Khi mới bước chân vào đời tôi chưa có một định hướng nghề nghiệp thì cảnh tình của đất nước – qua lời khuyên của Bác Hồ – đã giúp tôi chọn lấy nghề dạy học. Chúng ta còn nhớ sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Bác đã nhắc nhở toàn dân chống trả lại ba loại giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Dù được giao một nhiệm vụ chính trị nhưng tôi đã mạnh dạn chối từ vì thấy mình không có đủ khả năng và phải tìm một công việc phù hợp, đó là chống lại giặc dốt…
1.Tôi xin mở một trường trung học ở huyện nhà và được ở trên chấp nhận. Bấy giờ do thực trạng như vậy nên đa số HS đều lớn tuổi. Tôi cùng người anh rể – nhà giáo Nguyễn Quốc – rút gọn chương trình 4 năm các cấp trung học xuống còn một năm và lựa những HS đã học xong tiểu học để đào tạo đặng sớm có một đội ngũ giáo viên trẻ cho nhiều trường tiểu học. Không chỉ dạy học ban ngày, tôi còn mở tiếp nhiều lớp bình dân học vụ về đêm để trao con chữ cho những người nghèo, đa số là nông dân, và các lớp học mở ở các miễu, các chùa và không đêm nào là đêm… chủ nhật, trừ 3 đêm Tết. Dĩ nhiên người học không phải đóng góp một khoản phí nào, cũng như người dạy không nhận bất cứ là món quà nào, trừ những tấm lòng thầy trò khắng khít, đậm đà.
Ở các lớp tối, thầy trò gặp nhau trong bóng nhá nhem lập lòe những đóm lửa thuốc để ngồi chờ người phụ trách ánh sáng đem đèn dầu đến. Và mãi đến khi đông đủ, ngọn đèn mới được thắp lên cho đỡ tốn hao. Trong khoảng thời gian đợi chờ như thế – có khi phải tốn hàng giờ – thầy trò nói đủ thứ chuyện trên đời, cả chuyện cưới gả, ma chay và chuyện tiếu lâm… Ở trong bóng tối, tiếng cười vẫn nổ ra như pháo Tết. Quan hệ thầy trò, ở thời kỳ này, hết sức thân mật, như những thành viên trong một gia đình.
Sau gần hai năm, các lớp bình dân học vụ ở tại quê nhà đã được kết thúc, tôi được điều động dạy nhiều trường khác, từ Tam Kỳ đến Tiên Phước, đến Quế Sơn. Còn nhớ vào năm 1952, tôi lên dạy trường Phan Chu Trinh ở một vùng gần miền núi và cạnh làng quê cụ Tây Hồ. Nhà tôi ở cách xa trường ba mươi cây số, nằm giữa vùng cát bao la, muốn đến phải băng qua nhiều đồng ruộng, truông dài, những suối và rừng. Một dịp nghỉ hè, khi tôi cuốn gói về nhà, ba cô học trò đòi được đi theo, dĩ nhiên là phải lội bộ, vì chẳng ai có được chiếc xe đạp. Vợ tôi, ở một mình giữa bãi cát hoang vu, thấy tôi kéo về một đám học trò lấy làm vui lắm. Thầy trò ăn cơm độn khoai, cá mắm, rau luộc, nhưng cười suốt ngày. Một hôm tôi đang ngồi ở sau nhà bỗng nghe trên nhà kêu lên: “Anh ơi! Anh ơi! Lên coi nè!”. Bấy giờ, ngoại trừ với những vị thầy cao niên, xưng hô bằng tiếng “anh, em” vốn đã quen thuộc giữa thầy và trò. Tôi và vợ tôi chạy lên, thấy ba cô đang nằm sấp trên giường, chân đều co lên vung vẩy. Tôi hỏi: “Gì vậy?”. Các cô trả lời: “Bọn em đã biết lật rồi, anh mừng cho bọn em đi!”.
Các cô đến tuổi lấy chồng mà còn đùa cợt hồn nhiên như vậy, đó là cái thời mà mối quan hệ giữa người không bị vẩn đục bởi những ẩn ý bất minh. Tưởng cũng nên nói thêm rằng đó là thời gần như không có sách, báo, không có truyền hình, không có bất cứ môn giải trí nào ở ngoài xã hội.
