Theo quyết định của Bộ GD-ĐT, Tiểu ban “Rà soát, tinh giản nội dung dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông môn ngữ văn” có nhiệm vụ xem xét rà soát, tinh giản một số nội dung dạy học nhằm đáp ứng các yêu cầu thực hiện chương trình trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) trong giờ học môn ngữ văn. Ảnh: Y.H
Việc học sinh phải nghỉ học dài ngày cần có các giải pháp điều chỉnh đồng bộ, phù hợp với bối cảnh bất thường. Trong đó có việc rà soát, tinh giản một số nội dung dạy học. Thực chất chính là việc phát triển chương trình giáo dục. Và đây là một công việc hết sức quan trọng, một nhiệm vụ nặng nề, khó khăn. Việc điều chỉnh nội dung dạy học thực hiện theo các nguyên tắc sau: (1) Đảm bảo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo quy định của Luật Giáo dục. (2) Đảm bảo tính logic của mạch kiến thức và tính thống nhất giữa các môn học; (3) Thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục. (4) Đảm bảo tinh giản nội dung dạy học phù hợp với việc điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường trong năm học 2019-2020 do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Thứ nhất, việc chỉnh lý, tinh giản, giảm tải chương trình và sách giáo khoa (SGK) môn ngữ văn, Bộ GD-ĐT đã tiến hành xem xét nhiều lần. Lần này xuất phát từ bối cảnh dịch bệnh Covid-19, học sinh các trường nghỉ học quá dài, không đủ thời gian để thanh toán hết các nội dung của chương trình các môn học. Vì thế cần xem xét giảm nhẹ, tinh giản một số nội dung dạy học cho phù hợp với bối cảnh năm học 2019-2020. Như thế lý do chính của đợt tinh giản này chủ yếu là do thời gian dạy học eo hẹp; điều kiện dạy và học gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây là một dịp phát triển chương trình, nên cần kết hợp xem xét tinh giản những nội dung chưa hợp lý hoặc lạc hậu, trùng lặp; những nội dung không tập trung phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh. Thứ hai, tập trung vào học kỳ II của tất cả các lớp (vì đã xong học kỳ I), đặc biệt là lớp 12. Thời gian tính cho việc học kỳ II theo công văn của Bộ GD-ĐT điều chỉnh lần 2 dự định kết thúc năm học vào ngày 15-7-2020. Nhưng chúng ta vẫn chưa biết chắc chắn khi nào tất cả học sinh toàn quốc trở lại học kỳ II nên việc tinh giản, giảm nhẹ nội dung dạy học cần linh hoạt và mềm dẻo. Tinh giản nhưng vẫn phải bảo đảm mục tiêu và mức độ cần đạt của chương trình ngữ văn hiện hành. Thứ ba, cách làm của Tiểu ban Ngữ văn được thống nhất là: a) Dựa vào SGK tập 2, đối chiếu với mức độ cần đạt nêu trong chương trình hiện hành năm 2006 từ đó đề xuất các nội dung cụ thể trong SGK có thể giảm bớt nội dung hoặc số tiết mà không ảnh hưởng tới mức độ cần đạt. b) Kết hợp gộp lại một số bài có cùng chủ đề, gần nhau về nội dung, bớt đi khối lượng để giảm số tiết cần dạy. c) Xem xét một số nội dung trùng lặp với cấp dưới, lớp dưới với cấp trên, lớp trên.
Để lựa chọn được những nội dung thiết yếu, cơ bản, cốt lõi… cần dạy, tiêu chí xem xét là: Các nội dung đó cần thiết cho việc phát triển năng lực đọc hiểu và viết (tạo lập văn bản); góp phần bồi dưỡng, giáo dục phẩm chất cho học sinh. Sau thời gian làm việc cá nhân, tiểu ban đã họp chung để xem xét, trao đổi và thống nhất các nội dung cần tinh giản. Kết quả đề xuất tinh giản của tiểu ban nhìn chung phù hợp với nhiều ý kiến đề xuất của thầy cô giáo ở các địa phương.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)