Tòa soạnThư đi – tin lại

Tình cảm giúp trẻ rời xa thế giới ảo

Tạp Chí Giáo Dục

Các “game thủ” đang vui chơi tại lớp “cai nghiện” GO. Ảnh: H.Tr

Theo thống kê của Tổ chức OIC (Online Information and Consulting Servive), Việt Nam có khoảng 20,2 triệu người sử dụng internet (chiếm 23,5% dân số), trong đó có tới 4 triệu người dùng internet để chơi game. Không ít trong số đó đã trở thành “con nghiện”, họ có thể chơi 5-6 tiếng/ngày, thậm chí 2-3 ngày liên tục…
Tiếp xúc với các “game thủ”, tôi nhận thấy trước khi vướng vào game online (GO) các em rất thông minh, học giỏi. Khi đã trở thành tín đồ của game, các em học hành sa sút, một số em còn bỏ học. Vì tiếp xúc với thế giới ảo quá nhiều nên các em sống xa rời thực tế. Nguy hiểm hơn cả là nhiều em trở nên vô cảm, không còn tình thương đối với gia đình, bạn bè. Riêng về sức khỏe thì quá tệ, hầu như em nào cũng gầy còm ốm yếu, mặt mũi hốc hác vì thiếu ăn, thiếu ngủ…
Về phía các ông bố, bà mẹ, khi phát hiện con, cháu mình “nghiện game”, họ có chung một tâm trạng là tuyệt vọng và chán nản. Có phụ huynh tâm sự với tôi là đã “xích con như xích chó” nhưng rốt cuộc quí tử của ông vẫn không thoát khỏi ma lực của GO. Một bà mẹ cũng cho biết, sau nhiều lần khuyên bảo nhẹ nhàng, đánh đập mà đứa con vẫn cứ bỏ học đi chơi game. Có lần bà đã đứng trên lầu và nói với con: “Nếu con không bỏ GO thì mẹ sẽ nhảy lầu tự tử” nhưng đứa con vẫn chứng nào tật nấy…
Có thể nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng “nghiện” game của giới trẻ là sự thiếu quan tâm của gia đình. Chẳng hạn như trường hợp của Đ. ở Đà Nẵng. Trước khi trở thành “game thủ”, Đ. học rất giỏi. Đ. học THPT tại trường chuyên của tỉnh, sau đó trở thành sinh viên của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM (Khoa Công nghệ thông tin). Năm thứ 1, kết quả học tập của Đ. đạt loại giỏi. Sang năm thứ 2, Đ. bắt đầu chơi game, rồi “nghiện”, cuối cùng thì bỏ học. Phải đến hai năm sau, gia đình của Đ. ở Đà Nẵng mới biết. Trường hợp của bà Th. (Q.Tân Bình) là giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Do chồng bị bệnh nặng nên bà dành hết thời gian chăm sóc chồng và ít quan tâm đến đứa con trai. Sau nhiều lần bị bạn bè rủ rê, con trai bà Th. nhanh chóng trở thành “game thủ”. Đặc biệt có trường hợp cụ Ph. (Q.Bình Thạnh) gần 80 tuổi rồi mà vẫn phải lặn lội tới trung tâm đăng ký học cho cháu. Cụ Ph. kể, sau khi ly hôn, con gái cụ bỏ lại đứa con cho mẹ nuôi rồi đi lấy chồng khác. Thiếu sự yêu thương, chăm sóc của cha mẹ nên thằng cháu của cụ sa đà vào thế giới ảo để quên đi cuộc sống hiện tại…
Từ thực tế cho thấy “nghiện” GO còn nguy hiểm hơn cả nghiện ma túy. Bởi pháp luật Việt Nam nghiêm cấm việc tàng trữ, buôn bán và sử dụng ma túy. Theo đó, những người nghiện ma túy đều bị đưa vào trại cai nghiện; những kẻ buôn bán, tàng trữ ma túy đều phải vào tù. Nhưng GO thì không ai cấm mà hoạt động công khai. Hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nhà sản xuất vẫn ra rả quảng cáo những game mới với lời lẽ vô cùng hấp dẫn; các tiệm internet mọc lên như nấm; thỉnh thoảng người ta còn tổ chức các cuộc so tài cao thấp giữa các “game thủ”…
Để góp một phần sức lực vào việc hạn chế những tác hại của GO, Trung tâm Văn hóa Thể thao Thanh thiếu niên miền Nam (VHTTTTNMN) đã mở lớp “Cai nghiện GO và sử dụng internet có ích”. Từ năm 2008 đến nay, trung tâm đã tổ chức được 3 lớp cai nghiện GO với 74 học viên tham gia.
Tại lớp “cai nghiện” GO, thông qua hoạt động làm bánh, giặt và ủi áo để tặng cho các em nhỏ ở mái ấm, nhà mở giúp các “game thủ” nhận ra giá trị của bản thân. Và khi tham gia những trò chơi vận động như “Chui địa đạo tiếp sức”, “Chuyển chanh bằng muỗi”, “Trồng tháp mười”, “Bịt mắt xây nhà” đánh thức tình cảm tương thân, tương ái của các em. Với “Hộp cảm xúc”, các em được nói lên những điều ước, những yêu cầu của bản thân, qua đó phụ huynh hiểu hơn về con, em mình và có cách chăm sóc, giáo dục phù hợp. Không chỉ có vậy, các học viên còn vào chùa để thiền, tham gia sinh hoạt cùng bộ đội ở các doanh trại quân đội. Kết quả, sau khóa học, hầu hết các em đã kiểm soát được thời gian chơi game, thậm chí có nhiều em từ bỏ luôn GO…
Trần Thị Kim Liên
(Phó giám đốc Trung tâm VHTTTTNMN)

Cha mẹ ở nhà nên gần gũi hơn với con cái, phải đối xử thật lòng với các em. Bởi, từ những bức thư trong “Hộp cảm xúc”, tôi nhận ra thứ mà các em cần không phải là cái gì đó quá cao siêu mà đơn giản chỉ là mỗi ngày được ăn cơm với cả cha lẫn mẹ, hay thỉnh thoảng được ba chở đi chơi, đưa rước tới trường…

 

Bình luận (0)