“Nghề biển gắn với đời cha ông mình cả trăm năm. Sống trên đất liền, làng xóm trân quý nhau bao nhiêu, thì giữa mênh mông sóng nước biển khơi cái tình ấy càng quý hơn…” – ông Trần Văn Mười, chủ tàu cá Đna 90777 chia sẻ.
Anh Trần Văn Mười sẻ chia rủi ro với gia đình chủ tàu bị nạn |
1.Nhắc đến ngư dân Trần Văn Mười, bà con ngư dân ở Đà Nẵng, Quảng Nam không ai là không biết. Anh Mười được bà con nhớ đến không chỉ bởi là chủ sở hữu của một trong những con tàu vỏ thép lớn nhất nhì ở vùng ven biển miền Trung này với số vốn bỏ ra hàng chục tỷ đồng mà còn bởi tấm lòng thơm thảo của anh trước hoạn nạn của những ngư dân mưu sinh bằng nghề đánh cá trên biển khơi.
45 tuổi, anh Mười đã quen với sóng gió biển khơi từ tuổi 15. Đời cha ông gắn với biển, đời anh lớn lên nhờ biển. Bởi vậy, biển với anh như mảnh vườn nhà cần dày công gìn giữ. Con tàu lớn của anh từng vươn khơi xa tới tận Trường Sa, Hoàng Sa và nhiều vùng biển khác để đánh bắt cá lớn. Anh Mười nói, đó cũng là cách để ngư dân canh giữ biển đảo của Tổ quốc mình. “Ngày chưa đóng tàu vỏ thép, tôi từng vươn khơi trên những chuyến tàu gỗ công suất nhỏ. Sóng gió biển khơi từng khiến nhiều phen đối mặt với hiểm nguy, vì vậy tôi hiểu nỗi gian khó mà mỗi ngư dân phải gánh chịu. Khi nghe tin họ gặp nạn, dù chuyến biển mới bắt đầu, nếu quay về sẽ gánh khoản lỗ lên tới hàng trăm triệu đồng, tôi vẫn quyết định giúp bà con trước”, anh Mười bộc bạch. Sáu tháng đầu năm 2018, tàu của anh trực tiếp trục vớt, lai dắt 3 tàu gặp nạn. “Hai lần lai dắt tàu vào bờ, số tiền lỗ cho hai chuyến biển lên đến gần 500 triệu đồng. Phụ thuộc vào số tiền bảo hiểm của tàu bị nạn họ sẽ bù cho mình ít nhiều. Vẫn biết là để có được khoản bù lỗ đó phải mất rất lâu, chưa biết đến khi nào mới có nhưng cùng đi biển với nhau, không ai đành lòng thấy bà con bị nạn mà từ chối. Anh em bạn thuyền đi cùng nhau dù cuộc sống khó khăn cũng chia sẻ, cảm thông với mình trong khó khăn, tiền công bị giảm mất một nửa nhưng không ai phàn nàn”, anh Mười trải lòng.
2.Nhớ lại chuyến biển gần đây nhất, anh Trần Tiến Hùng, người đã gắn bó với tàu Đna 90777 của anh Mười đã 3 năm trong vai trò thuyền trưởng, kể lại: “Hôm đó tàu chúng tôi đang ra khơi, dự kiến 45 ngày sẽ cập bến nhưng mới đi được 15 ngày thì nhận được tin cầu cứu của tàu QNa 90749. Nghe tin trên tàu có tới 49 lao động, tàu lại đang hỏng máy thả trôi ở khơi xa nên tôi quyết định gọi về đất liền cho anh Mười là chủ tàu. Được anh Mười đồng ý, tôi liền quay tàu vượt gần 86 hải lý, đến phía Đông quần đảo Hoàng Sa để tiếp cận tàu bị nạn để cứu giúp”. “Hôm đó, biển động rất mạnh, chúng tôi tiếp cận tàu bạn và thấy các thủy thủ sức khỏe ổn định nên rất mừng. Hành trình lai dắt tàu bạn về Đà Nẵng cũng gặp khá nhiều khó khăn do sóng lớn, gió giật mạnh. Phải mất tới 5 ngày 4 đêm mới về đến đất liền”, anh Hùng nói thêm.
