Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tình già nơi phố thị

Tạp Chí Giáo Dục

Chúng tôi đến thăm căn nhà của ông Tấn – bà Ngọt vào một buổi chiều muộn. Nhìn dáng ông lặng lẽ chăm sóc cho bà từ miếng ăn đến giấc ngủ làm chúng tôi không khỏi xúc động. Căn nhà nhỏ, tiếng người già thủ thỉ, niềm hạnh phúc lan tỏa đâu đây. Bước qua tuổi 90, sự quan tâm, chăm sóc của họ dành cho nhau khiến người xung quanh cảm thấy ấm lòng.

Ông Tấn đang rót nước cho bà Ngọt uống thuốc

Hạnh phúc trong gian khó

Nhiều người dân ở khu chung cư 234 Phan Văn Trị, Bình Thạnh, TP.HCM đã quen thuộc với hình ảnh hạnh phúc của ông Nguyễn Văn Tấn và bà Nguyễn Thị Ngọt. Hàng xóm của ông bà vẫn gọi họ bằng cái tên thân mật là “ông Bảy, bà Bảy”.

Ông bà đến với nhau lúc vừa bước qua ngưỡng cửa tuổi 19. Khó khăn chồng chất khó khăn khi ông Tấn là công nhân của một xưởng đóng tàu. Năm người con lần lượt ra đời như minh chứng cho chất son kết dính giữa hai người dù bữa đói bữa no. Chính sự vun vén, chu đáo lo toan mọi việc trong gia đình của bà Ngọt đã giúp ông bà nuôi các con khôn lớn, trưởng thành. Được biết, ông Tấn vì lo vợ đi làm cực khổ nên động viên bà ở nhà chăm lo cho các con. Gánh nặng gia đình đè lên vai ông nhưng chưa khi nào ông than vãn. Ngược lại, ông Tấn xem đó là niềm hạnh phúc của cuộc đời mình.

Tuổi già ập đến cũng là lúc họ tha thiết hơn những năm tháng hiện tại được bên nhau, cùng chăm sóc cho nhau. Vài năm trước, một cơn tai biến đã làm sức khỏe bà Ngọt không còn được như trước. Bà không thể tự mình làm được mọi việc. Vậy là ông Tấn trở thành “cánh tay phải” của bà. Theo lời kể của những người dân ở khu chung cư, những ngày bà Ngọt còn khỏe, hầu như sáng nào đôi vợ chồng già ấy cũng dắt nhau từ lầu 6 xuống đất tập thể dục. Tiếng cười, tiếng nói vui vẻ nơi ngõ hẻm họ đi qua. Ông Tấn có thói quen tự tay nấu ăn cho vợ. Căn nhà nhỏ cũ kỹ, nằm khiêm tốn trong khu chung cư 234 vì thế mà luôn ấm áp niềm hạnh phúc giản dị dẫu bên ngoài cánh cửa, khó khăn vẫn chực chờ. 

Dù trí nhớ đã sa sút rất nhiều nhưng bà Ngọt vẫn có thể kể nhiều kỷ niệm về người đàn ông đã đi bên cạnh bà suốt những năm tháng dài. “Già cả rồi vậy mà nhiều lúc hai vợ chồng vẫn xưng hô anh – em. Vợ chồng nhường nhịn nhau mà sống mới ăn đời, ở kiếp với nhau được, miễn có tiền đong gạo đã vui rồi”, bà Ngọt cho biết. 

Ông bà có năm người con nhưng cuộc sống của các con cũng không mấy khá giả. Thấy bà Ngọt không còn tự di chuyển được, các con góp tiền để sắm cho mẹ một chiếc xe lăn. Trong câu chuyện của đôi vợ chồng già, họ hay nhắc đến người con gái ở cùng khu chung cư 234. Từ ngày bà Ngọt bị tai biến, cô con gái tất tả ngược xuôi. Những hôm con gái không đưa mẹ xuống đất hóng gió được, ông Tấn sẽ tự mình làm việc này. Bước chân khó nhọc của một người đàn ông đã quá tuổi cửu tuần không làm ông mệt mỏi bởi tình yêu thương ông dành cho vợ mình.

Nhường nhịn nhau mà sống

Dù trí nhớ đã sa sút rất nhiều nhưng bà Ngọt vẫn có thể kể nhiều kỷ niệm về người đàn ông đã đi bên cạnh bà suốt những năm tháng dài. “Già cả rồi vậy mà nhiều lúc hai vợ chồng vẫn xưng hô anh – em. Vợ chồng nhường nhịn nhau mà sống mới ăn đời, ở kiếp với nhau được, miễn có tiền đong gạo đã vui rồi”, bà Ngọt cho biết.

Nhờ những điều bé nhỏ, giản dị vậy thôi mà họ đã bước đi bên cạnh nhau được hơn 70 năm dù không một bó hoa, không những lời hoa mỹ. Khi bà mệt, ông lại bên cạnh kể những chuyện ngày xưa cho bà nghe. Có lúc, bà thèm ăn bánh ngọt, ông chạy đi mua về cho bà. Tuổi gần đất xa trời, ông bà thêm cái bệnh lãng tai của người già nên những câu hỏi han của họ dường như nhiều hơn cả trước đây. Những khi bà nhắc đến nỗi lo về căn nhà vẫn chưa được trả nợ xong, ông lại động viên tinh thần bà.

Chị Nguyễn Thu Nga, một người dân sống ở lầu 6, chung cư 234 chia sẻ: “Từ ngày dọn về sống chung cư này, tôi đã thấy hình ảnh vợ chồng ông Tấn – bà Ngọt dắt nhau đi dạo mỗi buổi chiều thật thân thương. Nhìn cách họ quan tâm, chăm sóc cho nhau, tôi thấy vui lây và mong muốn khi về già, mình cũng có được một hạnh phúc bình dị như thế”.

Giữa nhịp sống đô thị hối hả, tỷ lệ ly hôn của những đôi vợ chồng trẻ ngày càng tăng, hạnh phúc bình dị của vợ chồng ông Tấn – bà Ngọt là điều đáng ngưỡng mộ, trân trọng. Có lẽ, không ít người cả cuộc đời mải mê tìm kiếm những hào quang, danh vọng cho mình nhưng đến một lúc nào đó cũng sẽ chỉ có niềm mong ước giản dị là được ai đó nắm tay nương tựa vào nhau lúc tuổi già như cái cách mà ông Tấn – bà Ngọt đối đãi với nhau…

Bài, ảnh: Thục Quyên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)