Chơi đùa mấy hôm, các cô ra về và đòi vợ tôi để tôi hộ tống các cô về lại nhà trường. Nơi đó, gia đình các cô đã tản cư đến. Tôi lại lội bộ ba mươi cây số tiễn đưa, rồi lại một mình lội bộ ba mươi cây số trở về.
2.Có một ngôi trường tôi chỉ đến dạy khoảng chừng vài tháng (năm 1953) rồi bị điều động sang một trường khác, là trường Quế Châu (Quảng Nam) thế mà suốt nhiều năm qua những thầy và trò ngày nào đã vào miền Nam sinh sống vẫn gặp gỡ nhau hàng năm, hoặc ở TP.HCM, lúc xuống Long Khánh, khi lên La Ngà… trong một không khí thân tình rất là xúc động. Một anh học trò thuở ấy – anh Mai Văn Hùng – giờ là dược sĩ, vừa là võ sư chuyên dạy môn võ Bình Định và là vũ sư vì còn chuyên dạy nhảy… đầm. Cứ đúng vào dịp Tết mỗi năm tự tay chế biến một chai rượu bổ để đem tặng thầy. Tôi vốn không thích nhậu nhẹt vì ghét bia, rượu nhưng vẫn cố gắng uống rượu anh Hùng, và phải mất gần cả năm mới làm cạn được cái chai 2/3 lít đó.
3.Sau hiệp định Genève, Mỹ hất cẳng Pháp, đưa tay sai là Ngô Đình Diệm về thống trị miền Nam, trong cuộc đấu tranh đòi hiệp thương Nam Bắc tôi bị nhốt ở nhà tù Thăng Bình rồi đưa ra lao Hội An giam giữ cho đến cuối năm 1956 thì tôi lập mưu trốn vào Sài Gòn. Vào đây, ban đầu chưa có chỗ ở, chưa có việc làm, suốt ngày phải đi lang thang, tối ngủ tạm ở công viên, tìm đến đôi chỗ thân quen ngày trước đã vào sinh sống trong này thì họ đóng cửa không tiếp, vì sợ liên lụy. Một hôm, đang đi gần chợ Vườn Chuối gặp một cô gái đứng nhìn sững tôi rồi kêu: “Thầy Dũng phải không?”. Bấy giờ tôi chưa viết báo, viết văn với cái bút hiệu Vũ Hạnh, tên một bạn tù. Và nhận ra là cô Hạnh, một học trò cũ trường Phan Chu Trinh, ở tại Cẩm Khê, trong thời chống Pháp. Không ngại ở chốn đông người, cô đã ôm chầm lấy tôi, nước mắt đầm đìa. Cô nói: “Em nghe nói thầy đã bị bắt giam rồi bị đánh chết. Em không có ảnh của thầy nên thuê một người thợ vẽ đến nhà rồi tả hình dung của thầy để có tấm hình mà lập bàn thờ…”. Tôi không bao giờ quên hình ảnh của cô học trò đôn hậu với một giọng nói chân tình đầy nước mắt ở bên đường phố ồn ào hôm ấy. Nhưng rồi vì sinh kế, vì công tác và những lần vào lao tù, tôi không còn dịp gặp lại cô học trò ấy.
4.Thời chống Mỹ, tôi dạy môn văn học ở Trường ĐH Hòa Hảo, mở tại Long Xuyên, mỗi tháng phải xuống đứng lớp độ vài ba ngày. Tôi đi một mình, thường lái chiếc LaDalat (một loại ô tô ráp ở Sài Gòn) để khỏi mất nhiều thời gian xê dịch bằng các xe đó. Vào một thời điểm chiến sự diễn ra khốc liệt, dạy xong đã 5 giờ chiều, tôi chuẩn bị về Sài Gòn thì một sinh viên, anh Phan Văn Bảy, hỏi tôi:
– Thầy định về sao?
Tôi đáp:
– Về thôi. Ngày mai còn quá nhiều việc.
Anh ấy có vẻ trầm ngâm đôi chút rồi nói:
– Thầy cho em cùng theo lên Sài Gòn được không?
– Được lắm. Có anh đi càng thêm vui.
