Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tình cảm thầy trò: mứt nào thì vừa?

Tạp Chí Giáo Dục

Trước đây, mối quan hệ thầy trò có một khoảng cách lớn, nhưng nay mối quan hệ đó đã rút ngắn lại rất nhiều, thầy và trò cùng cởi mở hơn, thân thiện hơn, đặc biệt là khi giờ đây, môi trường giáo dục đang xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Điều này không chỉ tạo nên một môi trường học tập thuận lợi, thoải mái, giúp học sinh học tập tốt hơn mà tình cảm thầy trò cũng gần gũi, dễ chịu hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là nên thân thiết như thế nào và nên dừng ở mứt nào thì vừa?.
Thân quá… bị nghi kị
Thấy Phương Lam, trường THPT Dân lập Trần Quốc Toản, Q.6, tự nhiên hay đến nhà thầy, một nhóm học sinh trong lớp bỗng xôn xao “Chắc Lam muốn tiếp cận thầy để kiếm điểm”. Còn Thanh thì lúng túng không biết trả lời năm chục cặp mắt trong lớp thế nào khi các bạn thấy sáng nào Thanh cũng đón giúp con cô giáo đi học và đưa về. Trong ngày 20/11, tại trường THCS Nguyễn Công Trứ, Q.9, khi mọi người đang hân hoan với ngày Nhà giáo thì cả lớp 9A2 bỗng… không thèm đi tết thầy cô nữa vì “Hằng đã đi tết thầy từ ngày 19 rồi. Có lẽ nó muốn chơi trội để được thầy chú ý” – các bạn đố kị. Còn Trung thì bị cáo buộc vì đã “trót mang bài đến nhà cô nộp”…
Việc thân thiết với thầy cô có muôn hình vạn trạng. Không chỉ việc trò thân thầy mà cả việc thầy cô có “nhã ý” với học sinh cũng bị “buộc” tội.Việc của Lam, ở trường Trần Quốc Toản còn chưa được “giải trình” trước lớp, thì một hôm Ngọc lại thấy thầy chủ nhiệm đến nhà Thanh Hoa. Cũng chưa biết đầu đuôi thế nào, Ngọc tung tin “Thầy có cảm tình với Hoa”. Câu chuyện chỉ có thế mà cả lớp làm nên một “sự kiện” lớn phải mời đến Ban giám hiệu giải quyết.
Không thân…cũng phiền
Thấy các bạn trong nhóm ai đến nhà thầy học thêm, điểm thi cũng cao hơn các bạn khác, Thu Minh luôn thắc mắc về điều này, nhưng không biết hỏi ai. Sang học kỳ sau Minh cũng đến đăng ký học, nghiễm nhiên điểm thi lần này của em cải thiện hẳn. Điều đó cũng khó lý giải, phải chăng việc đến học là một “biện pháp” khiến cho nhiều học sinh không muốn cũng phải “tiếp cận” thầy? Không chỉ ở các trường dân lập, trường công lập cũng có những việc tương tự như học sinh trước khi nhập học, cha mẹ cũng phải “nhập môn” thầy cho con. Vì không giống như “truyền thống” của lớp nên bé Phương Uyên bị xem như “không giống ai”. Ngược lại, nếu không phải vì lý do học hành ở trường của con em họ.
Nên dừng ở mức nào?
Thời nào cũng vậy, truyền thống “tôn sư, trọng đạo” luôn được giữ vững. Mối quan hệ thầy trò cũng là mối quan hệ thiêng liêng. Vì một số lý do nào đó, mà mối quan hệ đó bị hiểu lầm, hay lệch lạc theo hướng khác. Trở lại những câu chuyện kể trên, Lam do mấy ngày trước nghỉ học nên muốn đến nhà thầy nhờ thầy giảng bài giúp. Còn Thanh tiện đường nên chở giúp con cô giáo đi học thôi. Hằng vì nhà gần thầy nên đã tranh thủ ngày 19 sang hỏi thăm thầy. Thầy Trọng vì thấy Hoa nghỉ học nhiều, thầy muốn đến tìm hiểu hoàn cảnh xem có giúp gì cho em được không…Ấy vậy mà mọi chuyện lại được thổi phồng theo hướng “méo mó”. Tuy nhiên không phải là không có chuyện học sinh không đến học thêm nhà thầy bị điểm thấp hơn. Đó cũng là một thực tế mà người làm công tác giáo dục phải suy nghĩ, cũng như vấn đề “làm thân” với thầy cô giáo để đạt được mục đích cá nhân thì nên xem xét. Nói vậy, không phải vì thế mà chúng ta phủ định đi mối quan hệ này gắn kết sẽ tạo nên sức mạnh cho sự nghiệp giáo dục chung. Qua tiếp xúc với thầy cô, học sinh sẽ có thể học hỏi được nhiều điều tốt đẹp. Ngược lại, thầy cô cũng sẽ nghe học sinh nhận xét về bài giảng của mình, những thắc mắc mà trên lớp khó nói. Đó là một lợi ích trước mắt mà chúng ta phải công nhận. Tuy vậy, đôi khi thân thiện quá sẽ làm học trò dễ sinh hư, hay có những hành động, lời nói mà không xét đến hậu quả, hoặc ỷ lại. Cái cốt lõi là mỗi bên (thầy cô và học sinh) phải biết tôn trọng lẫn nhau, không bên nào lạm dụng bên nào thì mối quan hệ này thật sự tốt đẹp và thiêng liêng biết bao.
Phạm Huệ

Bình luận (0)