Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tình cảnh của con, nỗi lòng của cha: “Bợm già” lại bịp!

Tạp Chí Giáo Dục

Thúy Kiều phải theo Mã giám sinh, sau cái đêm “mưa gió nặng nề”, Kiều như đã hiểu con người của Mã và tình cảnh bi đát của mình.
Sáng ấy, Vương ông – Vương bà đến tiễn con lần cuối. Trong phòng trọ, Thúy Kiều được dịp tâm sự với người mẹ thân yêu.
Trước hết, Thúy Kiều đưa ra một cảm nhận khi nhìn trên toàn cục vấn đề. Thúy Kiều đau lòng cho “phận thơ đào” không biết đến bao giờ mới trả đượccông cha nghĩa mẹ”. Bởi Thúy Kiều cho rằng mình đã lỡ bước gặp phải cảnh đời trái ngang: “Lỡ làng nước đục bụi trong!” Lý ra “nước” phải “trong”, “bụi” thì “đục”, ấy vậy mà cuộc đời không êm thắm, thuận chiều. Hình ảnh “nước đục bụi trong”không phải Nguyễn Du sáng tạo bởi từ trước đã có “thủy trọc trần thanh” nhưng cụ Nguyễn vận dụng vào tình cảnh Thúy Kiều thật đã dụng công chọn lọc.
Sau đấy, để minh họa cho chuyện nghịch cảnh, nhà thơ đã viết 4 câu thơ với 7 chữ “khi”: “Khi về bỏ vắng trong nhà/ Khi vào dùng dẳng, khi ra vội vàng/ Khi ăn, khi nói lỡ làng/ Khi thầy khi tớ xem thường xem khinh”. Bảy từ “khi”, thực chất tập trung vào bốn từ “khi” ở đầu mỗi câu thơ. Mỗi câu là một cảnh đau lòng. Ở đời không ai cưới vợ đẹp lại “bỏ vắng” trong một phòng riêng! Cũng không ai bỏ tiền mua vợ bé để hưởng thụ mà “Khi vào dùng dẳng” (vào mà như không dám vào), “khi ra” phải “vội vàng?” Rồi “Khi ăn, khi nói lỡ làng”, vậy “ăn nói”thế nào làlỡ làng”? Phải chăng hai chữ “lỡ làng”, Nguyễn Du muốn nói đến một chi tiết có trong KVKT: “Xem chừng hắn ta nói năng thất thố, lúc gọi Tú bà, lúc kêu má má, lúc gọi là đại nương…” Và, “Khi thầy khi tớ xem thường xem khinh” cũng vận vào ý tứ trong KVKT: Lại sáng nay, con dậy sớm điểm trang, thì một gia đình gọi bảo con: “Chị Kiều, chải đầu mau mà ăn cơm”. Con nhìn hắn một cái rồi hắn vội nói: “Dì nương, Dì nương”. Có đời nhà ai, đối với vợ yêu của chủ mà người nhà lại dám hỗn xược đến như thế”.
Nhìn chung, Thúy Kiều đã thấy rõ mình bị lừa và mọi sự “sẽ đổi trắng thay đen!” Thúy Kiều rơi vào tình cảnh bế tắc: “Sống nhờ đất khách, thác chôn quê người!” Vương bà chỉ biết kêu trời cho nỗi oan ức con gái phải gánh chịu.
Tình cảm của Vương ông thật thảm thương, tội nghiệp: “Bề ngoài muôn dặm trường đình/ Vương ông gánh tiệc tiễn hành đưa theo”. Theo quy định của nhà Tần (TQ) đường đi cứ năm dặm có một cái quán gọi là “đoản đình”, mười dặm có một quán “trường đình”. Như vậy, Thúy Kiều đã đi xa nhà mười dặm vậy mà Vương ông, Vương bà vẫn chạy theo. Theo con, cũng là lẽ thường tình. Nhưng tội nghiệp cho ông là “gánh tiệc” đưa tiễn con. Sẽ là một bữa tiệc thấm đẫm nước mắt nhưng sâu xa của bữa tiệc ấy là Vương ông muốn đãi tiệc con rể, muốn lấy lòng Mã để dặn dò, gửi gắm. Đây là thảm cảnh của những lời đau xót ấy: Con rể ngồi trên xe, bố vợ đứng dưới xe, “nằn nì thấp cao”. Chỉ riêng chuyện ấy đã là trớ trêu, đã đau lòng. Lời của ông cũng thật chua xót: Con gái tôi “chút thân” (chứ không phải “tấm thân”) “liễu yếu” (cây liễu mềm yếu) “thơ đào” (còn trẻ dại). Vì nhà bị oan nạn nên mới gửi thân làm tôi đòi (“tôi ngươi”). “Từ đây góc bể chân trời/ Nắng mưa thui thủi quê người một thân/ Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân/ Tuyết sương che chở cho thân cát đằng!”.
Gửi gắm con gái cho Mã chân tình, chua xót đến vậy nhưng với hắn, hắn coi những lời dặn dò ấy nhẹ tênh, hắn liền hứa qua chuyện: “Mai sau dù đến thế nào / Kìa dao nhật nguyệt nọ dao quỷ thần”. Nội dung lời Mã hứa có vẻ to tát nào có mặt trời mặt trăng, nào sự trừng phạt của quỷ thần, nhưng tin sao được một tên “bợm già” đang hứa hảo, đang bịp bợm!
Mã lại trở về với Mã “áo quần bảnh bao” hôm nào đến nhà Kiều. Hôm ấy, hắn buông ra một câu văn vẻ, lịch thiệp: “Rằng mua ngọc đến Lam Kiều…” Giờ đây, hắn cũng ba hoa chữ nghĩa, điển tích: “Buộc chân thôi cũng xích thằng nhiệm trao”, bây giờ đã là duyên vợ chồng (“buộc chân”) cũng là chuyện dây tơ hồng (“xích thằng”) buộc vào nhau màu nhiệm (“nhiệm trao”). Chữ nghĩa rộn ràng to tát để che dấu sự trống rỗng trong lòng. Quả là tên đại bịp!
Lời hứa này, Nguyễn Du cố tình cài một ẩn ý, chờ lúc Thúy Kiều báo ân, báo oán mới rõ thêm.
Lê Xuân Lít

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)