Anh Bảy vội bước lên xe và ngồi cạnh tôi, không thấy đem theo chút hành trang nào. Đi đến Vĩnh Long thì trời tối mịt. Thầy trò vào một quán ăn mà anh Bảy từng quen biết để dùng bữa tối. Ăn xong, anh Bảy nói rất nhẹ nhàng:
– Ước gì em được một đêm trò chuyện cùng thầy. Gần đây có một khách sạn tiện nghi, giá cả phải chăng, thầy trò mình nên ngủ lại rồi sáng sẽ lên đường sớm.
Tôi nể lời anh, ở lại Vĩnh Long. Khi lên giường nằm, nói vài câu chuyện thì anh đã ngáy. Sáng dậy, thầy trò thức sớm đi ăn và cũng giống như bữa tối, anh đã thanh toán tiền trước, lúc nào không hay. Tôi bảo:
– Phải cho tôi gửi lại khoản tiền ăn để tôi thấy được an lòng. Đến cả tiền phòng anh cũng không cho tôi được thanh toán kia mà.
Anh đáp:
– Em được cùng đi với thầy là vui lắm rồi. Tốn kém không là bao nhiêu, thầy đừng quan tâm. Bây giờ chúc thầy lên đường bình an.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
– Chớ anh không đi lên Sài Gòn sao?
Anh đáp:
– Nói thật với thầy, tình hình lúc này rất căng, ban đêm chiến trận có thể xảy ra bất cứ lúc nào trên quãng đường Cái Bè đến Bình Điền. Để thầy một mình mà đi trong đêm, em không an tâm nên đã đi theo tìm cách giữ thầy lại ở Vĩnh Long. Bây giờ thầy về là bảo đảm rồi. Em xin chào thầy để em đón xe trở về Long Xuyên…
Sau ngày Giải phóng, anh Bảy là chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc tỉnh An Giang. Thỉnh thoảng có dịp lên TP.HCM anh đều ghé lại thăm tôi.
5.Tôi không làm sao kể hết những chuyện đơn giản nhưng đậm tình nghĩa thầy trò như thế. Và nói về một người này mà không nhắc đến người khác, ngại rằng sẽ làm cho họ buồn lòng. Chỉ có hai người học trò mà tôi vẫn thường nghĩ đến với niềm xót thương vô hạn, dầu họ đã ra khỏi cuộc sống này. Đó là chị Võ Thị Thuấn và anh Trương Ngạnh, quê ở Thăng Bình, học trò của tôi thời chống Pháp. Một chuyến về quê, tôi có hỏi thăm, được biết cả hai đều đã hy sinh. Cô Thuấn, anh Ngạnh chỉ có mỗi tội là đã yêu nước nhiệt thành, đã đứng ở trong hàng ngũ những người chống Mỹ. Trong một trận càn ác liệt của lính lê dương, chị Thuấn đã bị một tên phản bội chỉ nơi trú ẩn và khi bọn giặc kêu gọi đầu hàng thì chị dưới hầm bước lên ném lựu đạn vào bọn xâm lược rồi cho nổ quả còn lại kết liễu đời mình, để khỏi phải sa vào tay giặc. Còn anh Trương Ngạnh thì trong một trận lùng khác, bọn lính lê dương lôi anh ra được từ nơi trú ẩn và chặt làm đôi. Sử sách còn ghi rõ tội ác của bọn lính này: Không chỉ những người bộ đội bị chúng sát hại mà chúng đã gây 43 vụ thảm sát, giết trên ba trăm ngàn người thường dân vô tội. Xin được nhắc lại là anh Vũ Hạnh mà tôi mượn tên để làm bút hiệu là một nhà giáo tiểu học gia nhập bộ đội vốn là chiến sĩ hết sức kiên cường đã ngăn chặn bọn lính lê dương để cho đồng đội rút lui an toàn và anh đã bị bọn chúng giết chết.
Làm sao có thể kể hết những chuyện nghĩa tình sâu nặng giữa thầy và trò suốt mấy mươi năm tôi đã trải qua trên nhiều miền của đất nước. Có lẽ đó một thứ nghĩa tình chân thật, bền lâu trên thế gian này và điều vinh hạnh cho những người thầy – đúng nghĩa người thầy – là có được nghĩa tình ấy. Như Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là một nghề cao quý vào bậc nhất trong các nghề cao quý của xã hội chủ nghĩa”. Và Cụ Hồ của chúng ta cũng nói rằng: “Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vĩ đại”.
Nhà văn Vũ Hạnh
Bình luận (0)