Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tính hướng nghiệp trong môn vật lý

Tạp Chí Giáo Dục

Theo dự thảo chương trình các môn học và hoạt động giáo dục Bộ GD-ĐT công bố mới đây, chương trình môn vật lý được định hướng xây dựng nhằm giúp học sinh phát triển năng lực thông qua thực hành và có tính hướng nghiệp cao. Ngoài ra chương trình cũng tính đến các khu vực và đối tượng khác nhau.

Học sinh THCS tại TP.HCM trong giờ học môn vật lý. Ảnh: Anh Khôi

Cùng với các nội dung giáo dục cốt lõi có thời lượng 70 tiết/năm học, những học sinh có định hướng nghề nghiệp cần vận dụng nhiều tri thức vật lý được học thêm 35 tiết chuyên đề/năm.

Tích hợp trong giai đoạn giáo dục cơ bản, phân hóa ở THPT

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Khánh (Chủ biên chương trình môn vật lý), chương trình môn này được phân bố ở cả ba cấp học với các mức độ khác nhau thông qua những môn học: Tự nhiên và xã hội (lớp 1, lớp 2 và lớp 3); khoa học (lớp 4 và lớp 5); khoa học tự nhiên (THCS); vật lý (THPT). Chương trình được thiết kế chú trọng vào bản chất, ý nghĩa vật lý của các đối tượng, đề cao tính thực tiễn; tránh khuynh hướng thiên về toán học; tạo điều kiện để giáo viên giúp học sinh phát triển tư duy khoa học dưới góc độ vật lý, khơi gợi sự ham thích ở các em, tăng cường khả năng vận dụng tri thức vào thực tiễn. Các chủ đề được thiết kế, sắp xếp từ trực quan đến trừu tượng, từ đơn giản đến phức tạp; bước đầu tiếp cận với một số nội dung hiện đại mang tính thiết thực, cốt lõi.

Các phương pháp giáo dục của môn vật lý góp phần phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học, nhằm hình thành năng lực tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lý (năng lực vật lý) cũng như góp phần hình thành các phẩm chất và năng lực chung được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Chương trình được thiết kế nhằm tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng các phương pháp giáo dục một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể. Tùy theo yêu cầu cần đạt, có thể sử dụng một hoặc phối hợp nhiều phương pháp dạy học trong một chủ đề.

Tính hướng nghiệp cao

Chương trình môn vật lý giúp học sinh đạt các phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; đồng thời nhận biết đúng năng lực, sở trường của bản thân và lựa chọn được một số ngành nghề liên quan đến lĩnh vực mà môn học đề cập. Đây là một đổi mới có nhiều ý nghĩa đối với học sinh và xã hội trong điều kiện hiện nay.

Sách giáo khoa phải thể hiện tinh thần đổi mới

Theo Bộ GD-ĐT, căn cứ vào nội dung cốt lõi và yêu cầu cần đạt của chương trình, người biên soạn sách giáo khoa phải thể hiện được tinh thần đổi mới của chương trình, từ phương pháp tiếp cận đến cấu trúc, nội dung. Các chủ đề phải trình bày nổi rõ được bản chất, ý nghĩa vật lý và thực tiễn của chúng; tránh lạm dụng toán học đồng thời tạo được điều kiện để giáo viên giúp học sinh phát triển tư duy khoa học dưới góc độ vật lý, khơi gợi sự ham thích ở các em, tăng cường khả năng vận dụng tri thức vào thực tiễn.

Chương trình có định hướng phát triển năng lực và định hướng dạy học phân hóa. Do vậy, sách giáo khoa được biên soạn phải có cấu trúc thể hiện rõ yêu cầu cần đạt ở những mức độ khác nhau (theo thang nhận thức và mức độ kỹ năng) hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực đã được đề cập trong chương trình và phải giúp giáo viên thuận tiện dạy học cho các đối tượng khác nhau.

Cùng với các nội dung giáo dục cốt lõi có thời lượng 70 tiết/năm học, những học sinh có định hướng nghề nghiệp cần vận dụng nhiều tri thức vật lý được học thêm 35 tiết chuyên đề/năm. Trong các chuyên đề này, một số có tác dụng mở rộng, nâng cao kiến thức và năng lực đáp ứng yêu cầu phân hóa ở cấp THPT; một số nhằm tăng cường hoạt động thực hành, vận dụng thực tế, giúp học sinh phát triển niềm đam mê, ham thích tìm hiểu khoa học, định hướng nghề nghiệp.

Đánh giá qua sản phẩm thực hành

Trong nội dung, hình thức và phương pháp kiểm tra đánh giá phát triển năng lực học sinh, chương trình tạo điều kiện để tập trung đánh giá các thành phần của năng lực vật lý. Bên cạnh đánh giá kiến thức, coi trọng đánh giá khả năng đề xuất các phương án thí nghiệm, các kỹ năng thực hành và năng lực vận dụng tri thức vào thực tiễn.

Chương trình cũng quan tâm hợp lý đến việc sử dụng cách đánh giá qua các sản phẩm thực hành của học sinh (như sản phẩm của các dự án học tập) cũng như các đánh giá mang tính tích hợp (chẳng hạn như STEM). Cấu trúc nội dung cũng như yêu cầu cần đạt của chương trình về cơ bản là giống nhau cho tất cả các vùng, miền. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện những kỹ năng cơ bản ở tìm tòi, khám phá đối tượng vật lý, giáo viên có thể chủ động tổ chức cho học sinh hoạt động trải nghiệm và thực hành một số nội dung mang sắc thái riêng của địa phương.

T.Trân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)