Nhiều sĩ tử ấn tượng khó quên sau khi được sinh viên tình nguyện “tiếp sức” chu đáo tại mùa thi vừa qua |
Mùa tựu trường này, nhiều sĩ tử hạnh phúc được khoác áo sinh viên chắc chắn sẽ không quên các anh, chị tình nguyện “Tiếp sức mùa thi”. Bởi trong những ngày thi qua, họ đã được cảm nhận ấm áp…
Ấm áp cũng chính là điều mà nhiều cụ bà, cụ ông, bậc cha mẹ… nhận được giữa những ngày lạ lẫm cùng cháu con đặt chân lên thành phố rộng lớn này. Đối với họ, cho đi và nhận lại, tình cảm càng đong đầy hơn!
“Cầm” thẻ sinh viên mua Atlat cho sĩ tử
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM trước giờ thi môn địa, nhiều thí sinh vội vã tới cổng trường mới hốt hoảng nhận ra mình quên mang Atlat địa lý. Lo lắng, các em liền tìm đến các anh chị áo xanh. Hai sinh viên tình nguyện tức tốc lên xe chạy đi “gõ cửa” từng nhà sách. Cũng vì sớm quá chưa đến giờ mở cửa, phải đến tận nhà sách thứ 3 hai sinh viên mới tìm được Atlat. Số lượng cần mua nhiều quá, không đủ tiền, hai chiến sĩ xin “cầm” lại thẻ sinh viên để kịp mang Atlat về cho thí sinh.
Không chỉ vậy, đến giờ quan trọng, máy tính, đồng hồ… cũng được các sinh viên nhiệt tình trao cho sĩ tử mượn để yên tâm thi cử. Có thí sinh sau giờ thi căng thẳng, vội bắt xe về mà quên cả trả vật dụng lại các anh chị sinh viên. Trời mưa, sinh viên tình nguyện chịu ướt để nhường chiếc dù che cho sĩ tử. Vẫn chưa đủ, có nam sinh viên còn khiêng cả cây dù nặng của nhà tài trợ ra che mưa các em. Dù đôi khi, thí sinh vì căng thẳng quá quên cả tiếng cảm ơn nhưng bản thân sinh viên niềm vui vẫn len lỏi.
Ăn sáng muộn, sau khi đã hỗ trợ thí sinh vào phòng thi và bắt đầu làm bài, sinh viên Dương Vũ Linh (năm 2 ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) vừa phấn khởi vừa cảm động rưng rưng khóe mắt. Hộp bánh cuốn này được bà ngoại của một thí sinh mua cho. “Tới tận lúc ăn, bánh cuốn đã nguội, nhưng lòng em thì ấm lắm!” – chàng sinh viên bày tỏ. Ngay cách em vài bước chân, người phụ nữ được nói đến đang tựa cổng trường nhoẻn miệng cười, bên cạnh là mấy túi chứa vật dụng, đồ đạc lỉnh kỉnh. Bà tên là Lý Thị Bình (ngụ xã Phước Long, huyện Châu Thành, Tây Ninh), 67 tuổi, đang đợi cô cháu gái thi bên trong. Dù cháu còn thi thêm buổi chiều nhưng bà vẫn nhất quyết trả phòng trọ sớm để đỡ tiền xe ôm di chuyển. Bà dành số tiền tiết kiệm này lặng lẽ mua đồ ăn sáng cho sinh viên. “Thấy các cháu sinh viên “tiếp sức” căng thẳng quá, có khi không kịp ăn sáng nên bà mua sang ăn cho đỡ đói. Lần đầu tiên bà lên Sài Gòn, có các cháu sinh viên hỗ trợ, thấy bớt lạ lẫm và yên tâm vô cùng” – bà Bình chia sẻ. Bà còn bảo, khi về sẽ nhớ lắm, vì các em khiến bà cảm thấy ấm lòng.
Đợi đến khuya để trả điện thoại người mất
Không chỉ mùa thi, tình người có những khi còn tỏa ấm giữa nhịp sống bộn bề, hối hả. Nếu nhiều người hạnh phúc vì những điều may mắn nhận được thì Ngô Hải Triều (cựu sinh viên ngành điện – điện tử Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) lại khấp khởi vui khi cho đi. Một tối chạy xe chầm chậm trên đường đi làm thêm về, Triều vô tình nhìn thấy điện thoại của một đôi vợ chồng trẻ bất ngờ rơi ra từ túi áo khoác. Dừng xe lại nhặt nhưng sau đó chàng thanh niên không đuổi theo kịp hai anh chị này để trả lại. Điện thoại lại cài mật khẩu nên em không thể mở màn hình để gọi vào bất kỳ số người thân nào của họ. Triều đành gửi xe vào công viên ngồi chờ vì nghĩ anh chị kia thể nào cũng sẽ gọi lại tìm. Mãi đến gần khuya, vợ chồng trẻ đã liên lạc và đến nhận lại. Nhìn nét mừng rỡ trên gương mặt, cái bắt tay cảm kích và lời cảm ơn rối rít từ phía họ, Triều cũng thấy lòng nhẹ nhõm lạ thường. Lúc quay đi rồi, chị vợ còn ngoái lại: “Nhờ những hành động tốt như của em mà đời thêm đẹp, thêm ấm!”. Đoạn đường về của chàng cựu sinh viên hôm ấy cũng nhiều tiếng hát hơn mọi ngày.
Bà Lý Thị Bình (xã Phước Long, huyện Châu Thành, Tây Ninh) mang theo đồ đạc ngồi chờ cháu trước Hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM sau khi đã trả phòng sớm để tiết kiệm tiền xe ôm mua đồ ăn sáng cho các sinh viên tình nguyện |
Sinh viên Lê Thị Hồng Thơm (năm 2 Trường ĐH Lao Động – Xã hội cơ sở TP.HCM) cũng từng mừng vui khôn xiết khi được một người hoàn toàn xa lạ liên lạc trả lại ví tiền bị đánh rơi. Toàn bộ giấy tờ, khoản tiền gia đình gửi để đóng học phí vẫn nằm vẹn nguyên trong ví, Thơm xúc động đến nghẹn ngào: “Thì ra, cuộc sống vẫn còn nhiều hành động đẹp và chứa chan tình cảm. Hôm nay mình nhận được niềm hạnh phúc này, ngày mai nhất định mình cũng sẽ phấn đấu lan tỏa niềm vui ấy đến với những người khác”…
Chắc hẳn bằng con đường này, tình người cứ thế mà tỏa ấm…
Mê Tâm
Bình luận (0)