Đó là thắc mắc của nhiều học sinh Trường THCS-THPT Diên Hồng (Q.10) trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 16 năm học 2023-2024 diễn ra mới đây tại trường.
ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) tư vấn cho học sinh Trường THCS-THPT Diên Hồng
Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Phải tự tạo giá trị cho bản thân
Trong chương trình, em Tuyết Nhi (học lớp 12A2) bày tỏ sự lo lắng: “Có nhiều thông tin cho rằng tình hình kinh tế hiện nay biến động và gặp nhiều khó khăn. Nếu em chọn học ngành quản trị kinh doanh liệu có ảnh hưởng đến cơ hội việc làm sau khi ra trường không?”. ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho hay, kinh tế là xương sống của mỗi quốc gia và Việt Nam cũng vậy. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều thông tin cho rằng kinh tế nước ta đang biến động, do đó, nhiều học sinh cho rằng học ngành quản trị kinh doanh ra trường sẽ thất nghiệp. Điều này đúng vì không phải ai học ngành quản trị kinh doanh ra trường cũng sẽ thành công. Quản trị kinh doanh là ngành học tổng hợp nhiều kiến thức nên sinh viên học ngành này ra trường có thể làm nhiều vị trí công việc. Ngoài ra, ngành quản trị kinh doanh cũng đòi hỏi nhiều tố chất như: năng động, nhạy bén, có tầm nhìn… Nếu sinh viên hội tụ đủ những điều này đồng thời phấn đấu, rèn luyện, trau dồi thêm kỹ năng tin học, ngoại ngữ để tạo cho mình giá trị thì chắc chắn sẽ có vị trí trong xã hội, không lo thất nghiệp. Ngược lại, các em sẽ không có cơ hội để phát triển bản thân, thậm chí bị lãng quên, nhất là trong thời đại ngày nay.
Học sinh Trường THCS-THPT Diên Hồng đặt câu hỏi cho các chuyên gia
Giải đáp câu hỏi của một số học sinh về cơ hội của ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ThS. Phạm Doãn Nguyên khẳng định: logistics và quản lý chuỗi cung ứng là ngành học được các em học sinh quan tâm nhiều trong 5 năm trở lại đây. Đặc biệt, trong năm 2023, số học sinh đăng ký học ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng tăng 23%. Điều này cho thấy trong xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu về nhân lực ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng tăng cao. Hầu hết các công ty, tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực logistics đều tối ưu hóa chuỗi cung ứng để tạo sự tiện lợi, hoạt động hiệu quả, tiết kiệm thời gian. Lý do khác học sinh theo đuổi ngành này nhiều là do cơ hội việc làm, thu nhập cao. “Sinh viên học ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng ra trường có thể làm nhân viên hoạch định sản xuất; vận tải, phân phối; nhân viên tư vấn và phân tích chuỗi cung ứng…”, ThS. Phạm Doãn Nguyên cho biết.
Chỉ có… con người “hot”
ThS. Nguyễn Nhật Tài (chuyên gia tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, trong danh mục nghề nghiệp hiện nay có trên 700 nghề với 5 bậc học. Cùng với đó là 8 lĩnh vực ngành nghề gồm: khoa học kỹ thuật; khoa học xã hội nhân văn; pháp luật; kinh doanh quản lý, du lịch; quản lý giáo dục; sức khỏe; an ninh quốc phòng; nghệ thuật. Mỗi lĩnh vực đều có những đặc thù riêng nên khi lựa chọn, học sinh cần cân nhắc thật kỹ, tránh chọn sai ngành. |
Bày tỏ sự quan tâm đối với ngành công nghệ thông tin, một học sinh chia sẻ: “Em nghe nói ngành công nghệ thông tin hiện nay đang “hot”. Nếu em học ngành này thì vài năm tới có còn “hot” không?”. ThS. Võ Ngọc Nhơn (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) khẳng định, không có ngành “hot”, chỉ có con người “hot” trong ngành. Với ngành công nghệ thông tin cũng vậy, do ngành này đang cần nhân lực và có nhiều người theo học nên nhiều học sinh nghĩ ngành này “hot”. Đây không phải là vấn đề quan trọng mà quan trọng là các em chọn ngành có đúng đam mê, đúng năng lực không. Có nhiều thông tin cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển thì nhiều ngành nghề sẽ bị thay thế bởi máy móc, trí tuệ nhân tạo. Việc này chỉ xảy ra đối với những công việc giản đơn, lặp đi lặp lại, con người vẫn là yếu tố quan trọng. Theo thống kê, hiện nay Việt Nam cần khoảng 200 ngàn kỹ sư công nghệ cao. Điều này chứng minh ngành công nghệ thông tin cần rất nhiều nhân lực cho tương lai. “Ngành công nghệ thông tin hiện nay có nhiều chuyên ngành như: an toàn thông tin, khoa học dữ liệu, khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính… Hiện nay học một ngành có thể làm được nhiều nghề nên các em cứ an tâm lựa chọn. Thay vì quan tâm đến ngành “hot”, các em hãy phấn đấu để trở thành con người “hot””, ThS. Võ Ngọc Nhơn lưu ý.
Một học sinh khác thắc mắc: “Em muốn làm chuyên gia, vậy em học ngành tâm lý được không?”. Chuyên gia tâm lý Tô Nhi A cho biết muốn làm chuyên gia, các em có thể học bất cứ ngành nào. Nếu muốn trở thành chuyên gia tâm lý thì các em phải học ngành tâm lý. Tuy nhiên, học ngành tâm lý không có nghĩa là chúng ta nói chuyện đạo lý mà là để giúp con người giải quyết những vấn đề liên quan đến tâm lý như: bệnh về tinh thần, trầm cảm… Ngành tâm lý có những chuyên ngành sau: tâm lý học lứa tuổi, tâm lý học giáo dục, tâm lý học sáng tạo… Dù học ở trường nào thì kiến thức của ngành này giống nhau đến 80%; 20% còn lại do đặc thù đào tạo của mỗi trường. “Về công việc, sinh viên học ngành tâm lý ra trường có thể làm công tác giảng dạy, làm bộ phận nhân sự, tham vấn trị liệu… Các em lưu ý, học ngành tâm lý có thể trở thành chuyên gia nhưng không thể thành bác sĩ tâm lý vì hiện nay trong danh mục nghề nghiệp của Việt Nam chưa có chức danh bác sĩ tâm lý”, bà Tô Nhi A thông tin.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)