Y tế - Văn hóaThư giãn

Tính cách người Sài Gòn xưa và nay…

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Đ Văn Út vi hơn 20 năm sa vá xe min phí cho ngưi khuyết tt ti đu hm 96, đưng Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhun, TP.HCM). Ti đây, anh Út còn đt bình trà đá min phí cho ngưi đi đưng ung. Ảnh: T.Tri

1. “Đại Nam nhất thống chí”, phần tỉnh Gia Định, viết về người của tỉnh này như sau: “Tục chuộng khí tiết, trọng nghĩa khinh tài, sĩ phu ham đọc sách nhưng chỉ cốt hiểu rõ nghĩa lý mà vụng về văn từ. Nông dân siêng năng khi khởi công gieo cấy, nhưng sau lại ít hay bón xới, cứ để tùy theo thiên thời được mất mà thôi. Bách công kỹ nghệ thô sơ, đồ dùng tuy vụng mà bền, hay dùng đồ ngoại hóa. Nhà buôn lớn đều là người nước ngoài đến, người bản xứ chỉ buôn bán nhỏ, đem chỗ nhiều đến bán chỗ ít kiếm lời đủ tiêu dùng hàng ngày thôi. Đất lắm sông rạch nên nhiều người biết bơi. Người đến ở đủ cả bốn phương, mỗi nhà đều có tục lệ. Dân ở thôn dã thì chất phác, dân ở thị thành thì du đãng. Tang chế, hôn nhân có người giữ theo lễ chế, mà cũng có người bắt chước làm theo đạo Phật. Còn như lễ tiết cuối năm, Nguyên đán, ngày mồng 5 tháng 5, thờ cúng tổ tiên, cho đến tiệc mừng sinh nhật, ngày thưởng giai tiết đại khái các tỉnh Nam kỳ cũng giống nhau cả”.

Từ nhận xét đó của “Đại Nam nhất thống chí” có thể thấy, tính cách người Sài Gòn và nếp sinh hoạt, cách sống mang nhiều đặc trưng của người Nam kỳ xưa. Đó là sự phóng khoáng, ít câu nệ phép tắc, ít chuộng việc tích lũy để làm giàu mà cốt đủ sống, đồng thời linh hoạt, dễ thích nghi và dung hợp…

Người Sài Gòn thực chất là người của rất nhiều vùng miền, nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo, với những nét văn hóa riêng, hội tụ ở vùng đất này và gần như bộc lộ những điểm vừa là tinh túy nhất của họ, vừa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, sản vật tại chỗ. Chuộng khí tiết, trọng nghĩa khinh tài, ham đọc sách, siêng năng, sản xuất đồ đạc thì bền, biết giữ gìn lễ giáo… chính là những nét tinh hoa về phẩm chất con người. Đây là điều rất thú vị, bởi dân Sài Gòn gần như là người “tứ chiếng” (đúng là người “đủ cả bốn phương”), “phức tạp”, bởi phần nhiều xuất thân từ dân nghèo bỏ xứ đi khai hoang, một số là người thích phiêu lưu, một số khác là “chạy trốn” các chính quyền, trong đó có cả người bị lưu đày, người nước ngoài… Ban đầu, rất ít những người có học thức cao, có của cải, có địa vị… mà chịu đến với nơi “rừng thiêng nước độc” này. Những người đến đây mang trong mình những nét đặc sắc trong văn hóa của xứ sở họ, gặp người lạ thì nương nhau mà sống, tính dung hợp cao mà tính cạnh tranh thấp, nên thường “khoe” những phẩm chất tốt nhất của bản thân, của dân tộc hay quê hương mình.

Còn “vụng văn từ”, “tùy theo thiên thời”, “chỉ buôn bán nhỏ”, “hay dùng đồ ngoại hóa”, “nhiều người biết bơi”… là những đặc điểm thích nghi với đất, với người, với điều kiện vốn có của nơi ở. Ở vùng đất mới, sản vật dồi dào, cá dưới sông có thể lấy rổ mà vớt, rau mọc dại có thể thò tay mà bứt, cây trái mọc hoang có thể hái tùy ý, chỉ cần bỏ chút công sức có thể tìm được cây lá để cất nhà, tìm được đay để se chỉ dệt vải… Mùa nào thức ấy, không lo thiếu, không cần phải dự trữ, cũng không cần lo làm giàu, bởi gần như mọi thứ đều có sẵn, có thể tìm thấy bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu… Họ sống thực tế, ít chuộng hình thức, không sính chữ nghĩa, bằng cấp. Trong khi đó, ở vùng sông nước, dĩ nhiên phải tập bơi xuồng, lội sông để tiện đi lại, sinh hoạt. Và, ở vùng có đông người các dân tộc đến sinh sống, là nơi giao lưu, hội tụ, việc tiếp thu, dung nạp những cách sống, những sản vật, hàng hóa trở nên rất bình thường; sau này việc tiếp thu và phát triển các luồng tư tưởng mới cũng rất dễ dàng…

