Giáo viên trường chuyên biệt đang hướng dẫn học sinh luyện âm (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: N.Quang |
Tôi công tác ở trường chuyên biệt dạy các em bị khuyết tật như khiếm thính, chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ, tăng động… Ở trường mỗi em có một hành vi khác nhau nên cô giáo hết sức vất vả để rèn nề nếp. Năm học 2012-2013 đã xảy ra một tình huống sau:
Ở lớp chồi 2 do cô Kim Thanh phụ trách có 7 học sinh (từ 7 đến 10 tuổi) với dạng tật là tự kỷ và tăng động. Cô Kim Thanh là giáo viên lâu năm có nhiều kinh nghiệm nên lớp cô phụ trách nề nếp rất tốt. Năm học đó có Nhật Cường (10 tuổi – tăng động) là rất đặc biệt. Em được sinh ra trong gia đình khá giả, lại là cháu nội đích tôn trong dòng họ nên được gia đình cưng chiều hết cỡ. Ở lớp em hoàn toàn không quan tâm tới cô giáo nói gì chỉ làm theo ý thích, khi không được đáp ứng nhu cầu là em la hét đập phá không cho cô giáo dạy hoặc chạy ra khỏi lớp lao thẳng ra đường nếu cổng trường mở. Qua 2 tháng học, cô giáo đã cố gắng hết sức rèn nếp cho em nhưng không đạt hiệu quả, cô Kim Thanh mời phụ huynh vào trao đổi để phối hợp với cô trong việc giáo dục Nhật Cường. Phụ huynh hứa sẽ cùng cô giáo rèn hành vi cho con.
Tuy nhiên, sau buổi tiếp phụ huynh thì mọi chuyện vẫn như cũ, thậm chí em còn phản đối la hét quyết liệt hơn. Một buổi sáng trong tiết dạy vận động thô khi cô giáo đang luyện tập cho học sinh đi trên ghế băng thì bỗng nhiên Nhật Cường chạy lại xô đổ ghế, đẩy bạn té, la hét và sau đó chạy thẳng ra ngoài đường. Cô Kim Thanh chạy theo ra đường để “bắt” em vào. Sợ cô giáo em vội vàng chạy tới ôm chặt một bà cụ đi đường. Cô Kim Thanh tìm mọi cách để em buông tay bà cụ nhưng em lại càng ôm chặt hơn. Thấy bà cụ tím tái mặt mày cô hoảng hốt và để “giải vây” cho bà cụ, cô đã đánh thật mạnh vào tay Nhật Cường để em buông cụ ra. Hai ngày sau, em không đến lớp. Sáng ngày thứ 3 em được bà nội và ba mẹ dẫn đến trường với đơn thưa là em không chịu đi học vì bị cô giáo đánh vào tay. Thái độ phụ huynh rất bức xúc.
Sự việc được giải quyết như sau
Đầu tiên tôi mời phụ huynh vào văn phòng, rót nước mời uống và bắt đầu tiếp chuyện. Phụ huynh đề nghị nhà trường xử lý nghiêm cô Kim Thanh và chuyển con em họ sang học lớp khác ngay lập tức, nếu không sẽ kiện cô giáo lên phòng giáo dục. Sau khi nghe phụ huynh giải trình và nêu ý kiến của mình, tôi mời anh bảo vệ – người đã cùng cô Kim Thanh “bắt” em Nhật Cường vào hôm đó – kể lại sự việc.
Sau khi nghe qua sự việc, tôi đã tâm sự rằng rất thông cảm cho phụ huynh vì ba mẹ đều thương con mình khi bị đánh phạt. Tuy nhiên, tôi cũng cho họ thấy nguyên nhân dẫn đến các hành vi của em Cường sau mấy tháng học mà không ổn định hành vi một phần là do lỗi gia đình chưa quan tâm đúng mức việc phối hợp với cô giáo trong việc rèn nề nếp cho con em mình. Tôi khẳng định cô giáo hoàn toàn sai trong trường hợp này. Tôi đại diện nhà trường xin lỗi phụ huynh vì cách giải quyết của giáo viên chưa đúng quy định và nhà trường sẽ thường xuyên nhắc nhở cô Kim Thanh không để xảy ra trường hợp tương tự như vậy nữa. Chúng tôi đảm bảo em Cường không bị phân biệt đối xử vì trường hợp này và trấn an phụ huynh.
