Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tình cảm và trách nhiệm người làm thơ

Tạp Chí Giáo Dục

“Không mới nhưng vẫn lạ”. Bây giờ nghe tin bài thơ không những mất giải nhất mà còn không được giải gì, Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên bảo: “Buồn”.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

Ông nói: Ban giám khảo cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửa Long đã chấm bài Trăng nghẹn được giải nhất nhưng bây giờ thì bài Trăng nghẹn đã  không có giải nào. Ban giám khảo đã làm theo quy trình văn học nhưng rõ ràng họ chịu sức ép phi văn học. Áp lực phi văn học đã đánh bật văn học. Một dấu hiệu không tốt cho văn học.

Ông đánh giá như thế nào về bài thơ “Trăng nghẹn”?

Bài thơ phản ánh thực trạng buồn, tuy mang màu sắc thông tấn nhưng chân thật. Bài thơ không có gì u ám, đen tối như người ta vu cho nó.

Báo chí đã có nhiều thiên phóng sự về  thực trạng con gái Đồng bằng sông Cửu Long lấy chồng ngoại quốc, về chuyện nông dân mất đất, nói chung là về những mảng hiện thực chưa tươi sáng nhưng không thấy có ai lên tiếng phản đối cả.

Trong khi một bài thơ có vài khổ thơ nói về thực trạng buồn ấy thì lại nghĩ là bôi xấu vùng đất.  Đó là một điều đáng buồn.

Ông có nghĩ họ sẽ có câu trả lời thuyết phục nếu ông phỏng vấn họ?

Tôi nghĩ họ sẽ trả lời loanh quanh thôi. Họ sẽ không có câu trả lời thuyết phục. Tôi muốn hỏi họ: “Tại sao lại phải sợ một bài thơ hiền lành như thế?”.

Thưa ông, qua vụ Trăng nghẹn, có thể thấy ở đâu đó còn độ “chênh”  giữa nhà văn, nhà thơ và những nhà quản lí văn nghệ, dẫn tới sự can thiệp “ngoài văn học” như ông nói?

Sau 20 năm đổi mới văn học, tưởng như sự can thiệp thô thiển không còn nữa, nhưng tiếc thay, điều đó vẫn xảy ra! Có vẻ như  đâu đó những nhà quản lý chưa nắm vững đặc trưng của văn nghệ. Họ không nâng mình lên được. Văn chương cần sự hiểu biết, sự tinh tế.

Nhà văn có quyền hoạt động theo quy luật của cái đẹp, nếu nói về những mảng hiện thực chưa sáng thì chính họ, trước hết là họ đau lòng chứ không hề dửng dưng. Đó chính là nỗi đau và trách nhiệm công dân của người làm thơ.

Hà Vân thực hiện (Theo TPO)

PV  trao đổi với Trưởng ban Tổ chức Phan Huy

Có phải cuộc thi thơ thể hiện vùng đất ĐBSCL có nhiều đổi mới thì dứt khoát phải khoanh vùng cảm xúc khi sáng tác?

Thơ dự thi phải hợp với đề tài, thể lệ.

Nhưng hiện thực trong thơ Trăng nghẹn không sai với hiện thực cuộc sống?

Các nội dung bài thơ đề cập là có, hiện thực có như thế nhưng không vì những cái đó mà đưa tới cái nhìn 50 năm ĐBSCL không thay đổi, không phát triển.

Bài thơ Trăng nghẹn in báo, in sách thì bình thường, không có vấn đề gì nhưng giải nhất cuộc thi viết về đề tài đổi mới, phát triển và hội nhập của ĐBSCL là không phù hợp.

Sáu Nghệ (Theo TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)