2. Người Sài Gòn xưa sống chan hòa, thuần phát như thế. Việc làm giàu, buôn bán lớn để mặc cho người nước ngoài thực hiện, không cần cạnh tranh, bởi dân ta ở đây gần như không có nhu cầu. Miễn sao sống hòa thuận, giúp đỡ nhau, cùng nhau chống thiên tai địch họa, đúng tinh thần trọng nghĩa khinh tài. Ở góc nhìn đó, nói người thành thị là “du đãng” thì không có nghĩa họ là những kẻ “lưu manh”, “côn đồ”, “du thủ du thực”, theo kiểu “đá cá lăn dưa” hay “đầu trộm đuôi cướp”. Đó là kiểu sống linh hoạt, khí khái, pha chút ngang tàng, phóng túng. Bởi vậy, trong câu chuyện thầy Thông Chánh giết chết tên biện lý người Tây Jaboin vì tên này dụ dỗ vợ thầy rồi can đảm đầu án để nhận lấy cái chết, người đời đã hết lời ca ngợi: Thầy Thông lanh lẹ cực kỳ/ Bắn quan biện lý tức thì mạng vong/ Phủ Hơn thấy hắn thấy kinh/ Nắm tay Thông Chánh giựt liền súng đi… Chưa vội đặt yếu tố yêu nước ở đây, ngay cả chuyện “trừng trị” kẻ “gian phu” cũng đủ cho thấy khí khái của người Sài Gòn xưa… Còn một tính cách đặc sắc nữa của người Sài Gòn, đó là sẵn sàng xả thân vì nghĩa. Chuyện nông dân, người nghèo theo Quản Hớn, Nguyễn An Ninh, Phan Xích Long… là “quốc sự” không chỉ vì lòng yêu nước mà còn vì cái nghĩa với đồng bào, với cá nhân các thủ lĩnh. Còn trong dân gian, chuyện Thủ Huồng sau chuyến xuống âm phủ khi trở lại trần gian đã làm nhiều việc bố thí, tích đức. Từ Đồng Nai về Gia Định, đường sông Đồng Nai và sông Sài Gòn lúc đó còn hoang vắng, ghe thuyền lỡ con nước phải dừng lại, không có quán xá, chợ búa, nên Thủ Huồng quyết định ở lại và kết một cái bè lớn, trên bè dựng nhà, đủ chỗ nghỉ, có sẵn nồi niêu, đồ dùng, gạo củi và mắm muối… Ông ta còn cho họ tạm trú trên bè năm ba ngày mà không nhận tiền của ai, mãi cho đến ngày chết… Đó là sự tích đất Nhà Bè ngày nay. Đó cũng là chuyện phục thiện, phản tỉnh của những người có lúc vì cái danh, cái lợi mà bỏ qua cái thiện, cái nghĩa, vốn rất phổ biến ở vùng đất Sài Gòn nói riêng và Nam bộ nói chung. Nhưng trong sâu xa, đó là tinh thần chuộng nghĩa, hết lòng vì đồng bào của người Sài Gòn xưa…

3. Hiện nay, về cơ bản, người Sài Gòn – TP.HCM vẫn giữ những nét riêng về tính cách. Đó là tinh thần trọng nghĩa, mà hiện được khái quát thành đặc điểm “nghĩa tình” (trong công tác xã hội – từ thiện, trong giúp đỡ lẫn nhau của người dân trong cộng đồng, đến độ được gọi chung là “người Sài Gòn ưa làm việc thiện” hay “người Sài Gòn tử tế”…); đó là tinh thần tiên phong, đi đầu trong rất nhiều hoạt động (như phong trào xóa đói giảm nghèo, bóng đá nữ, đua xe đạp, xây dựng khu phố văn hóa…); đó là linh hoạt trong việc dung nạp các luồng tư tưởng, các lối sống mới, các hoạt động mới (thành phố là nơi đầu tiên trong cả nước “xé rào”, “bung ra”, làm cơ sở cho những đổi mới của Đảng ít năm sau đó)…

Vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X có nêu: “Xây dựng môi trường văn hóa để con người phát triển toàn diện; nghiên cứu, phát huy đặc trưng, tính cách con người thành phố trong đặc điểm chung của con người Việt Nam. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, các giá trị văn hóa mang nét đặc trưng của nhân dân thành phố”. Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, hàm ý có thể so sánh với hệ thống chung về một thành phố sống tốt của các đô thị trên thế giới, đồng thời mang nét đặc trưng riêng của thành phố là đậm tính nhân văn. Phải chăng những nét đặc trưng đó xưa cũng như nay đều thống nhất nhau, chỉ có những thay đổi về cách biểu hiện cho phù hợp với điều kiện cụ thể của thời kỳ mới?

Trnh Minh Giang

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)