nhỏ chứ không phải là thế giới ảo. Ngày nay, vì nhiều lý do thế giới ảo đang dần chiếm gần hết thời gian của thế giới thực. Và điều này khiến con người ta dần dần không định trước lệ thuộc vào những giá trị ảo. Trẻ em được cho chơi các thiết bị điện tử để dụ ăn, dụ chơi và dụ học. Hay các bạn trẻ lên mạng xã hội hàng giờ mà quên ăn quên ngủ, không nhìn thấy những điều thú vị quanh mình. Tôi muốn con mình sẽ tránh được điều này, sẽ không lệ thuộc vào thế giới ảo. Và điều này sẽ được xây dựng khi cháu bé được giáo dục tình yêu thiên nhiên, yêu lao động và yêu sách. Tôi cũng mong là các bậc phụ huynh khác nên dành thời gian quan tâm con cái, dạy con mình sống và làm việc có ích hơn. Và ngay chính bản thân các bạn hãy đọc sách, hãy tìm ra đam mê và lĩnh vực mình yêu thích, đừng dành quá nhiều thời gian cho thế giới ảo”.

Khi được hỏi bí quyết giữ gìn gia đình hạnh phúc của mình, cô Hằng chia sẻ: “Trong cuộc sống gia đình, để giữ được hạnh phúc thì người vợ hay người chồng phải xem người bạn đời của mình là số một. Vì người bạn đời là người chung sống với chúng ta gần như 2/3 cuộc đời. Nếu không trân trọng lẫn nhau, khi chỉ sống với nhau trong trách nhiệm với con cái, bố mẹ, cuộc sống thì rất dễ xảy ra rạn nứt trong tình cảm vợ chồng. Và khi “giọt nước tràn ly” thì chỉ cần những bất đồng rất nhỏ cũng không cứu chữa được. Khi xem nhau là số một, vợ chồng sẽ luôn có một người tri kỷ để chia sẻ mọi điều trong cuộc sống, để cùng nhau bước tiếp vì được tiếp sức, vì người này luôn xem niềm vui của người kia là động lực trong những hành động, suy nghĩ của mình. Hạnh phúc như vậy sẽ  vững bền hơn qua từng ngày. Tôi và anh Trung đang rất hài lòng với hạnh phúc hiện tại mà chúng tôi đang có”.

Bài, ảnh: Huyền Trân

Bình luận (0)