Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tính chủ động sẽ giúp học sinh học tốt tiếng Anh

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh thụ động gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giảng dạy, kết quả học tập bộ môn tiếng Anh. Do đó, giáo viên cần phải quan tâm xây dựng tính tích cực, chủ động trong học tập cho học sinh.

Có nhiều nguyên nhân khiến học sinh thụ động. Đó có thể là điều kiện kinh tế; thời lượng, số lượng môn học hay thói quen người học… Theo ThS. Nguyễn Đình Thanh Lâm (Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, tỉnh Sóc Trăng), ở khu vực tỉnh – nơi tập trung các vùng khó khăn – người dân còn mải mê lo làm ăn, trang trải kinh tế cuộc sống hàng ngày nên nhiều phụ huynh chưa thực sự quan tâm, nắm bắt tầm quan trọng của bộ môn tiếng Anh để khuyến khích con em học tập. Từ đó, các em học sinh thiếu mục tiêu, động lực, giảm hứng thú, cảm thấy việc học tiếng Anh nhàm chán, không hữu ích và thể hiện bằng việc không dành thời gian hoặc sự nỗ lực hết mình.

Xoay quanh vấn đề này, TS. Trần Thị Minh Phượng (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) tâm tư: Hình ảnh dễ thấy hiện nay ở các thành phố lớn đó là sau khi tan học, học sinh luôn vội vã ra về với tâm thế cam chịu việc học nhiều hơn là sự chủ động. Các em rất ý thức nghĩa vụ học của mình đối với gia đình: Học để thi, để làm vui lòng cha mẹ… hơn là học vì nhu cầu tiếp thu kiến thức. Nhận thức này khiến các em luôn phải đối phó với các kỳ thi, các đợt kiểm tra, tập trung vào các môn thi ĐH, CĐ; luôn cảm thấy không đủ thời gian nên thường học theo kiểu nhồi nhét, thiếu chủ động, không còn say mê, hứng thú trừ một vài trường hợp cá biệt. Trong khi đó, “Để học tốt tiếng Anh, người học phải thường xuyên rèn luyện các kỹ năng một cách chủ động. Đây còn là điều kiện hình thành nhân cách theo đúng chuẩn mực xã hội”, TS. Trần Thị Minh Phượng cho biết.

Đứng ở góc độ lớp học, ThS. Trương Thuận Cần (Sở GD-ĐT Vĩnh Long) cho rằng không ít học sinh có thói quen trông chờ vào những bài giảng có sẵn như từ vựng, cấu trúc văn phạm, bài viết mẫu… của giáo viên rồi ghi chép lại để về nhà học thuộc lòng. Thói quen này gây ra trở ngại cho việc phát triển các kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh vì các em không tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động đòi hỏi tư duy, vận dụng. Đáng lo ngại là số lượng học sinh này không ít.

Có thể thấy, để dạy học tiếng Anh đạt kết quả tốt thì người dạy phải đáp ứng các kỹ năng cho người học, nhưng người học cũng phải đáp ứng tiếp thu tốt 4 kỹ năng. Dĩ nhiên điều này phải đòi hỏi đến sự tích cực, chủ động của người học và đây còn là yếu tố góp phần giảm bớt gánh nặng cho người dạy.

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), kích thích học sinh học tập tích cực là một trong những yêu cầu cần thiết để nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Anh. Bên cạnh vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường thì giáo viên cũng là người góp phần không nhỏ trong công việc này.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết đến thời điểm này, chúng ta phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ việc dạy và học ngoại ngữ như một môn học kiến thức sang dạy môn học kỹ năng. Không còn thời thầy cô lúc nào cũng đi bên cạnh học sinh để bảo hộ mà là lúc các em phải tự chủ động trang bị kiến thức.

Trinh Ngọc

Bình luận (0)