Xuống tàu ra biển cùng cha từ năm 14 tuổi, 23 năm làm thuyền trưởng đi các vùng biển xa, anh Trần Tiến Hùng không nhớ hết đã bao nhiêu lần mình cứu nạn ngư dân. Anh bảo, làm nghề biển, gặp nạn thì cứu, vì anh em cũng như mình, ở đất liền còn ngổn ngang gia đình, vợ con chờ đợi, sống nương vào thu nhập của con tàu. “Biển thì sóng gió bất thường, trên đất liền xe hư còn đi bộ, ở giữa biển mênh mông, tàu hỏng máy thì chỉ biết nhờ cậy vào những con tàu khác mà trở về”, anh Hùng bộc bạch. Hôm áp Tết Mậu Tuất, con tàu do anh Hùng làm thuyền trưởng cũng đã lai dắt một tàu của ngư dân Đà Nẵng với hơn 10 lao động trở về đất liền. Biển động mạnh, nhiều lúc tàu phải neo lại chờ sóng lặng mới tiếp tục được hành trình. Hôm cập cảng Đà Nẵng, cũng đúng vào chiều ba mươi Tết. Anh Hùng nói, tất niên năm rồi là một tất niên hân hoan nhất của đời ngư dân như anh vì đã giúp hơn chục gia đình tiễn năm cũ, đón một cái Tết trọn vẹn trong tiếng cười.
Anh Mười nói: “Từ đầu năm 2018 đến nay, tàu của tui toàn làm việc nghĩa, còn lãi thì chưa thấy đâu, đã thấy khoản lỗ hơn nửa tỷ đồng chưa biết tính sao nhưng vẫn thấy vui. Vui vì anh em tàu bạn an toàn trở về với gia đình, con cái họ. Đó âu cũng là lãi lớn rồi!”. |
3.Trở về sau chuyến biển giúp tàu bạn, lại gặp đúng mùa trăng và áp thấp nhiệt đới gần bờ nên tàu anh Mười phải neo lại âu thuyền Thọ Quang để chờ chuyến biển tiếp. Cách đó không xa, con tàu bị nạn của anh Huỳnh Quốc Việt (Quảng Nam) vừa được tàu anh Mười giúp lai dắt trở về cũng đang được tiến hành sửa chữa. Anh Việt vừa trông tàu cho đội thợ tu sửa, thi thoảng có ấm trà ngon anh lại mang lên tàu anh Mười để mời ân nhân của gia đình mình. Anh Việt xúc động: “Nếu hôm ấy không có tàu anh Mười và sự tận tình của thuyền trưởng Hùng chắc tàu của tôi còn gặp nhiều khó khăn nữa. Nếu hôm đó không kịp cứu nạn, không chỉ gia sản cả đời tích cóp, mượn vay đóng thành con tàu bị chìm sâu đáy biển mà sức khỏe anh em cũng đối mặt với hiểm nguy. Nhờ anh Mười mà tàu của gia đình tôi được lai dắt vào bờ an toàn, giờ chỉ tu sửa xong là có thể vươn khơi tiếp”.
Nghề đi biển, được mất nhờ biển, từ biển. Lằn ranh của cuộc sống cũng mong manh trước sóng gió bất thường nên người đi biển rất thương nhau. Trước sự sống chết, không ai tính đến chuyện lỗ lãi của chuyến biển cho dù mới bắt đầu vươn khơi, mặc dù ai cũng biết sau chuyến hải trình làm việc nghĩa, ông chủ tàu phải đối mặt với khoản nợ lên đến hàng trăm triệu đồng và thêm nhiều khó khăn khác cho bạn thuyền mà cả gia đình họ sống trông chờ vào ngày công trên biển.n
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)