Thái độ phụ huynh lúc này đã dịu xuống rất nhiều, họ bảo sẽ rút lại đơn và hứa sẽ hợp tác tốt với giáo viên để rèn hành vi cho con. Mặt khác, họ mong muốn gặp cô Kim Thanh để trao đổi tìm ra những biện pháp hữu hiệu nhất để rèn nề nếp cho con trong thời gian tới.
Tôi mời cô Kim Thanh xuống phòng và hỏi sự việc. Cô đã nhận lỗi và xác nhận hôm đó cô hơi nóng nên đã làm em Cường đau. Sau khi nghe cô trình bày, tôi mời cô sang phòng hội đồng – nơi có em Cường và phụ huynh đang ngồi. Trước phụ huynh, cô Kim Thanh nhận lỗi đồng thời cô cũng cam đoan sẽ tận tâm, kiên nhẫn giáo dục và rèn hành vi cho em, tuy nhiên cần sự hỗ trợ, hợp tác tốt từ phía phụ huynh.
Phụ huynh và giáo viên đều nhận ra cái sai của mình và cùng hứa với nhà trường sẽ rút kinh nghiệm ở sự việc vừa qua. Phụ huynh ra về với vẻ mặt không cau có và giận dữ nữa…
Vì sự việc chưa nghiêm trọng nên trong buổi họp khối sau đó tôi rút kinh nghiệm nhẹ nhàng và sinh hoạt quy chế chuyên môn cũng như những vi phạm của giáo viên khi đánh phạt học sinh.
Kết luận
Với cách xử lý như trên, thiển nghĩ tôi vận dụng hiệu quả các nguyên tắc: Thứ nhất là nguyên tắc đảm bảo tính chính trị. Tôi thực hiện theo chỉ đạo của ngành, nghiêm khắc kiểm điểm giáo viên khi thực hiện sai quy định là còn tình trạng đánh phạt học sinh. Cho sinh hoạt lại quy định cấm đánh phạt học sinh đồng thời nhắc nhở bước đầu trong tổ. Qua đó nhằm chấn chỉnh lại những sai phạm của giáo viên nhằm không để ảnh hưởng uy tín của trường. Thứ hai là nguyên tắc tập trung dân chủ. Tôi không nghe và giải quyết sự việc khi nghe một chiều mà cần lắng nghe tất cả thành viên trong tình huống. Khi nắm chính xác thông tin mới đề ra phương án giải quyết. Vì khi thu thập đủ thông tin và từ các phía sẽ giúp cho tôi có cách xử trí đúng. Thứ ba là nguyên tắc đảm bảo tính khoa học. Tôi luôn biết thu thập thông tin và xoa dịu phụ huynh kịp thời, chọn thời điểm khi phụ huynh thấy nguyên nhân yếu kém của con họ để thấy được chẳng qua cô giáo vì muốn “giải vây” cho bà cụ nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc chứ không phải vì cô ghét bỏ cháu. Thứ tư là nguyên tắc chú trọng đến yếu tố con người. Không ai liên tiếp mắc sai lầm. Cho cơ hội sửa sai sẽ giúp người mắc lỗi nhận ra sai lầm của mình. Trong xử lý tình huống tôi chỉ nhằm tháo gỡ những vướng mắc của phụ huynh, giáo viên và mục tiêu là giáo dục, rèn hành vi cho học sinh…
Trần Thị Dung – Long Phụng Sơn
Bình luận (0)