Hội nhậpThế giới 24h

Tình báo Mỹ phản pháo Nhà Trắng

Tạp Chí Giáo Dục

Cộng đồng tình báo Mỹ cảm thấy bị bỏ rơi và giận dữ khi chính quyền Tổng thống Barack Obama tìm cách tránh xa những rắc rối hiện nay

Nhà Trắng hôm 28-10 thừa nhận cần phải hạn chế hoạt động của các cơ quan tình báo để bảo vệ quyền riêng tư giữa lúc Mỹ đang bị chỉ trích mạnh mẽ vì hoạt động do thám của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA).
Giọng điệu hòa giải
Ông Jay Carney, người phát ngôn Nhà Trắng, nói: “Với những khả năng mới có được, chúng tôi nhận thấy cần có thêm sự kiềm chế về cách thức thu thập và sử dụng tin tình báo”. Ông Jay cho biết Nhà Trắng đang cho xem xét các khả năng do thám của Mỹ và dự kiến hoàn tất vào cuối năm. Ông cũng trấn an các đồng minh khi khẳng định những thông tin mà tình báo Mỹ thu thập chỉ được dùng cho mục đích an ninh chứ không sử dụng trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.
Đại sứ quán Mỹ tại Berlin bị nghi là nơi đặt cơ sở nghe lén điện thoại
các quan chức chính phủ Đức Ảnh: REUTERS
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice viết trên mạng xã hội Twitter rằng Washington đang tìm kiếm “một sự cân bằng thích hợp” giữa bảo vệ an ninh và sự riêng tư. Một quan chức cấp cao cho hãng tin AP biết chính quyền Tổng thống Barack Obama đang xem xét chấm dứt hoạt động do thám nguyên thủ các nước đồng minh. Tuy nhiên, chưa có quyết định cuối cùng về vấn đề này bởi cuộc kiểm tra nội bộ vẫn đang diễn ra.
Giọng điệu hòa giải nêu trên được đưa ra khi chính quyền Tổng thống Barack Obama chuẩn bị gặp các quan chức của Nghị viện châu Âu và Đức. Trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng trước thềm cuộc gặp, thượng nghị sĩ Diane Feinstein, Chủ tịch Ủy ban Tình báo thượng viện, khẳng định bà phản đối việc do thám lãnh đạo các nước. Trung Quốc cũng thúc giục Liên Hiệp Quốc đi đầu trong việc soạn thảo bộ quy tắc ứng xử trên không gian ảo để bảo đảm internet là một nơi thông thoáng và an toàn.
Nội bộ rạn nứt
Không chỉ gây căng thẳng với các đồng minh, hoạt động do thám còn làm rạn nứt nội bộ nước Mỹ. Báo Los Angeles Times hôm 28-10 dẫn lời các quan chức đương nhiệm và đã về hưu của giới tình báo Mỹ khẳng định chính Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao bật đèn xanh cho họ nghe lén nguyên thủ các nước đồng minh. Vì thế, họ đang cảm thấy bị bỏ rơi và giận dữ khi chính quyền ông Obama tìm cách tránh xa những rắc rối này. Một quan chức nói: “Nhiều người đang phẫn nộ. Nhà Trắng đang chính thức cô lập cộng đồng tình báo”.
Giới tình báo Mỹ cũng bác bỏ thông tin của báo The Wall Street Journal hôm 28-10. Theo đó, Nhà Trắng chỉ biết về chương trình do thám 35 nhà lãnh đạo thế giới của NSA vào mùa hè qua và ra lệnh chấm dứt nó. Một quan chức giấu tên cho biết bất kỳ quyết định do thám lãnh đạo nước ngoài nào cũng đều dựa trên những đánh giá về rủi ro chính trị của Bộ Ngoại giao. Những tin tình báo thu thập được sau đó đều gửi đến các quan chức Nhà Trắng, trong đó có bà Lisa Monaco – cố vấn về chống khủng bố của ông Obama.
Đức “nên bảo vệ Snowden”
Phóng viên Mỹ Glenn Greenwald hôm 28-10 thúc giục Đức bảo vệ “người thổi còi” Edward Snowden bởi nước này hưởng lợi nhiều từ những tiết lộ của anh ta. Trả lời phỏng vấn đài ARD (Đức), ông Greenwald cho rằng quy mô do thám của NSA, trong đó có việc nghe lén điện thoại Thủ tướng Đức Angela Merkel, sẽ không bị phơi bày nếu không có thông tin rò rỉ từ Snowden.
Trong một diễn biến liên quan, cảnh sát Đức đã điều một trực thăng tới chụp ảnh nóc tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Berlin để điều tra cáo buộc do thám. Động thái này diễn ra sau khi có tin Mỹ dùng nơi này làm cơ sở nghe lén điện thoại của các quan chức chính phủ Đức.
Theo NLĐ
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)