Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tình cảnh sớm nở tối tàn khi nổi tiếng nhờ YouTube

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều tiền, nổi tiếng, nhưng cũng đồng nghĩa với áp lực khiến các YouTuber phải sáng tạo không ngừng để không bị đánh bật khỏi cuộc chơi.

Khi mới trở thành một YouTuber, Matt Lees cảm thấy như mình trúng số. Là một nhà văn, đạo diễn và người dẫn chương trình trẻ, Matt có thể tạo ra những bộ phim kinh phí thấp có sức ảnh hưởng toàn cầu mà không cần trợ giúp của những nhà sản xuất truyền hình. Tháng 2/2013, anh có sản phẩm "viral hit" đầu tiên, thu hút hàng triệu lượt xem chỉ trong vài ngày và nó trở thành một trong những video có lượt xem cao nhất tháng đó.

Ngay khi thuật toán của YouTube nhận thấy sự thành công này, nó bắt đầu hướng người xem đến những video khác của Lees. Chỉ trong một đêm, Lees thành ngôi sao.

Song, sự phấn khích nhanh chóng nhường chỗ cho lo lắng. Lees nhận ra sự thành công của mình không phụ thuộc quá nhiều vào chất lượng mà số lượng. Khán giả mong đợi sự nhất quán, nếu không đảm bảo đăng các video đăng liên tục thì Lees sẽ nhanh chóng đánh mất sự ưu ái.

Matt Lees nổi tiếng sau một đêm, nhưng từ đó rơi vào vòng xoáy phải đảm bảo số lượng video liên tục, hơn là chất lượng. Anh nói "não người không được thiết kế để tương tác với hàng trăm người mỗi ngày". Ảnh: Theguardian.

Để đảm bảo điều đó, Lees làm việc 20 giờ mỗi ngày, phát triển kênh của mình từ 1.000 người đăng ký lên đến 90.000. Vào cuối tháng Lees xanh xao, hốc hác, dễ cáu bẳn, tức giận. Tuy nhiên, các video tức giận, khiêu khích của Lees lại khiến anh được chú ý hơn. 

Sức khỏe của Lees bắt đầu đi xuống. Anh gặp phải một số vấn đề tuyến giáp, trải qua những cơn trầm cảm kéo dài và thường xuyên. "Những gì khởi đầu thú vị nhanh chóng trượt vào quỹ đạo ảm đạm, cô đơn", Lees nói.

Insider phân tích, đứng đầu trong hệ thống phân cấp của YouTube là những người có hàng triệu người đăng ký. Họ thường có tất cả: một công việc tuyệt vời, sáng tạo, tiền bạc và người hâm mộ trung thành. Nhưng điều tốt cũng là điều xấu. Trong vài năm qua, ngày càng nhiều người "gác kiếm" sau khi hết "lửa" với kênh của mình. Một số thậm chí đã biến mất không dấu vết.

Alisha Marie, người có kênh Youtube 8 triệu lượt đăng ký cho biết, từng không nghĩ sẽ đóng cửa trang của mình, cho đến một lần cô mệt mỏi quá mức, đến độ rơi nước mắt trong một nhà hàng. Tháng 1/2019, cô đăng video có tên: "Đây không phải lời tạm biệt", trong đó giải thích cho người xem rằng cô không tự hào về nội dung mình đang làm nữa và cần một thời gian nghỉ ngơi.

Alisha Marie, chủ nhân kênh có 8 triệu lượt đăng ký đã tạm nghỉ tháng 1/2019, do cạn kiệt ý tưởng sáng tạo. Ảnh: Insider.

Alisha Marie, chủ nhân kênh có 8 triệu lượt đăng ký đã tạm nghỉ tháng 1/2019, do cạn kiệt ý tưởng sáng tạo. Ảnh: Insider.

Burnout (Hội chứng cháy sạch) đang ảnh hưởng không chỉ đến Marie mà hàng trăm YouTuber. Ít nhất 10 YouTuber nổi bật đã đóng trang trong năm qua, song tỷ lệ người sáng tạo bị kiệt sức tinh thần có thể nhiều hơn.

Vào tháng 5/2018, Elle Mills, 20 tuổi, đã rơi vào tình trạng như vậy. Mills từng thu hút đến 3,6 triệu lượt xem cho một video dài 5 phút đăng vào tháng 11/2017, trong đó cô công khai là người lưỡng tính trước bạn bè, gia đình và những người theo dõi mình.  Cô đã xuất hiện trên bìa tạp chí Diva và giành giải Shorty Award, hạng mục Breakout YouTuber. Nhưng chỉ nửa năm sau cô đã đăng video nói về áp lực công việc vì số lượng khán giả ngày một tăng.

Cùng tháng đó, El Rubius (29 tuổi), có hơn 30 triệu người theo dõi, tuyên bố tạm nghỉ trang của mình. Sau đó, hàng loạt những tên tuổi khác như Erik Phillips (có 4 triệu người đăng ký) và Benjamin Vestergaard (2,8 triệu lượt đăng ký) quyết định giải nghệ vì kiệt sức. Lilly Singh cũng tuyên bố nghỉ vào tháng 11 với video "Tôi sẽ sớm gặp lại bạn ", trong đó hứa với 14 triệu fan rằng sẽ "hạnh phúc và khỏe mạnh hơn" khi quay lại.

Trước đó, PewDiePie – tên thật là Felix Kjellberg – là ngôi sao lớn nhất của YouTube với số lượng người đăng ký hơn 80 triệu. Nhưng vào năm 2016, anh đã trải qua giai đoạn cảm thấy quá kiệt sức để duy trì lịch trình kín đặc của mình.

PewDiePie đã kiệt sức vì lịch làm việc quá dày đặc. Ảnh: Insider.

PewDiePie đã kiệt sức vì lịch làm việc quá dày đặc. Ảnh: Insider.

Áp lực đến với những người có kênh chỉ vài nghìn đăng ký đến những kênh hàng triệu người. Bạn càng xây dựng lòng trung thành, người xem càng có nhiều khả năng quay lại. Chính vì điều này mà Tyler Blevins (AKA Ninja) chỉ rời đi chưa đầy 48 giờ đã mất 40.000 người đăng ký, trong khi trước đó kênh phát sóng trực tiếp việc chơi game giúp anh kiếm được khoảng 500.000 USD/ tháng.

Không chỉ tần suất làm việc, theo Kinda Lo – nhà nghiên cứu cộng đồng trực tuyến tại ĐH California, Irvine – có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự kiệt sức cho đội ngũ sáng tạo video trên các nền tảng trực tuyến, đó là: căng thẳng khi đọc các bình luận tiêu cực, lo lắng về vấn đề tài chính, áp lực khi nổi tiếng và tương tác với khán giả…

Bảo Nhiên (Theo Theguardian, Insider)/Vnexpress

Bình luận (0)